Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

TPP và cuộc giải phóng nông nghiệp tại Việt Nam

Xuân Mai (VNTB) Thỏa thuận TPP hoàn tất, đồng nghĩa với việc đất nước Việt Nam sắp bước vào một cuộc thay máu toàn diện. Về địa lý TPP là một WTO thu nhỏ nhưng về chính trị thì đó là một WTO mở rộng trên mọi lĩnh vực trừ năng lượng. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ thoát khỏi thế độc quyền. 70% số lao động thống kê đứng trước cơ hội để phát triển nghề nông. Thị trường nông nghiệp sẽ bước vào một cuộc cách mạng mà nhà nước muốn hay không cũng không thể kiểm soát như trước.

TPP sẽ buộc Sở, phòng nông nghiệp trao trả quyền lực cho nhà khoa học và nhà nông. Ảnh: báo Nghệ An

Nhà nước không còn độc quyền xuất khẩu gạo


Với cái cớ là dùng lý do an ninh lương thực, chính phủ Việt Nam đã ngăn cấm việc tư nhân xuất khẩu gạo từ Việt Nam ra nước ngoài suốt cả nửa thế kỷ. Còn nhớ cuộc khủng hoảng lúa gạo năm 2008, nếu người dân Việt Nam bán gạo trong thời gian thì tổng giá trị lúa gạo của chúng ta năm đó sẽ đại nhảy vọt, có khi làm một cú hích lớn trong ngành nông nghiệp .Vậy mà, nền thống kê của Việt Nam lại tỏ rõ sự yếu kém, họ không tính toán được lượng gạo trong dân. Do không dự đoán được rằng nguồn cung lúa gạo trong nước là thừa sức đủ bán gạo ra thế giới đang khủng hoảng lương thực 2008, chính phủ Việt Nam đã siết luật cấm để găm lúa gạo lại trong nước, khiến cơ hội ngàn vàng tuột mất. Sau sự cố này, chính phủ cũng không có động thái gì gọi là bồi thường hay đơn giản là xin lỗi người nông dân. Đáng lẽ sau một kinh nghiệm như vậy, luật cấm tư nhân bán gạo ra nước ngoài phải bị xóa bỏ, thay vào đó là ban hành các đạo luật để điều tiết xuất khẩu gạo. Nhưng đã không có điều luật nào được ban hành, hệ thống báo chí đã được chỉ đạo làm im vụ này.


So sánh với thế giới tiến bộ, rõ ràng chính phủ Việt Nam không những không hỗ trợ người nông dân đúng trách nhiệm mà còn kìm hãm không cho nông nghiệp phát triển. Trong khi ở Mỹ, hội nông dân có quyền xuất khẩu nông sản. Nông sản của họ thậm chí còn được nhà nước hoặc trợ giá, hoặc được bảo trợ bằng những đạo luật. Riêng Việt Nam thì không, yếu kém về chính sách dẫn đến cuộc sống bấp bênh của người nông dân. Khi các nhà khoa học hỏi về điều này, bộ trưởng nông nghiệp lúc đó là Cao Đức Phát cũng trả lời rằng ông ta không có quyền quyết định. Các nhà khoa học Việt Kiều lúc đó rất bất bình, rằng người đứng đầu bộ nông nghiệp còn không có toàn quyền trong địa hạt của mình thì người nông dân không có quyền gì hết, nền nông nghiệp không thể cất cánh đúng với tiềm năng. 


Vì vậy, TPP hứa hẹn sẽ cởi bỏ dây xích cấm xuất khẩu gạo cho nông dân Việt Nam. Điều này được trông chờ như một cú hích lớn trên cả nước. 


Sở, phòng nông nghiệp sẽ trao trả quyền lực cho nhà khoa học và nhà nông


Thương trường là chiến trường toàn diện. Trong cuộc đua đó, ai không cải cách thì người đó sẽ tụt hậu. TPP bảo đảm cho chất lượng và tự do buôn bán hàng nông sản. Nhờ có yếu tố nước ngoài, cơ chế quản lý nông sản của Việt Nam cũng sẽ tự động thay đổi. Cán cân quyền lực trong nông nghiệp dự kiến đổi chiều ngược với mong muốn của những người nắm quyền lâu nay.

Con người trong xã hội chủ nghĩa không có quyền tự quyết. Người nông dân cũng vậy khi quyết định trồng giống lúa gì không phải là người nông dân mà là các phòng, sở nông nghiệp. Nghịch lý này diễn ra và lặp đi lặp lại quá nhiều lần đến nỗi không còn ai biết nó là nghịch lý. Đã từng có những vụ mà công an xã cưỡng chế không cho người dân trồng giống lúa họ thích trên nhiều địa phương. Tất nhiên, nếu mất mùa thì các phòng, sở không bao giờ chịu trách nhiệm. Đúng như một câu thơ mà những người dân thấp cổ bé họng thường đọc để bày tỏ bức xúc:

“Mất mùa là bởi thiên tai
Được mùa là bởi thiên tài đảng ta”.

Nhưng từ nay, sau khi TPP được áp dụng, các nhà tư bản già sẽ sang đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam. Tư bản già nước ngoài sẽ chấp nhận lỗ trong một vài năm đầu để đạt được lợi tức lâu dài sau đó, vì vậy họ sẽ không ngại bảo trợ cho nông dân thoát khỏi kiềm chế của nhà nước để được là khách mua gạo uy tín tại Việt Nam . Đất canh tác người dân vẫn giữ nguyên, nhưng từ nay trồng lúa gì sẽ do thị trường quyết định chứ không do nhà nước quyết định. Vô số nhân viên các phòng và sở nông nghiệp lâu nay ăn không ngồi rồi sẽ phải rời bỏ vị trí. Các nhóm nông dân liên kết sẽ trực tiếp tìm đến nhà khoa học, hoặc thương nhân lớn sẽ “ khuyến mãi” nhà khoa học cho nông dân. Cuộc sống của người nông dân sẽ được ổn định hơn bởi sự bảo đảm của bảo hiểm nông nghiệp. 

Còn đó những nỗi lo

Khi TPP can thiệp sâu sắc vào thế độc quyền của nhà nước trong nông nghiệp, nhiều niềm vui và cũng nhiều nỗi lo đến cùng hiệp định này. 

Cho dù chuyện gì xảy ra, giá nông sản, đặc biệt là giá lúa gạo chắc chắn sẽ tăng. Nhà nước Việt Nam từ ngày lên nắm quyền năm 1945 đến nay đã là bảy mươi năm mà bộ luật vẫn chưa hoàn thiện. Hiến pháp của Việt Nam thay đổi tùy theo phán quyết riêng của đảng Cộng Sản, đủ để biết nền lập pháp của Việt Nam kém cỏi đến nhường nào. Trông sang Hàn Quốc, cơ quan chống độc quyền của họ hoạt động hiệu quả trong mọi ngành nghề thì Việt Nam chưa hề có cơ quan này. Nạn đầu cơ và lũng đoạn lương thực chắc chắn sẽ xảy ra. Thủ phạm đầu cơ lương thực ở Việt Nam trong tương lai gần không ai khác ngoài các thương nhân Trung Quốc. Doanh nhân Trung Quốc hầu hết là tư bản trẻ, sống ngoài lề luật và chuyên hối lộ, họ đi đến đâu là nền nông nghiệp nước đó lâm vào cảnh giá cả diễn biến thất thường. 

Thương nhân Trung Quốc chỉ là trường hợp riêng trong một trường hợp chung mà chúng ta gọi là tư bản trẻ. Hai thứ tư bản này khác ở chỗ trong khi tư bản già tôn trọng lợi ích dân bản địa, chấp nhận lãi ít để thu lợi lâu dài thì tư bản trẻ dùng mọi cách để thu lợi cao nhất trong một thời gian ngắn nhất, bất kể những hậu quả cho cộng đồng sở tại. Nếu là ở một thể chế dân chủ thì việc quyết định cho doanh nghiệp nào vào nước mình đầu tư rất khắt khe và cẩn trọng, nhưng ở Việt Nam hối lộ đã trở thành văn hóa. TPP vào sớm nhưng dân chủ lệch phá quá muộn cũng có thể đẩy một lượng lớn người dân đến chỗ bần cùng.

Nỗi lo thứ hai, đó là trách nhiệm duy trì hệ thống tưới tiêu. Ai cũng biết rằng nhà nước độc quyền hệ thống kênh, mương và hệ thống máy bơm, thông qua các hợp tác xã. Khi còn kiểm soát bởi nhà nước, kênh mương và máy bơm còn được duy trì. Khi nhà nước mất đi nguồn thu từ độc quyền nông nghiệp, ai sẽ bỏ tiền duy trì hệ thống kênh mương này? Khi hệ thống đê điều và kênh mương bị bỏ rơi, thảm họa về môi trường cho nông nghiệp nói riêng và xã hội nói chung sẽ rất trầm trọng. Người dân nếu không lên tiếng thì nạn khô hạn hoặc ngập lụt là điều không tránh khỏi. Sở hữu về đê điều và hệ thống máy bơm phải thoát khỏi phụ thuộc vào nhà nước để trao về tay cho các khu nông nghiệp tự trị. Chỉ có các hợp tác xã làm điều này, và chỉ khi các hợp tác xã vừa thoát ra khỏi nhà nước, vừa thoát ra khỏi thương nhân. Tất nhiên, các hợp tác xã phải xây dựng thành công các thỏa thuận nội bộ gọi là hương ước địa phương, và chính phủ phải kien quyết bảo hộ những thỏa thuận đó. 

Những người nông dân Việt Nam chỉ quen theo dõi tin tức một chiều từ chính phủ không nhận ra những cú sốc lớn sắp làm xáo trộn xã hội Việt Nam. Họ không thể trông chờ chính phủ, cũng không thể trông chờ thương nhân nước ngoài. Đã đến lúc người nông dân đứng dậy để đòi những quyền hợp hiến của mình, gây sức ép để nhà nước diễn dịch các quyền đó thành luật. Ngoài ra, phương pháp để nông dân tồn tại là liên kết với nhau để có thể phát triển bền vững trước mọi mối đe dọa. Đây là một bài toán lớn nhưng không phải là khó, chỉ cần những người nông dân can đảm và có tầm nhìn đứng lên hành động thì xác suất cải cách nông nghiệp từ dưới lên sẽ là đầy hứa hẹn.

1 nhận xét:

  1. Huyền Anh23/10/15 8:51 CH

    Lại giải phóng !?! Từ những năm 50's đến nay, người dân quá khiếp đảm hai chữ giải phóng rồi. Hễ cứ giải đến đâu là y như rắng nơi đó bị phỏng đến đó. Dân thủ đô là nạn nhân thứ nhất.

    Còn cộng sản là còn không khá nổi.

    Trả lờiXóa