Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Sao không nhìn sang Myanmar để “đi tắt, đón đầu”.

NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Nhân dân Myanmar mừng thắng lợi của cuộc bầu cử 8/11/2015


Chuyện “đi tắt đón đầu”

“Đi tắt đón đầu” là một cụm từ xuất hiện với tần suất rất lớn trên báo chí, nhất là cách đây 5, 7 năm, được coi là một phương châm mà có vẻ như các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý rất tâm đắc. Nó xuất phát từ ý muốn khắc phục tình trạng lạc hậu của Việt Nam khi đang lóp ngóp ở vùng trũng của thế giới.

“Đi tắt, đón đầu” hiểu nôm na là lợi dụng các thành quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của thế giới, áp dụng cái roẹt vào nước ta, làm cho thiên hạ có cái gì ta có cái đó, cho dù Việt Nam chẳng có lấy một mẩu phát minh nào.

Phương châm này không có gì mới. Không đưa vào nghị quyết, chẳng hô hào thì nó vẫn cứ diễn ra. Còn nhớ ngày xưa, khi tôi mua cái máy tính ni-sa đã cũ, nặng bằng đứa trẻ lên mười với số tiền 12 nghìn đồng lúc ấy thì ngay sau đó, chiếc máy tính điện tử bấm số nằm gọn trong lòng bàn tay chỉ có một nghìn nên đành ném chiếc máy ni-sa vào kho. Loại máy tính gạt cần của Liên Xô như một khối sắt cong, còn tệ hại hơn nữa, thà tính tay còn nhanh hơn. Chẳng ai điên đến mức, khi người Mỹ phát minh ra bóng điện, mình không lợi dụng mà còn đi mày mò nghiên cứu nguyên lý, nguyên tắc, công nghệ làm cái bóng điện như thế nào.

Đó là nói về sản phẩm (dịch vụ) nhập khẩu hay sản phẩm của nước ngoài sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập dây chuyền về để sản xuất sản phẩm. Còn lợi dụng công nghệ mới, kỹ thuật mới để bắt chước thiên hạ làm ra sản phẩm thì hình như Việt nam lại không có duyên, như con ốc vít, hì hục mãi vẫn không làm được chẳng hạn. Riêng với công nghiệp đóng tàu, báo chí đã từng ầm ỹ rằng Việt Nam là cường quốc tàu biển, cuối cùng hóa ra nó lại là anh Vinasin như ta đã thấy.

Đi tắt thì được, nhưng đón đầu thì nói cho nó thuận tai thôi, chứ đón đầu sao được. Liệu Việt Nam có thể bỏ tiền ra để mua phắt bản quyền khi thiên hạ vừa phát minh ra cái gì đó không hay chỉ có thể mua dây chuyền về sản xuất. Vấn đề giải mã công nghệ, liệu có giải được không? Vì vậy, nói là đón đầu nhưng áp dụng (hoặc sử dụng) sau thiên hạ vài năm là quý lắm rồi.

Sao không đi tắt đón đầu về chính trị?

Dù sao thì “đi tắt đón đầu” cũng giúp cho Việt Nam cải thiện đáng kể tình trạng lạc hậu so với… chính mình trước đây, chứ không khắc phục được tình trạng tụt hậu.

Vì sao vậy? Vì khi nói đi tắt đón đầu, người ta mới nói đến lĩnh vực khoa học, kỹ thuật thôi, chứ không nói đến vấn đề chính trị- xã hội. Cũng là đi tắt đón đầu nhưng Hàn Quốc, Nhật Bản người ta như thế mà Việt Nam thì lẹt đẹt như thế.

Tình trạng tụt hậu ngày càng xa đã có nhiều nhà kinh tế, nhà nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân, đó là do thể chế. Một thể chế sai lầm (chứ không phải là từng phù hợp nhưng nay đã lạc hậu) chình ình ra đấy, cản trở sự phát triển của xã hội mà các nhà lãnh đạo, kể cả ông lãnh đạo cao nhất là Tổng bí thư cứ hô hào phải bảo vệ nó, phải kiên trì, phải định hướng thì đi tắt kiểu gì, đón đầu kiểu gì cho lại.

Cái thể chế độc tài (mà lại là độc tài cộng sản mới khiếp chứ) làm cản trở xã hội bảy chục năm nay rồi. Nó giống như cái máy ni-sa vừa nặng nề, vừa chậm chạp vừa kém hiệu quả của tôi. Sao không nghĩ đến chuyện đi tắt đón đầu để thay nó đi. Mỹ nó giàu mạnh như thế, vậy mô hình Nhà nước Mỹ ra sao, hiến pháp của họ thế nào mà mà vận hành một đất nước rộng lớn vào hạng ba thế giới suôn sẻ như vậy? Nếu không thích Mỹ thì xem mô hình Nhà nước của Đức, của Anh, Pháp. Không nữa thì xem mô hình Nhà nước của các nước Bắc Âu. Nghe nói ngày xưa, ông Đồng (Phạm Văn) sang thăm Bắc Âu, về ông khen nức nở đấy mới đúng là thiên đường. Chẳng hiểu sao khen thế mà ông không có một ý kiến nào đề xuất bắt chước họ.

Mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang áp dụng là khuân trực tiếp ở bên Tàu về, nhưng gốc rễ là từ Liên Xô. Chế độ đảng cộng sản lãnh đạo độc quyền, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, triệt tiêu kinh tế tư bản, cải cách ruộng đất, hợp tác hóa, đánh giới văn nghệ v.v… cũng từ đấy mà ra cả. Xét cho cùng, tội là tội thằng Liên Xô suỵt chó vào bụi rậm. Nhưng nó chui vào nửa chừng rồi lại chui ra, còn ta cứ chui sâu mãi vào là sao? Hay là bị cái tư duy “thay đổi chẳng hóa ra mình sai à” nó ám ảnh?

Mấy ngày nay, ở Việt Nam và thế giới xôn xao về cuộc bầu cử tự do ở Myanmar. Cả nhân loại mừng cho Myanmar. Một chế độ độc tài quân sự ngự trị ở đất nước này đã 53 năm, bây giờ bầu cử tự do. Có tới 92 đảng phái tranh cử, 30 triệu người bằng 80% cử tri đi bầu. Đảng đối lập Liên Minh Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi chiếm 3/4 số ghế trong quốc hội, vượt mức tối thiểu để thành lập chính phủ (2/3 số ghế). Đảng cầm quyền tuyên bố thua cuộc. Kết quả thắng lợi áp đảo của đảng đối lập đã nói lên lòng dân Myanmar. Thế mà trước đây, nếu các quan chức độc tài Myanmar hỏi người dân xem có yêu chế độ không thì có lẽ gần hết người dân bảo có (vì sợ quá), phần còn lại là những người bị nhà cầm quyền cho là “phản động”, sẵn sàng chấp nhận tù đày.

Hoan hỉ chia vui với người dân Myanmar, người ta thèm muốn, ao ước và mơ bao giờ thì đến Việt Nam? Rồi thèm quá không chịu nổi, người ta thách đảng CSVN có dám làm như Myanmar không? Cái sự thách này đang biến thành một phong trào trên mạng xã hội facebook.


Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi thách Đảng cộng sản VN dám làm như Myanmar

Áp dụng mô hình của Mỹ, Châu Âu, cho dù thấy nó hay thật nhưng thế nào cũng có ông lãnh đạo hay ông nghị nào đó, kiểu nghị Phước chẳng hạn cho rằng vì dân trí ta thấp nên không… hợp. Nhưng Myanmar thì sao? Họ cùng khu vực Đông Nam Á với ta, trình độ sản xuất tương đương ta, dân trí cũng xêm xêm ta; ngoài ra còn nhiều điểm tương đồng khác (!?) như thành thích về nhân quyền kém, không có tòa án độc lập, không chấp nhận đối lập, khủng bố các nhà hoạt động dân chủ, internet bị hạn chế… Thế mà họ đã thả hết tù nhân chính trị, đã chấp nhận các đảng phái đối lập, đã có bầu cử tự do. Vậy thì sao Việt Nam không nhìn sang đó để “đi tắt đón đầu”.

Bao giờ có bầu cử tự do ở Việt Nam? Tôi tin rằng, đây là nỗi trăn trở, là niềm mơ ước, là khát vọng chung của nhân dân Việt nam.


11/5/2012

NTT

1 nhận xét:

  1. Huyền Anh11/11/15 7:49 CH

    Có đấy ông ạ. Nhưng đi bắt (người yêu nước) và đón Tầu (phù).

    Trả lờiXóa