NGUYỄN ĐỨC HIỂN
Qua việc chứng kiến quá trình thẩm vấn, tranh tụng để làm rõ tình tiết, bản chất vụ án, người dự khán có thể hiểu thêm về quy định của pháp luật, cái giá phải trả cho việc phạm tội. Từ đó ngăn ngừa, răn đe những ai có ý định phạm tội. Nó cũng góp phần ổn định tâm lý xã hội khi thấy công lý được thực thi. Công bằng mà nói, khi trình độ dân trí còn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, việc xét xử lưu động mang lại những tác động tức thời, rõ rệt. Thời kỳ ấy truyền thông chưa phát triển, xét xử lưu động vì thế càng cần thiết. Thậm chí trong một số trường hợp thi hành án tử hình, người ta cũng thực hiện theo phương thức “lưu động”. Còn khi xử ở pháp trường, người dân cũng được thoải mái vào xem. Chuyện này mãi gần đây mới chấm dứt. Còn hình thức xét xử lưu động hiện nay chỉ Việt Nam, Trung Quốc và rất ít nước khác thực hiện.
Trong xét xử lưu động, điều không mong muốn là trạng thái tâm lý nặng nề sẽ đeo đuổi người dự khán khi nghe hỏi và trả lời tỉ mỉ chi tiết hành vi giết người dã man, gây thương tích một cách phi nhân tính. Những người tham gia tố tụng và tiến hành tố tụng buộc phải nghe để giải quyết vụ án đã đành, còn nhiều người dự khán nghe với sự hiếu kỳ hơn là tự răn mình. Chưa kể, với các vụ án thảm sát dã man, việc xét xử lưu động có thể sẽ khiến nỗi đau, sự kinh hoàng thêm lần nữa khắc vào thâm tâm những người tham dự. Nó giống một cuộc triển lãm tội ác hơn là giáo dục pháp luật.
Với người tham gia tố tụng và tiến hành tố tụng, việc xét xử lưu động khiến họ chịu áp lực tâm lý rất lớn khi đối diện với đám đông cuồng nộ. Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mức độ ảnh hưởng cụ thể của tâm lý đám đông tới các phán quyết ấy nhưng việc đặt người tiến hành tố tụng trước một áp lực như thế là không nên. Đã có những phiên tòa các luật sư của bị cáo bị người nhà nạn nhân xỉ vả, đòi hành hung chỉ vì họ bảo vệ quyền lợi bị cáo một cách đúng luật. Điều này đi ngược lại mong muốn giáo dục ý thức pháp luật thông qua xét xử lưu động.
Sự hả hê vì cái ác bị trừng trị, lòng hiếu kỳ được thỏa mãn khi nhìn tận mắt bị cáo co rúm trước công chúng… có thể nhất thời vuốt ve niềm đắc thắng của số đông chứ chưa chắc đã giáo dục được tính nhân văn. Còn nếu nói giáo dục và tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức pháp luật thì phải chăng ở đây kênh truyền dẫn ý thức là sự sợ hãi?
Giáo dục pháp luật phải là một chuỗi dài từ ứng xử và giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội. Là thông qua hoạt động của bộ máy hành pháp liêm chính và kiên quyết để người dân hiểu: (i) Không được vi phạm pháp luật, dù là chuyện nhỏ nhất. (ii) Nếu vi phạm pháp luật, dù là hành vi nhỏ nhất, đều bị xử lý. Còn hiệu quả của việc xét xử lưu động đối với sự nghiệp tuyên truyền pháp luật hiện nay chắc không lớn.
Việc xét xử lưu động thực ra đã có từ xa xưa, ở nhiều nước trên thế giới, nhưng ngày nay nó dần được bãi bỏ. Đã đến lúc cần chấm dứt hình thức xét xử này bởi nó giống như triển lãm tội ác và sự trừng phạt. Mà không chỉ tội ác, ngay cả sự trừng phạt cũng không nên đem ra triển lãm!
TIN LIÊN QUAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét