Tường An, thông tín viên RFA, Paris
Em Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi bị một tòa án huyện ở Long An hôm 24/11/2015 kết án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù- Courtesy nld.com
Ngày 21 tháng 12 vừa qua, 11 luật sư của nhiều văn phòng luật sự khác nhau đã đồng loạt ký một bản kiến nghị yêu cầu huỷ bỏ việc tạm giam và trả tư do ngay cho thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn cho đến khi có kết quả cuối cùng về vụ án. Kiến nghị này được gửi lên Toà án Nhân dân tỉnh Long An, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An. Thông tín viên Tường An có cuộc phỏng vấn với Luật sự Đặng Huỳnh Lộc, một trong 11 Luật sư ký tên trong kiến nghị này để tìm hiểu thêm.
Luật sư Dương Phi Anh
Luật sư Lê Quang Hiến
Luật sư Nguyễn Mạnh Hiến
Luật sư Trần Bá Học
Luật sư Đặng Huỳnh Lộc
Luật sư Lê Thị Minh Nhân
Luật sư Trần Hồng Phong
Luật sư Trần Văn Thanh
Luật sư Phùng Thanh Sơn
Luật sư Trần Anh Tùng
Đó là tên 11 vị Luật sư đã cùng ký tên vào bản kiến nghị gửi cho Toà án Nhân dân tỉnh Long An, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An ngày 21/12 vừa qua để yêu cầu toà án tỉnh Long An thay đổi biện pháp ngăn chặn, hủy bỏ tạm giam đối với bị cáo 15 tuổi Nguyễn Mai Trung Tuấn trong vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại huyện Thạnh Hóa; tỉnh Long An ngày 14/4/2014.
Xin hủy bỏ lệnh tạm giam
Việc đồng loạt 11 Luật sư có tiếng tăm của luật sư đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác cùng ký tên gửi kiến nghị can thiệp cho một bị cáo ở tuổi vị thành niên là một việc hầu như chưa hề có tiền lệ tại Việt Nam. Giải thích về hành động đặc biệt này, luật sư Đặng Huỳnh Lộc, phát ngôn nhân của nhóm Luật sư cho biết những lý do tình và lý đưa đến việc 11 luật sư đồng lòng thảo kiến nghị này:
“Nó có một động cơ riêng: chúng tôi là bạn của nhau. Thứ hai nữa, qua trao đổi với nhau, chúng tôi thấy rằng việc giam giữ Trung Tuấn là hoàn toàn không cần thiết. Mặt khác, án sơ thẩm hiện nay chưa có hiệu lực pháp luật. Cái thứ nữa là : đối chiếu với những hành vi của cháu Tuấn có nhiều vấn đề đặt ra trong kết quả giám định vừa rồi. Vì thế, chúng tôi cho là cần thiết phải thay đổi biện pháp ngăn chặn trong khi chờ cấp phúc thẩm xem xét”
Ngoài một lý do rất nhân bản để một đứa trẻ vị thành niên có thể về nhà ấm cúng bên cạnh ông bà ngoại và đứa em gái nhỏ trong những ngày lễ gần kề, một yếu tố khác về mặt pháp lý đã là nguyên nhân để 11 vị Luật sư quyết định yêu cầu huỷ bỏ tạm giam, một hình thức tại ngoại như Luật sư Đặng Huỳnh Lộc khẳng định:
“ Đó đúng là quá trình tại ngoại điều tra. Lý do mà chúng tôi đề nghị tại ngoại, việc cận Noel, cận Tết là nguyên cớ chứ không phải nguyên nhân. Mà nguyên nhân của nó là: cháu Tuấn không có dấu hiệu cấu thành tội phạm, cho nên giam giữ cháu Tuấn thì chúng tôi thấy rằng có dấu hiệu oan sai nên chúng tôi đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn”
(Từ trái) Bé Thảo Ly –em gái Tuấn 14 tuổi; Bà Mai Thị Kim Hương –mẹ của Tuấn bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam; Ông Nguyễn Trung Can –bố của Tuấn bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Mai Trung Tuấn bị đem ra xét xử vào sáng ngày 24.11.2015 và bị kết án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù. Nguồn ảnh: TMCNN
Nội dung bản kiến nghị trình bày: Việc tạm giam là không cần thiết với một thiếu niên mới phạm tội lần đầu. Ở độ tuổi này, em Tuấn cần được đến trường, trong khi ba Mẹ đều bị tù, em gái của Tuấn cần có anh bên cạnh để chăm sóc. Các luật sư đồng ý bảo lãnh cho em Tuấn được tại ngoại. Ngoài ra, nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy Nguyễn Mai Trung Tuấn đã bị kết án oan sai khi giám định vết thương của công an huyện Nguyễn văn Thuỷ là hoàn toàn do ca a-xít của Nguyễn Mai Trung Tuấn khi mà cả căn nhà đang bốc cháy và mọi người đều hoảng loạn chạy tứ tán. Luật sư Đặng Huỳnh Lộc nhận xét:
“Cá nhân tôi cho rằng là không được đánh giá bằng những vết thương do cháu Tuấn gây ra, bởi vì trong sự mô tả của lệnh giám định không chỉ ra được vết thương nào là vết thương do a-xít gây ra. Điều này rất quan trọng, bởi vì những vết thương nào do a-xít gây ra thì mới được xem là do cháu Tuấn gây ra để xác định mức độ thương tật, thì ở đây, sự mô tả trong lệnh giám định đã không làm được điều đó. Thứ hai nữa, về nguyên tắc giám định cơ thể thì không xác định được là tỉ lệ bao nhiêu phần trăm thương tật của gương mặt, rồi trên tay và trên vai là bao nhiêu tỉ lệ phần trăm của tứ chi ? Bởi vì những điều này nó mới định ra được tỉ lệ thương tật của một người. Thứ nữa là, thương tật này, chúng tôi cho rằng nó không chính xác là bởi vì nó không phải là những dấu vết bởi vì người ta gọi là thương tật chứ không gọi là thương tích. Điều này nó khác nhau về căn bản: Thương tật là nó có những di chứng vĩnh viễn đối với người đó, thì lệnh giám định ở cấp sơ thẩm cũng không làm rõ được điều này”
Ngoài ra, việc áp dụng khung hình phạt của Hội đồng xét xử trong phiên toà sơ thẩm cũng không hoàn toàn đúng theo Nghị quyết 01/2006 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng BLHS, tại mục 11. “Về việc quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội” Luật sư Đặng Huỳnh Lộc nói:
“Pháp luật Việt Nam có quy định đối với trẻ dưới 16 tuổi thì chỉ được sử dụng hình phạt bằng 50% mức hình phạt so với những người đã trưởng thành. Ở đây, viện Kiểm sát kêu án 5 năm, trong khi đó hội đồng xét xử tuyên án 4 năm 6 tháng là không đúng theo luật pháp. Khi viện Kiểm sát đề nghị mức án 5 năm thì Hội đồng xét xử phải tuyên án cháu Tuấn là 2 năm rưởi thì mới đúng quy định pháp luật”
Nguyên nhân cưỡng chế và phản ứng
Ngoài việc bất hợp lý trong vấn đề quy hoạch, việc ép giá đền bù cũng là một nguyên nhân gây nên sự phẩn nộ tột cùng của gia đình cháu Tuấn, với giá đền bù 300.000 đồng/m² , làm sao gia đình có thể mua lại một mảnh đất gần đó để an cư với giá 25 triệu đồng/m² như lời than của bà mại thị Kim Hương, mẹ cháu Tuấn? Hơn thế nữa, tại Việt Nam cũng như ở bất cứ nơi nào trên thế giới, việc xông vào nhà riêng của người dân là trái pháp luật, huống chi hai chữ “cưỡng chế” đã nói lên một hành động hoàn toàn không có sự đồng ý của gia chủ. Luật sư Đặng Huỳnh Lộc phân tích tiếp:
“Muốn xem xét việc cưỡng chế này có đúng hay không thì phải nhìn ở một góc rộng hơn là: Dự án để đi đến đuổi nhà của gia đình Trung Tuấn là có đúng hay không ? Tôi cho rằng đây là một vấn đề cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh. Bởi vì cái gọi là đê bao chống lũ cho thị trấn Thạnh Hoá…Mà Thạnh Hoá là một thị trấn trủng ở vùng Đồng Tháp Mười thì một đoạn đê 5-10 thước hay vào ba trăm thước chẳng giải quyết được gì. Bởi vì đê bao chống lũ thì phải là đê bao khép kín, phải là toàn cục, chứ không chỉ là một khúc kênh như vậy.Dự án này được phê duyệt từ năm 2007. Bây giờ đã là năm 2015 mà vẫn giữ giá cũ thì tôi cho rằng nó không phù hợp”
Và ông kết luận: Đây hoàn toàn là hành động của một người con có hiếu để bảo vệ gia đình:
“Tôi cho rằng sự phản ứng của cháu Tuấn nó có nguyên cớ của nó : Một là do gia đình không đồng tình. Là một thành viên trong gia đình phải xem đây là một việc làm có hiếu chứ không phải là chống pháp luật”
Ngoài kiến nghị tập thể, luật sư Đặng Huỳnh Lộc còn gửi một kiến nghị riêng bằng thư bảo đảm có số từ văn phòng luật sư Huyền Vũ thuộc đoàn Luật sư TP HCM của ông để bảo đảm Kiến nghị phải được trả lời. Ông nói:
“Theo pháp luật thì toà án Long An phải có công văn trả lời chúng tôi. Hoặc chấp nhận, hoặc không chấp nhận thì cũng phải có văn bản”
Nếu kiến nghị không được trả lời- như nhiều trường hợp đã xảy ra- thì phái đoàn luật sư sẽ tiếp tục kiến nghị lên Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao. Nếu kiến nghị được trả lời, phái đoàn Luật sư sẽ chuẩn bị hồ sơ để tham gia phiên toà Phúc thẩm của Cháu Tuấn, và hoàn toàn miễn phí. Luật sư Đặng Huỳnh Lộc cho biết:
“Chúng tôi cũng chuẩn bị về nội dung để tham gia toà án phúc thẩm. Và cả 11 luật sư chúng tôi đề tham gia bào chữa miễn phí cho Trung Tuấn”
Như đã biết, Nguyễn Mai Trung Tuấn là con của ông Nguyễn Trung Can và bà Mai thị KimHương đã chống đối lại đoàn cưỡng chế của Uỷ ban Nhân dân huyện Thanh hoá thi hành lệnh giải toả đất làm dự án bờ kè thị trấn Thạnh Hoá ngày 14/4/2015. Trong lúc xung đột giữa gia đình và lực lượng cưỡng chế, em Nguyễn Mai Trung Tuấn đã dùng ca a-xít tạt vào người trưởng công an xã Thanh An Nguyễn văn Thuỷ. 12 người trong gia đình bị bắt và bị tuyên án tổng cộng 27 năm tù, 6 năm 6 tháng tù treo trong phiên sơ thẩm ngày 15-16 tháng 9/2015. Trong đó, Ba Mẹ của Nguyễn Mai Trung Tuấn bị kết án tổng cộng 6 năm 6 tháng tù giam. Trung Tuấn bị bắt giam sau đó vào ngày 6/8:2015 tại Bình Thuận và bị kết án 4 năm 6 tháng tù trong phiên sơ thẩm ngày 24/11.
Bi kịch của gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn là thảm cảnh chung cho những người dân oan cố bám lấy mảnh đất mà họ đã bao đời gìn giữ trước chiếc cày hung hăng của những người đại diện cho bộ máy chính quyền. Trong những ngày sắp tới, khi mà những đứa trẻ con tung tăng bên Cha Mẹ mua quà cho những ngày Lễ, Tết thì mùa Giáng sinh năm nay, người tù nhân lương tâm trẻ tuổi nhất của chế độ đang âm thầm đón Chúa xuống trần trong bóng tối của 4 bức tường trại giam Long An, tưởng nhớ đến đứa em lặng lẽ buồn bên cạnh ông bà ngoại già và đâu đó, lại chập chờn hình ảnh của Ba Mẹ cũng đang trong vòng lao lý để khép tròn một bi kịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét