(Người Việt) - Chỉ vì chưa đóng số tiền 1,7 triệu đồng cho các khoản thu mà một người phụ nữ tàn tật khi qua đời không được mượn xe tang, kèn trống.
Các phóng viên báo Lao động Thủ đô vừa kể lại cho độc giả một câu chuyện rớt nước mắt, đó là chuyện về một người phụ nữ nông thôn tàn tật ở thôn Chùa (xã Hương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang). Bà vừa mới qua đời ngày 9/11, tròn 1 tháng trước đây. Nhưng đó là một đám tang lạ kỳ, vì không kèn không trống.
Bài báo viết khi bà Lê chẳng may qua đời, đám tang của bà không được thông báo trên loa truyền thanh, không được cho mượn xe tang, kèn trống… như đối với người khác. Lý do đưa ra là bà Lê còn nợ thuế đất nông nghiệp, tiền đóng góp an ninh quốc phòng, ủng hộ đồng bào lũ lụt, quỹ bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, hội xuân… với số tiền hơn 1,7 triệu đồng.
Ông trưởng thôn thì bảo, bà Lê là người tàn tật, hộ nghèo đã được nhận hỗ trợ của nhà nước nên các khoản đóng góp cũng vẫn phải thu, đang còn nợ số tiền 1,7 triệu đồng nên phải làm thế, không thì người dân lại có ý kiến.
Thật là xót xa. Cái câu “nghĩa tử là nghĩa tận”, “lá lành đùm lá rách” các ông cán bộ thôn vứt đi đâu mất rồi mà để đến nỗi một người đàn bà tàn tật lúc nhắm mắt xuôi tay về với đất còn bị phân biệt đối xử vì khoản nợ 1,7 triệu đồng chưa góp xong với làng với xã.
Cái gì đã làm cho con người ta trở thành máu lạnh như vậy? Làm cho họ hành xử như một cỗ máy vô tri vô giác. Cán bộ thôn Chùa đã họp bàn với nhau và quyết định, cứ theo hương ước mà làm, đang còn nợ thì không được kèn trống, đưa ma.
Vậy bà Lê phải làm sao? Bà Lê chết như thế là sai rồi. Sao đang còn nợ các khoản quỹ tới 1,7 triệu đồng mà bà Lê lại dám chết? Phải đóng xong nợ thì mới được chết chứ? Đó là cái lý của các ông cán bộ thôn. Cái lý ấy họ đã mang ra mà đóng lên nắp quan tài của người đàn bà xấu số, khiến chúng ta đau đến thắt tim vì nỗi bạc bẽo tình người.
Cái tăm tối u mê nào đã khiến con người ta hành xử với đồng loại của mình như vậy, cả khi họ đã chết đi rồi? Có người bảo rằng lệnh gửi xuống, thôn phải thu cho đủ, thu không đủ thì các ông cán bộ thôn mất thành tích, mất thi đua. Nhưng hỡi ôi, thu đến kiệt cùng, thu đến mức người ta chết rồi cũng vẫn còn trừng phạt vì tội nộp thiếu nên không được làm đám tang kèn trống thì ở đây mới có.
Làm sao để ở chốn thôn quê như thôn Chùa không còn cảnh chết không được làm đám ma kèn trống vì nợ tiền thôn? Trách nhiệm của những cơ quan nào? Ai phải lên tiếng xin lỗi, tạ tội trước vong linh bà Lê và gia đình người đàn bà khốn khổ?
Trước cái đám ma câm lặng này, chúng ta, bạn và tôi nghĩ gì về sự vô cảm đến tàn nhẫn này?
Mi An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét