Đức Nguyên
ĐỌC NHIỀU NHẤT
Cuối cùng, một phần danh dự của ông Huỳnh Văn Nén đã được lấy lại sau buổi xin lỗi công khai sáng 3/12. Có mặt tại hiện trường, nhóm PV ghi lại được không ít những "sự lạ".
Chuyện bà Phó Chánh án khóc
Sáng nay 3/12, TAND, Công an và Viện KSND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức công khai xin lỗi “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén tại trụ sở UBND thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Lúc 8h45 bà Trần Thị Kim Hương, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận, đọc lời xin lỗi gia đình ông Nén.
"Việc để xảy ra oan sai cho gia đình ông Nén là lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng Bình Thuận gồm có Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSND Bình Thuận và Toá án nhân dân Bình Thuận.
Suốt thời gian rất dài của vụ án 17 năm, là những mất mát to lớn của gia đình ông Nén không gì bù đắp được. Lời xin lỗi của chúng tôi là một phần rất nhỏ so với những gì ông Nén và gia đình phải chịu đựng: Một công dân mất tự do 17 năm, gia đình khó khăn ly tán.
Thông qua buổi xin lỗi này, chúng tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc đến ông Nén, gia đình ông Nén, bà con tỉnh Bình Thuận và nhân dân cả nước.
Mong bà con đón nhận ông Nén về địa phương trong tình cảm đùm bọc, mong tỉnh tạo công ăn việc làm cho ông Nén"
9h, buổi xin lỗi được bà Trần Thị Kim Hương tuyên bố kết thúc. Cả hội trường xôn xao và người dân cảm thấy không được thoả lòng, theo họ đó không phải là sự đối mặt chân tình mà họ chờ đợi.
"Người dân chúng tôi không ngờ thời gian xin lỗi quá ngắn, không gian xin lỗi quá chật dẫn đến buổi lễ xin lỗi sơ sài như vậy. Họ làm hình thức quá", ông Nguyễn Thành Nam, một người dân có mặt trong buổi xin lỗi công khai nói.
Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Phạm Thạch, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an Bình Thuận cho biết:
Các cơ quan tố tụng không lường trước được người dân đến xem đông đến vậy dẫn đến những sơ suất trong buổi xin lỗi. Tuy nhiên, tinh thần chung là đã xin lỗi và được ông Nén, gia đình và nhân dân chấp nhận.
Về trách nhiệm của những cán bộ điều tra trong vụ oan sai chấn động này, Ông Thạch cho rằng, hiện nay, công an Bình Thuận đang nghiên cứu, xem xét trách nhiệm các cán bộ điều tra trong vụ án và sẽ tiến hành theo quy định của pháp luật.
Bà Trần Thị Kim Hương - phó chánh án TAND tỉnh Bình Thuận công bố quyết định
Tù nhân xin không đặc xá cho mình
Ngay sau đó, ông Huỳnh Văn Nén đã có bài phát biểu đầy xúc động tại buổi lễ.
"Đã có người hỏi tôi, khi ờ tù, có bao giờ bác nghĩ bác sẽ chết không? Tôi trả lời không, bởi tôi có niềm tin vào công lý, rằng ở đây người ta làm oan cho tôi, thì có chỗ khác minh oan cho tôi. Tôi kiên trì với điều đó và không nhận một mức ân xá, hay đặc xá nào.
Tôi bảo với lòng mình, nếu ông giời không thương, không cho mình nhìn thấy công lý, ông giời bắt mình phải chết, thì cũng là chết không nhận tội. Không thể nhận tội.
Và tôi đã chờ được đến ngày hôm nay rồi. Tôi được đình chỉ điều tra, tôi được trở về với gia đình, với người thân, với cuộc sống đời thường. Được trở về, đối với tôi đó là quý giá.
Tôi mong các cơ quan tố tụng, hãy nghĩ đến trường hợp oan sai của tôi, như là oan sai đối với người thân của mình. Tôi mong, các ông bà, hãy đặt vào hoàn cảnh của tôi, để đưa ra một bản án hợp để người chịu án tâm phục khẩu phục".
Bài phát biểu của ông Nén đã nhận được sự ủng hộ, vỗ tay tán thưởng của đông đảo những người có mặt tại hội trường.
Chia sẻ thêm với PV, ông Nén tâm sự: Suốt thời gian trong tù dù cực khổ, ông vẫn quyết vượt qua để chờ đến ngày này.
Trong những lần được đặc xá, ân xá, ông không xin hưởng những ân huệ đó vì ông cho rằng mình không có tội nên không xin ân xá hay đặc xá. Ông có một niềm tin tuyệt đối vào công lý nhất định sẽ được thực thi.
Quang cảnh buổi xin lỗi công khai.
Nhân vật quan trọng gây oan sai không đến
Cuối cùng, một phần danh dự của "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén đã được lấy lại sau buổi xin lỗi công khai.
Dẫu vậy, điều mọi người mong chờ nhất là lời xin lỗi được nói ra từ chính ông Cao Văn Hùng (nguyên đại úy, điều tra viên trong cả hai vụ án liên quan đến Huỳnh Văn Nén) đã không thành hiện thực, do ông Hùng không đến.
Trong buổi lễ có hơn 10 luật sư đã về tham dự trong đó có những luật sư đã tham gia bào chữa cho ông Nén như Phạm Hồng Hải, LS Trần Vũ Hải.
LS Hải cho hay: Gia đình nạn nhân và các đồng nghiệp đã thiện chí với ông Hùng nhưng ông Hùng đã tự đánh mất cơ hội của mình. Họ sẽ tiếp tục gửi đơn tố cáo ông Hùng.
Ông cao Ngọc Hùng. Ảnh: Tư liệu.
Theo thông tin PV, hiện nay ông Hùng không còn sống ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) mà đã "về quê" và hiện giờ ông này cũng đang hành nghề luật sư.
Năm 2002, ông Hùng được giao thụ lý vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có bị can Võ Ngọc Phương. Gia đình Phương đã nhờ một phụ nữ là Hoàng Hữu Hạnh tiếp cận ông Hùng.
Từ thông tin ông Hùng “rỉ tai” cho Hạnh, Võ Ngọc Phương đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú khi có lệnh bắt (báo CAND ngày 6/3/2002)…
Bị loại khỏi ngành Công an, ông Cao Văn Hùng làm nhân viên Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Năm 2014, ông Hùng xin gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, nhưng không được. Ông Hùng lại xin vào Đoàn Luật sư Hà Nội.
Biết tin này, nhiều người bị oan trong vụ án vườn điều phản ứng quyết liệt, khiến ông Cao Văn Hùng rút đơn xin gia nhập Đoàn Luật sư Hà Nội.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét