Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Nhà văn Phạm Viết Đào tiếp tục kiện vì ông bị cắt lương hưu khi thi hành án tù

Hôm nay, Phạm Viết Đào nộp đơn khởi kiện hành chính Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội…

Phạm Viết Đào.


Sáng hôm nay, 21/1/2016, chắc là ngày lành tháng tốt; tôi "ké" vào cái ngày mà Đảng chọn khai mạc Đại hội, hy vọng đây là ngày các chiêm tinh gia của Đảng lựa chọn cẩn thận, ngày đại cát…
Tôi làm thủ tục khởi kiện để mong tòa án hành chính Hà Nội giải cho thoát khỏi cái phận dân oan: Tôi bị Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội cắt trái pháp luật 15 tháng lương hưu trong thời gian bị án phạt tù…
Xin tường trình về diễn biến vụ khởi kiện:
Sở dĩ, tôi viết đơn Khởi kiện hành chính Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội là do sau khi ra tù, tôi đã đến Bảo hiểm Hà Nội để làm thủ tục để truy lĩnh số tiền lương bị tạm giữ…
Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1454, chỉ chi trả lương cho mình từ 1/10/2014, thời điểm tôi ra tù, cắt từ 1/7/2013 tới 30/9/2014…
Không đồng ý với Quyết định đơn phương của Bảo hiểm Hà Nội, tôi đã làm đơn khiếu nại nhưng Bảo hiểm Hà Nội trả lời bằng công văn không thay đổi Quyết định 1454…
Ngày 22/3/2015, tôi đã viết đơn khởi kiện ra Tòa án hành chính Hà Nội đề nghị Tòa hủy Quyết định 1454 trái pháp luật của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội cắt 15 tháng lương hưu của tôi;
Tòa hành chính Hà Nội đã thụ lý đơn, đã yêu cầu tôi nộp án phí nhưng tới ngày 6/8/2015 Tòa án hành chính Hà Nội ra quyết định số 04/2015: Đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm; lý do: Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội không là đối tượng, pháp nhân điều chỉnh của Tòa án Hành chính Hà Nội.
Muốn toà thụ lý đơn khởi kiện, tôi phải khiếu nại thêm 1 cấp hành chính, tức khiếu nại Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội yêu cầu giải quyết.
Khi Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội thụ lý và nếu tôi không đồng tình với Quyết định giải quyết khiếu nại thì lúc đó mới có quyền khởi kiện ra Tòa án Hành chính…
Theo hướng dẫn đó, tôi đã gửi đơn khiếu nại tới Giám đốc Sở lao động thương binh xã hội Hà Nội về việc bị Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội cắt 15 tháng lương hưu trái pháp luật trong thời gian chịu án phạt tù.
Ngày 18/1/2016 tôi đã nhận được Quyết định số 56 của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội, tán thành với Quyết định 1454 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội, cho rằng, Quyết định 1454 cắt lương hưu của tôi là không trái pháp luật.
Dựa vào 6 cơ sở pháp lý sau đây, sáng nay 21/01/2016 tôi gửi khởi kiện Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội:
Bản án phúc thẩm số 305 do Tòa án nhân dân tối cao, Tòa phúc thẩm Hà Nội tuyên phạt tôi 15 tháng tù vì vi phạm Điều 258 của Bộ Luật Hình sự; Điều 258 và Bản án phúc thẩm số 305 không có điều nào quy định: tôi phải bị cắt lương hưu trong thời gian chịu án phạt tù.
Theo Điều 9 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự: Công dân chỉ bị hình phạt khi bị tòa tuyên án và bản án có hiệu lực pháp luật; Tòa phúc thẩm không tuyên phạt cắt lương hưu thì Bảo hiểm Hà Nội không được phép cắt lương hưu của tôi;
Điều 1, điều 15 của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006 không đưa người bị án phạt tù vào diện phải điều chỉnh, hoặc bị cắt lương; Điều 15 quy định người đã tham gia đóng bảo hiểm thì phải được nhận lương hưu đầy đủ, kịp thời;
Điều 62 của Luật Bảo hiểm 2006 và Điều 33 của Nghị định 152/ND-CP/2006 không quy định cắt lương hưu của người chịu án phạt tù mà chỉ quy định tạm dừng trả lương hưu; khi người bị án hoàn thành bản án thì Bảo hiểm tiếp tục chi trả lương hưu.
Điều 62 và Điều 33 đều không ghi mốc chi trả từ thời điểm nào, có nghĩa không quy định cho phép bảo hiểm cắt gián đoạn lương hưu của người chịu án phạt tù;
5.Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội và Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội đã căn cứ vào Thông tư 19/2008/TT- LĐTBXH; một văn bản hướng dẫn pháp luật trái pháp luật của Bộ Lao động Thương binh Xã hội…
Thông tư 19 hướng dẫn chi trả lương hưu cho người bị án phạt tù kể từ tháng tiếp sau khi mạn hạn tù là trái với Luật Bảo hiểm, Nghị định 152, trái với Luật Hình sự và trái với Bộ Luật Tố tụng hình sự;
Bởi vì: quan hệ giữa tôi người đóng bảo hiểm và Bảo hiểm Hà Nội là quan hệ dân sự, theo hợp đồng. Không bên nào được phép thay đổi hợp đồng để làm thiệt hại cho đối tác. Bảo hiểm Hà Nội không được phép làm cái cái việc “ thi hành án trá hình”, bổ sung hình phạt với tôi, khi tôi và cơ quan bảo hiểm là quan hệ khách hàng giao dịch dân sự…
6.Tôi coi Quyết định 154 cảu Bảo hiểm Hà Nội là hành vi tước đoạt tài sản công dân bất hợp pháp; hành vi này vi phạm Điều 32 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác…”
Tôi Phạm Viết Đào đã khởi kiện và yêu cầu Tòa án hành chính Hà Nội buộc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội hoàn trả 15 tháng lương hưu cho tôi và phải trả số tiền bị giữ trái pháp luật theo lãi suất ngân hàng không kỳ hạn…
Tôi xin thông báo để bạn bè quý vị xa gần theo dõi, lên tiếng ủng hộ, tư vấn; Sau đây là toàn văn Đơn khởi kiện của tôi đã nộp, đã được Tòa án Hành chính Hà Nội tiếp nhận, thụ lý:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.
=============
Hà Nội, ngày 21/01/2016
Kính gửi: TÒA ÁN HÀNH CHÍNH TP HÀ NỘI 

ĐƠN KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

(Khởi kiện Quyết định số 56/ QĐ-LĐTBXH ngày 18/01/2016 do Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội ký giữ nguyên Quyết định số 1454/BHXH-ĐC ngày 24/9/2014 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội… )
Kính gửi: Toà Hành chính-Toà án nhân dân thành phố Hà Nội
Tôi là Phạm Viết Đào
Địa chỉ: ......
Cơ quan bị kiện: Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội
Địa chỉ: 75, Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Khởi kiện Quyết định giải quyết khiếu nại số 56/QĐ-LĐTBXH ngày 18/01/2016 của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội vì:
-Đã giữ nguyên nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội…
-Giữ nguyên “Quyết định hành chính số 1454/BHXH-ĐC ngày 24/9/2014 của Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội ký đã cắt lương hưu của tôi trong thời gian tôi bị tù từ ngày 13-6-2013 tới 30/9/2014’;
Căn cứ pháp lý khởi kiện:
Căn cứ pháp lý 1:
Bản án phúc thẩm số 305/2014/HSPT ngày 9/6/2014 của Tòa án nhân dân tối cao-Tòa phúc thẩm Hà Nội đã quyết định:” Áp dụng khoản 2 Điều 258; điểm p khoản 1, khoản 2 điều 46, Điều 47 Bộ Luật Hình sự, xử phạt: bị cáo Phạm Viết Đào 15 ( mười lăm tháng) tù về tội “ Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thời hạn tù tính từ ngày 13/6/2013.”
Trong bản án phúc thẩm số 305 của Tòa phúc thẩm không có điều nào quy định xử phạt cắt lương hưu của tôi trong thời gian tôi bị án phạt tù;
‘Điều 258; điểm p khoản 1, khoản 2 điều 46, Điều 47 Bộ Luật Hình sự” không có điều khoản nào quy định:Người bị án phạt tù đã nghỉ hưu, được hưởng lương hưu phải bị cắt lương hưu khi bị án phạt tù ?
Căn cứ Điều 9 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định:”Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật..
Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực…”
Khi Điều 258 của Bộ Luật Hình sự và Tòa phúc thẩm Hà Nội tuyên không quyết định cắt lương hưu của tôi mà Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội đơn phương ban hành quyết định Quyết định hành chính số 1454/BHXH-ĐC ngày 24/9/2014, cắt lương hưu của tôi trong thời gian tôi bị tù từ ngày 13-6-2013 tới 30/9/2014” là: vi hiến; vi phạm Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự; vi phạm Luật bảo hiểm xã hội; Vi phạm Nghị định 152/ND-CP; Vi phạm Quyết định nghỉ hưu số 20001205609/QD-BHXH do Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội ký ngày 26/5/2012 tại Điều 1 của Quyết định này quy định: Tôi Phạm Viết Đào được hưởng lương hưu hàng tháng kể từ ngày 1/6/2012…
Căn cứ pháp lý 2:
Bảo hiểm Xã hội Hà Nội đã áp dụng biện pháp hình sự, cưỡng chế thi hành án bổ sung cho quan hệ giao dịch dân sự…
Quan hệ giữa cá nhân tôi, công dân Phạm Viết Đào và Giám đốc bảo hiểm Xã hội Hà Nội là quan hệ hợp đồng dân sự; Thế nhưng Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội đã áp dụng biện pháp hình sự; thi hành án xử phạt bổ sung, cưỡng chế trá hình, tước đoạt lương hưu của tôi trong 15 tháng; trong khi bản án của Tòa phúc thẩm Hà Nội, cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành quyết định hình phạt không tuyên hình phạt bố sung này…
Hiến pháp 2013 tại Điều 32 quy định:
“1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác…”
Số tiền mà tôi đóng bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm xã hội suốt 37 năm tôi công tác để khi tôi về hưu được hưởng lương hưu là quan hệ hợp đồng dân sự;
Quan hệ dân sự là quan hệ 2 bên bình đẳng, không bên nào được quyền áp đặt cho bên nào; không bên nào được quyền tự ý thay đổi hợp đồng, quyết định đã ký kết để làm lợi cho phía mình, gây thiệt hại cho đối tác hợp đồng mà không có lý do khách quan được pháp luật cho phép…
Trong suốt 37 bảy năm công tác, tôi đã đóng bảo hiểm đầy đủ.
Tôi đã nhận Quyết định nghỉ hưu số 20001205609/QD-BHXH do Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội ký ngày 26/5/2012 tại Điều 1 của Quyết định này quy định: được hưởng lương hưu hàng tháng kể từ ngày 1/6/2012…
Như vậy việc Giám đốc bảo hiểm Hà Nội ban hành Quyết định hành chính số 1454/BHXH-ĐC là vi phạm pháp luật, xâm hại, tước đoạt quyền lợi hợp pháp của cá nhân tôi…
Căn cứ pháp lý 3:
Luật bảo hiểm Xã hội 2006 ( LBHXH2006) phần “Phạm vi điều chỉnh” tại Điều 1…không đưa những người hưởng lương hưu trí bị can án hình sự vào diện phải bị điều chỉnh lương, cắt lương;
-“ Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
1. Luật này quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; tổ chức bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
2. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh. “
Căn cứ pháp lý 4:
Luật Bảo hiểm Xã hội 2006 tại Điều 15 quy định:
“Điều 15. Quyền của người lao động
Người lao động có các quyền sau đây:
1. Được cấp sổ bảo hiểm xã hội;
2. Nhận sổ bảo hiểm xã hội khi không còn làm việc;
3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời;
7. Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội;
Căn cứ pháp lý 5:
Quyết định 1454 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội đã áp dụng sai, trái tinh thần nội dung Điều 62 củaLBHXH 2006; ( Điều này đã được chính sửa thành Điều 64 của Luật Bảo hiểm 2014 và không có mục dừng trả lương hưu cho người bị án phạt tù )
Điều 62 của Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định: “Tạm dừng” chứ không “cắt hẳn” lương hưu
Nguyên văn Điều 62- LBHXH 2006:
“Điều 62. Tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng
Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1.Chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo;
Trong Luật bảo hiểm xã hội không quy định mốc hoàn trả lương hưu “được tính kể từ tháng liền kề sau tháng người bị án phạt tù chấp hành xong án phạt tù”?
5/ Việc trả lương hưu cho người bị án phạt tù được tiếp tục thực hiện sau khi thực hiện xong bản án được quy định tại Điều 33 của Nghị định 152/2006/NĐ-CP; Nghị định không quy định mốc trả lương gián đoạn giai đoạn trong thời gian chịu án phạt tù mà ghi rõ là “ tiếp tục” trả lương hưu;
Nguyên văn Điều 33 của Nghị định 152/2006/NĐ-CP:
“Điều 33. Tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo;
2. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được tiếp tục thực hiện khi người bị phạt tù đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc khi người được toà án tuyên bố là mất tích trở về hoặc người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp.”
Điều 33 của Nghị định 152 không hướng dẫn mốc hoàn trả lương hưu “được tính kể từ tháng liền kề sau tháng người bị án phạt tù châp hành xong án phạt tù” như Quyết định 1454 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội đã ban hành.
Căn cứ pháp lý 6:
Quyết định 1454 đã căn cứ vào khoản 11, mục 6 của Thông tư 19/2008/TT- LĐTBXH; một văn bản hướng dẫn pháp luật trái pháp luật của Bộ Lao động Thương binh Xã hội…
Nguyên văn của hướng dẫn thực hiện của mục 11, khoản 6:
“ Thời điểm tiếp tục thực hiện lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với người được tiếp tục thực hiện hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP được tính kể từ tháng liền kề sau tháng người bị phạt tù chấp hành xong hình phạt tù hoặc tháng người được toà án tuyên bố là mất tích trở về (theo ngày tháng ghi trong quyết định) hoặc tháng người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp (theo ngày tháng nhập cảnh).”
Thông tư 19/2008/TT- LĐTBXH đã hướng dẫn tùy tiện, sai Điều 33 Nghị định 152, trái Điều 62 của Luật BHXH.
Căn cứ vào Điều 16 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2008 quy đinh nguyên tắc ban hành Thông tư:
“ Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:
1. Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
2. Quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách;
3. Quy định biện pháp để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao
Tại Điều 3 của “Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” quy định về “Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.”
Nội dung hướng dẫn tại khoản 11, mục 6 của Thông tư 19 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã ban hành là trái, “không thống nhất” với Điều 33 của Nghị định 152; trái với Điều 62, Điều 15 của Luật Bảo hiểm Xã hội vì: cả 2 văn bản trên không quy định cắt lương hưu của người chịu án phạt tù;
Thông tư 19 còn trái với Điều 258 của Bộ Luật Hình sự; trái với Điều 9 Bộ Luật tố tụng hình sự vì quy định này là một hình thức hình phạt bổ sung, trá hình tước đoạt quyền lợi hợp pháp của tôi Phạm Viết Đào, đó là 15 tháng lương hưu.
Giám đốc Bảo hiểm Xã hội không được căn cứ vào một Thông tư trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của tôi.
Do vậy, việc Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 56/QĐ-LĐTBXH là sai, trái hiến pháp và nhiều bộ luật hiện hành.
Căn cứ vào các các cơ sở pháp lý đã nêu, tôi đề nghị Tòa án hành chính thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử để phán xử:
- Buộc Giám đốc Sở Lao động-Thương binh Xã hội Hà Nội hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 56/QĐ-LĐTBXH ký ngày 18/1/2016;
-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Hà Nội phải chịu trách nhiệm buộc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội hủy Quyết định 1454/BHXH-DC ký ngày 24/9/2014 vì ban hành trái pháp luật và vi hiến;
-Tòa buộc Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã Hà Nội buộc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội hoàn trả lương hưu của tôi bị cắt trong 15 tháng; việc cắt 15 tháng lương hưu của tôi là trái trái pháp luật, là vi hiến;
- Tòa buộc Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã Hà Nội buộc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội phải bồi thường thiệt hại cho tôi vì sự trả chậm số lương của 15 tháng này theo lãi suất ngân hàng không kỳ hạn, số tiền lãi tính từ 31/7/2013 và chi phí án phí mà tôi phải nộp cho Tòa./.

Người làm đơn:
Phạm Viết Đào

Bài liên quan:

Phải trả lại lương hưu đã cắt của những người chấp hành án tù.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét