Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Ngô Duy Quyền và quyết định khởi tố vụ án của ông Bạch Thành Định.

Quyết định khởi tố vụ án do ông Bạch Thành Định, thiếu tướng, Thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra Công an Tp Hà Nội ký được để trước mặt Ngô Duy Quyền trong buổi tối ngày 4/2/2016. Nội dung của Quyết định này là khởi tố vụ án “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (điều 258). Đó là thư ngỏ của 19 tổ chức xã hội dân sự được Ngô Duy Quyền gửi tới Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại quang.

Thư ngỏ này được viết ngay sau khi Nguyễn Chí Tuyến ở Hà Nội, rồi Đinh Quang Tuyến ở Sài Gòn bị hành hung ngoài đường vào tháng 5/2015. Nội dung tố cáo ngành công an đàn áp nhân dân, tra tấn giết người bị tạm giam, bạo hành đối với những người hoạt động nhân quyền…

Xin tóm tắt sự việc Ngô Duy Quyền bị bắt qua lời kể của anh và vợ anh là Lê Thị Công Nhân như sau:

Lúc ấy vào khoảng 4 h chiều ngày 4/2/2016. Trên đường đi bán gà, Ngô Duy Quyền bị khoảng 50 công an bao vây rồi bắt ở Phạm Ngũ Lão. Cùng lúc, một lực lượng cũng rất đông đồng thời khám nhà. Ở đây, họ huơ huơ mấy cái giấy bảo có lệnh khởi tố, lệnh khám nhà chứ không đọc nội dung như thế nào. Sau đó họ đuổi Lê Thị Công Nhân và em gái chị ra khỏi cửa để tự do khám còn bà mẹ Nhân bị tai biến và cháu Luca thì họ để cho ở trong nhà.

Họ lục lọi mang đi 2 laptop, một số điện thoại và máy tính bảng. Tính cả số tịch thu của Quyền trên đường thì bao gồm 12 chiếc tất cả. Ngoài ra họ lục lọi lấy đi 660 đô la Mỹ cùng các thứ thu được.

 Mọi người đến nhà thăm hỏi khi Ngô Duy Quyền đang bị bắt lên đồn.

Khoảng 7 giờ tối họ đưa Ngô Duy Quyền đến công an Tp Hà Nội ở 89 Trần Hưng Đạo. 

Trước đó, vào tháng 10/2015, công an đã đưa liên tiếp cho Ngô Duy Quyền 3 giấy triệu tập nhưng anh không đi.


Họ nói với Quyền trước đây triệu tập anh không đến vì anh cho là không có cơ sở. Vậy thì bây giờ cơ sở đây. Họ để trước mặt anh lệnh khởi tố vụ án do thiếu tướng Bạch Thành Định ký như đã nói ở trên. Quyền nói, nếu các anh triệu tập theo quyết định khởi tố vụ án thì hãy ghi rõ, dẫn chiếu tới cái lệnh khởi tố đó vào giấy triệu tập hoặc phải cung cấp cho tôi cái lệnh khởi tố này. Họ nói không thể cung cấp cho anh quyết định khởi tố song nếu anh yêu cầu thì họ sẽ cung cấp cho anh một thông báo về quyết định khởi tố vụ án. NDQ nói, vậy thì các anh hãy gửi văn bản đó về nhà tôi. Tuy nhiên cuối cùng họ không đáp ứng được nên Quyền từ chối nhận giấy triệu tập và không ký vào văn bản nào.

Khoảng 3 giờ sau, họ cho Quyền về nhưng yêu cầu hôm sau (5/2/2016) đến làm việc tiếp. Anh nói nếu cần thì đến mà áp giải chứ anh không đi. Vì điện thoại bị thu, anh không liên lạc được với ai đi đón đành đi bộ về nhà (Khu tập thể Văn phòng Chính phủ, ngõ 4 Phương Mai). Anh về đến nhà vào lúc 11 giờ đêm.

Hôm sau anh ở nhà, không đi. Tôi ngồi với anh đến hết buổi sáng 5/2 nhưng không công an không có động thái gì thêm.


Ngày 5/2/2016 Ngô Duy Quyền vẫn ở nhà



Thư ngỏ hoặc các tuyên bố, bản lên tiếng của các tổ chức XHDS đã có nhiều. Chỉ khác là thư này tố cáo ngành công an rất mạnh mẽ. Đặc biệt hơn là thư được gửi tới Bộ trưởng công an có bút tích của Ngô Duy Quyền đề ngoài bì thư. 

Vụ án này rất khó hiểu. Chỉ với bút tích của Quyền đề ở bì thư, ruột là thư ngỏ “đao” trên mạng mà Công an Hà Nội cũng dày công huy động một lực lượng khổng lồ bắt bớ, khám xét rồi khởi tố vụ án khá ầm ỹ. Sử dụng một lực lượng như thế, ngoài việc bắt và khám xét hẳn là họ muốn khủng bố tinh thần. 

Khi đã khởi tố vụ án lại thả ngay cho đương sự về, trường hợp này mới là lần đầu. Hôm sau đương sự vẫn ở lỳ ở nhà không đi theo lệnh triệu tập nhưng cũng không thấy đến áp giải. Phải chăng, đã có sự chỉ đạo thả Quyền, ngược với ý định ban đầu. Có vẻ như vụ án này nhằm vào một mục đích khác chứ không nhằm vào thư ngỏ hay ai gửi.

Vậy họ sẽ làm gì tiếp theo với cái lệnh khởi tố vụ án đó? Lờ đi cũng khó mà tiếp tục thì vụ án sẽ biến thành một trò hề. Khó có thể kết tội Ngô Duy Quyền với hành vi “đao” một bức thư ngỏ trên mạng rồi gửi Bộ trưởng công an. Cũng may mà họ chỉ cho Quyền xem quyết định khởi tố ấy chứ anh không chụp được, nếu có máy chắc chắn họ cũng không cho anh chụp. Khi tôi bị bắt ngày 7/3/2012, công an cũng đến nhà giữ khư khư giấy triệu tập chìa ra chứ không giao cho tôi, vì họ biết đó là việc làm phi pháp.

Nếu Công an Hà Nội cho qua vụ này thì số phận của quyết định khởi tố vụ án sẽ ra sao. Họ sẽ ra một quyết định khác như”đình chỉ điều tra” hay nén nó vào sọt rác? Còn nhớ ngày 25/10/2013, Trương Dũng và Lê Hồng Phong đến đồn CA phường Thụy Khuê đòi tài sản cho bà con dân oan. Ở đây hai anh bị cùm chân (có clip Bùi Thị Minh Hằng quay được) rồi họ cũng đọc lệnh bắt Trương Văn Dũng nhưng cuối cùng lại để anh về. Cái gọi là lệnh bắt ấy không biết sau đó xử lý thế nào. Sao họ có thể làm lệnh này, quyết định kia đơn giản, tùy tiện  như vậy được?

Bắt người khẩn cấp vào ngày 26 Tết về điều 258, cứ làm như khủng bố, đánh bom ở Ba Đình. Phải chăng đây là hệ quả của cái sự được coi là thành công tốt đẹp của đại hội Đảng? Chúng ta hãy tiếp tục theo dõi vụ án 258 này.


5/2/2016

Nguyễn Tường Thụy




2 nhận xét:

  1. Nặc danh6/2/16 9:58 SA

    Không phải một hai người, mà là rất đông người Việt Nam, hoàn toàn hiểu được lý do tại sao nhà cầm quyền Hà Nội lại đối xử với những người lương thiện và yêu nước như anh Quyền, chị Công Nhân, anh Đài, chị Minh Hằng, Thúy Nga, vv. như là đối xử với kẻ thù không đội trời chung. Cá nhân tôi có thêm một nhận xét nữa: đó là sự ganh tỵ và ganh ghét của đảng và nhà nước khi phải đối mặt với những người dân lành có lương tri có trí tuệ, những người dân tử tế tranh đấu cho dân quyền, nhân quyền, như anh Quyền, LS Đài, LS Lê Quốc Quân, vv.
    Thật vậy, sự khác biệt một trời một vực là điều quá hiển nhiên khi người dân so sánh tư cách của những quan chức nhà nước, những vị lãnh đạo đảng - với tư cách những người tranh đấu có kiến thức, có tấm lòng nhân hậu, có viễn kiến, tràn đầy lòng yêu nước.
    Thế thì làm sao mà nhà nước và các đảng viên quan quyền không ganh tức lồng lộn cơ chứ?

    Trả lờiXóa
  2. Vũ vi đình.6/2/16 1:10 CH

    Hãy chứng tỏ VN là 1 nước Pháp quyền như từng rêu rao,nói dóc.Hãy chứng tỏ lệnh,quyết định này ,kia là những văn bản pháp luật "có công chứng".
    Hãy thức tỉnh và hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm công dân để nổi bật được "quyền và trách nhiệm quan chức" như bài này.
    Cụ thể và gần hơn :phổ biến và điền chữ ký của ta và người thân vào danh sách đề cử TS Nguyễn quang A.

    Trả lờiXóa