Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Tổng bí thư thời nay và phân cực quyền lực

Lữ Hành Gia (VNTB) Năm mới sắp đến, đất nước bước sang năm Bính Thân với hy vọng và nhiều thử thách mới. Sau kỳ ĐH XII, một bộ máy nhân sự chủ chốt đã hình thành, với điểm nhấn "đặc biệt" là sự tái cử của TBT Nguyễn Phú Trọng.

Dư luận xã hội và cả truyền thông nước ngoài đều cho rằng, TBT Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu "phe bảo thủ" với những nhận xét tiêu cực.

Nhưng xét cho cùng, với vị trí là người đứng đầu Đảng CSVN - một đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam (tư tưởng nhất nguyên chính trị), thì những nhận định đó là không thể tránh khỏi. Nhất là khi TBT Nguyễn Phú Trọng liên tục kêu gọi "bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ" trong mọi tình huống. 

Cần thừa nhận, trong lịch sử tồn tại của các ĐCS hiện nay trên thế giới, thì mọi sự thay đổi về mọi chính trị lẫn kinh tế bắt nguồn từ cá nhân vị Tổng Bí thư. Vì sự ảnh hưởng của họ đối với hệ thống chính trị theo lối "Đảng chỉ đạo".

TBT Nguyễn Phú Trọng

Cụ thể, vào những thập niên từ 20 đến 50 tại Liên Xô, thì Stalin phủ bóng mờ các lãnh đạo khác, hay như Trung Quốc gần như gắn chặt với hình ảnh Mao Trạch Đông đến hết thập niên 80 của thế kỷ 20 với những "Đại nhảy vọt", "Cách mạng Văn hóa"... Quyền lực của những Tổng bí thư này là tuyệt đối, ảnh hưởng tuyệt đối. Quan niệm cố hữu về sự chuyên quyền của Tổng Bí thư ĐCS có lẽ bắt nguồn từ chính những con người lịch sử như vậy.

Ngày hôm nay, tính chuyên chính vô sản đã mờ đi phần nào, bớt “rừng rú” hơn và tính cực tả riêng biệt cũng đã không còn, do những người "cộng sản" đã biết thích nghi với thời đại hơn sau biến cố sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu. Tại Việt Nam, cựu thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ khi nhận xét về những vị lãnh đạo Việt Nam mà ông đã tiếp xúc, đã chia sẻ rằng, cách sống lẫn cách tư duy suy nghĩ của họ [lãnh đạo cộng sản Việt Nam] cũng tư bản chẳng kém . 

Điều hành kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính trong sự tập trung hóa, kế hoạch hóa được được gỡ bỏ, thay vào đó là sự điều tiết theo giá trị thị trường. Quan điểm chỉ đạo kinh tế của Đảng được nhượng lại phần nào cho phía Chính phủ. Khi sự "thâu tóm quyền lực" qua chỉ đạo kinh tế không còn là sân chơi riêng biệt của Đảng nữa, thì sự phân cực về quyền lực bắt đầu hình thành... Dẫn đến các phe phái ngay trong nội bộ ĐCSVN theo hướng "quyền lực" và "tư bản", điều này vô hình chung phá tính thống nhất trong Đảng, và đe dọa vị thế "chỉ đạo" của Đảng trong nền kinh tế.

Những ồn ào xoay quanh câu chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chức vụ Tổng bí thư trong lần ĐH vừa rồi cũng phần nào cho thấy sự chắc chắn về tính phân cực nêu trên. 

Nhưng điều quan trọng, là đằng sâu trong sự ồn ào đó, vị trí Tổng Bí thư trở thành một chức vụ được kỳ vọng là "vừa vẹn hơn với nền kinh tế thị trường", thay vì "tuyệt đối hóa" quyền lực như từng diễn ra trong quá khứ trước đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét