Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

ỦY BAN BẦU CỬ THÀNH PHỐ HÀ NỘI THIÊN VỊ AI?

NGUYỄN TƯỜNG THỤY 


Làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội mới biết là bị soi kỹ lắm. Xã soi, rồi cán bộ nhận hồ sơ soi. Có những mục ghi đi ghi lại sợ thừa nhưng vẫn cứ phải nhắc lại. Ví dụ tài sản trên 50 triệu đồng không có thì ghi không, nhưng trong tiểu mục vẫn cứ phải nhắc lại, tầu bay: không, tàu thủy: không… Thôi thì vui lòng về làm lại cho xong, điền thêm mấy chữ đỡ mệt hơn là tranh luận với cán bộ nhà nước vì họ không bao giờ nhân nhượng, nhân nhượng hóa ra mình sai à.

Việc Nguyễn Khắc Hiếu, Phó chủ tịch xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) khi xác nhận lý lịch cho tôi lại lạm quyền ghi thêm nhận xét vào như “có lời nói và việc làm không ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”… chỉ nói lên rằng họ non kém về pháp luật và có tâm địa xấu xa, muốn cản trở tôi ứng cử đại biểu Quốc hội. Thế nhưng, điều lạ là, trong khi hồ sơ của chúng tôi họ xét nét từng chữ thì cái việc lạm quyền trắng trợn này, Ủy ban bầu cử Thành phố Hà Nội lại cho qua.

Ngày 4/3 tôi mang nguyên hồ sơ có nhận xét của ủy ban xã Vĩnh Quỳnh nộp tại Ủy ban bầu cử Thành phố. Tôi không có nhu cầu nhận xét lại, mặt khác, tôi nghĩ khi phát hiện ra việc nhận xét bừa bãi, không đúng qui định thì Ủy ban bầu cử Thành phố ắt sẽ yêu cầu địa phương xác nhận lại như là đã khắt khe với chúng tôi.

Nhưng thật ngạc nhiên, sau khi đọc hồ sơ tôi khai, ông Lã Văn Thảo cán bộ nhận hồ sơ của Ủy ban bầu cử Thành phố nói nhận mà không có ý kiến gì về việc Ủy ban xã Vĩnh Quỳnh lạm quyền. Tôi đặt ra câu hỏi chẳng khó khăn gì nhưng làm cho ông không thể trả lời:

- Ủy ban xã Vĩnh Quỳnh ngoài việc xác nhận còn thêm nhận xét vào lý lịch của tôi, như vậy đúng hay sai.

Ông Thảo không những lảng tránh, không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà lại 4, 5 lần đưa lại hồ sơ cho tôi bảo nếu anh không đồng ý thì về bảo xã xác nhận lại. Tôi nói, tôi nộp hồ sơ mà anh cứ lăm le trả lại tôi là sao? Tôi chưa hề có câu nào là tôi xin mang về xin xác nhận lại.

Không khí căng thẳng. Tôi bảo, tôi có ý kiến nhẹ nhàng, đúng mực, sao anh cứ tỏ ra khó chịu như vậy. Hình như ông Thảo không biết giữ bình tĩnh.

Tôi thấy ngạc nhiên khi đang bàn chuyện đúng sai thì ông Thảo bảo tôi, những nhận xét ấy có gì mà anh phải xấu hổ? Mà anh thì ai chẳng biết?

Thì ra ông ta tưởng tôi lo về ba thứ nhận xét linh tinh ấy. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm:

- Tại sao anh lại bảo tôi phải xấu hổ? Ngược lại, tôi rất tự hào là khác. Công an Hoàn Kiến lén lút cảnh cáo tôi trái luật vì việc tôi đi biểu tình chống Trung Cộng, thể hiện lòng yêu nước. Tôi tự hào về điều đó. Anh chưa đi biểu tình chống Trung Cộng bao giờ chứ gì? Thế thì làm sao anh có niềm tự hào ấy như tôi? Tôi chỉ có một câu hỏi tới anh rằng, Ủy ban Vĩnh Quỳnh nhận xét vào lý lịch của tôi là đúng hay sai. Thế thôi. Hẳn là anh nắm rõ vấn đề này hơn tôi vì nó liên quan đến công việc của anh. Mặt khác, anh là cán bộ còn tôi dân thường mà. Tôi hỏi anh là muốn nâng cao hiểu biết về pháp luật để hành động cho đúng chứ tôi không định xin xác nhận lại vì với tôi là không cần thiết. Tôi không quen xin xỏ. Mặt khác tôi muốn cứ giữ nguyên như thế để tôi có cơ sở tố cáo hoặc kiện. Tôi có 2 bộ chính mang đến đây để nộp, nhưng tôi đã kịp thời công chứng 4 bản để sử dụng cho việc kiện cáo sau này.

Trách nhiệm của anh là tiếp nhận hồ sơ của tôi. Anh không nhận thì phải có lý do. Nếu anh thấy xã Vĩnh Quỳnh làm như thế là đúng thì anh nhận, còn nếu sai thì anh phải có ý kiến với họ viết lại, đó là việc của anh, chứ tôi không cần.

Suốt 1 giờ (từ 9 giờ đến 10 giờ), tôi chỉ xoay quanh mỗi câu hỏi ấy. Tôi càng nhắc lại thì ông Thảo càng lảng tránh, nói những chuyện chẳng ăn nhập gì với câu hỏi. Cuối cùng ông ta vẫn không nói đúng hay sai, buộc phải nói: "Kể ra thì không nên ghi như thế".

Cuối cùng, ông Thảo bảo tôi ngồi chờ để đi xin ý kiến. Tôi bảo tôi vui lòng chờ. 20 phút sau, ông ta quay lại rồi nhận hồ sơ cho tôi. Như vậy là Ủy ban bầu cử vẫn chấp nhận việc xác nhận xằng bậy của Nguyễn Khắc Hiếu. Có lẽ dù thấy sai nhưng ông ta thích thú với kiểu nhận xét này và cũng như ủy ban xã Vĩnh Quỳnh, ông ta nghĩ, với nhận xét ấy thì càng khó cho việc ứng cử của tôi.

Nộp hồ sơ rồi, tôi chẳng buồn, chẳng vui. Nếu gây rắc rối thêm cũng tốt. Điều đáng nói ở đây là hồ sơ của ứng cử viên thì kiểm tra rất kỹ nhưng việc cán bộ địa phương nhận xét bừa bãi thì lại chấp nhận. Thế là đủ biết, Ủy ban bầu cử Hà Nội thiên vị ai.

Những việc làm như thế, càng phơi bày thêm tâm địa của chế độ để chứng minh rằng, Việt Nam dân chủ đến thế là cùng, dân chủ gấp triệu, gấp vạn lần tư bản.

6/3/2016

NTT

2 nhận xét:

  1. Nặc danh6/3/16 9:05 CH

    Là người Việt, thấy những trò cản trở việc tự ứng cử theo đúng hiến pháp mà chính nhà nước đã công nhận nó quá ti tiện hạ cấp như vậy tôi hết còn thấy buồn cười mà chỉ thấy một nỗi nhục sâu thẳm bị sinh ra làm người Việt XHCN! Thật vậy, tôi tự hỏi quyền con người của tôi ở đâu trong xã hội này? Tôi cảm thấy nỗi nhục cho dân tôi không được chính quyền tôn trọng và tôi căm phẫn khi thấy những người tự ứng cử bị đối xử một cách quá bất công trắng trợn như trường hợp bác Thụy, cô Phương Bích, bác A, ...

    Trả lờiXóa
  2. Hồ Quang Huy6/3/16 9:57 CH

    Tôi tin rằng các phường xã đều được cấp trên chỉ đạo phải làm khó các ứng cử viên như các anh.

    Trả lờiXóa