Phạm Chí Dũng
“Vừa hợp tác vừa đấu tranh”
Sáu tháng sau khi đoàn đàm phán Việt Nam “hoàn tất đàm phán song phương và đa phương về TPP với các nước” vào Tháng Chín, 2015, chính thể của phương châm đối ngoại “vừa hợp tác vừa đấu tranh” vẫn hầu như ém nhẹm trên mặt truyền thông về định chế công đoàn độc lập - một trong những điều kiện tiên quyết để được gia nhập TPP mà Bộ Chính Trị đảng CSVN đã phải chấp nhận vô điều kiện.
Hé lộ hầu như duy nhất chỉ đến từ ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam. Sau Tết Nguyên Đán 2016, ông Kiên tiếp tục “người lao động được quyền lập hội và họ được tự do tham gia một tổ chức hội nào đó mà họ muốn và chính quyền phải chấp nhận” trên báo chí nhà nước.
Dù chỉ hé lộ, ông Kiên vẫn có thể được coi là có đầu óc tiến bộ hơn nhiều so với rất nhiều quan chức khác. Vào Tháng Chín, 2015, ông là quan chức đầu tiên (và cho đến nay vẫn là quan chức duy nhất) gián tiếp thông tin về việc Việt Nam chấp nhận “công đoàn cơ sở” trong một bài trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet.
Trong khi đó, một quan chức khác là ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công Thương và đồng thời là trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, cho đến nay vẫn không thốt nổi một từ về công đoàn độc lập, mặc dù định chế này đã được ghi rõ trong bản văn TPP.
Cũng phải mất đến sáu tháng sau khi kết thúc đàm phán TPP, phía Việt Nam mới chịu công bố bản văn tiếng Việt, trong đó có nội dung công đoàn độc lập. Hành động này chỉ diễn ra sau ngày 4 Tháng Hai là thời điểm Việt Nam chính thức ký kết TPP tại New Zealand.
Tuy nhiên, não trạng bưng bít truyền thống của nhà nước Việt Nam vẫn hầu như chưa có gì được khai sáng: Trong khi vẫn chưa xuất hiện bất cứ cụm từ “công đoàn độc lập” nào trên miệng giới quan chức và trên mặt báo chí, tất cả cùng lắm chỉ đề cập đến “người lao động có quyền thành lập tổ chức của mình.”
Cố tình không công bố thông tin về công đoàn độc lập không chỉ là một thủ thuật xấu chơi của giới lãnh đạo Việt Nam, mà hành vi này còn vi phạm chính cam kết về việc phải công khai toàn bộ thông tin mà đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã hứa hẹn và ký.
Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam: 2% và vô tích sự
Tết Nguyên Đán 2016 đã tái hiện những năm lạnh lẽo 2011, 2012. Nhiều công nhân không có tiền mua vé tàu xe về quê nên đã đành đoạn nằm lại Sài Gòn, Hà Nội. Ngay trước Tết, nhiều cuộc đình công lại nổ ra liên quan đến lương thưởng và điều kiện làm việc.
Khoảng 600 công nhân công ty cổ phần giày Sài Gòn ở quận 10 tập trung tại công ty yêu cầu được trả đủ tiền lương Tháng Giêng, tiền thưởng Tết, cũng như trợ cấp thất nghiệp đúng theo quy định của pháp luật. Gần 1,000 công nhân công ty TNHH YS Vina ở khu công nghiệp Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, đình công, yêu cầu được nhận tiền thưởng Tết một lần. Tại Hải Phòng, 600 công nhân công ty G-Tech ở cụm công nghiệp Vĩnh Niệm thức trắng đêm tại nhà xưởng của công ty để đòi tiền lương vì công ty bất ngờ tuyên bố dừng hoạt động ngày 29 Tháng Giêng. Ở khu chế xuất Biên Hòa 2, Biên Hòa, Đồng Nai, khoảng 4,000 công nhân công ty sợi Tainan Việt Nam ngưng làm việc từ ngày 2 Tháng Giêng cho đến nay vì cho rằng chế độ lương thưởng chưa thỏa đáng.
Về mặt pháp lý, bất kỳ cuộc đình công nào cũng phải có sự chấp thuận của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (VGCL). Nhưng thực tế đã minh chứng một sự thật quá lộn ngược là VGCL chưa bao giờ lãnh đạo, tổ chức hoặc hỗ trợ bất kỳ vụ đình công nào. Tất cả các cuộc đình công ở Việt Nam đều mang tính tự phát và đều bị xem là bất hợp pháp.
Nhiều nguồn tin còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn.
Quyền được tự thành lập một tổ chức công đoàn độc lập của công nhân càng trở nên bức bách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích tham tàn ở đất nước này đẩy vào tình thế suy thoái và khủng hoảng trong suốt tám năm qua. Không những không được cải thiện, mức thu nhập bình quân của công nhân còn bị giảm tương đối 25-30% trong khi mặt bằng giá cả tăng vọt từ 2-3 lần từ ít nhất năm 2011 đến nay. Tại nhiều nhà máy và xí nghiệp, công nhân phải làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày và sáu ngày một tuần, nhưng chỉ kiếm được trung bình khoảng $70/tháng. Tình trạng thảm thương đó vẫn tiếp tục tăng tiến bất chấp Việt Nam đã có cơ hội tham gia vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) từ năm 2007, nhưng đã chỉ trở thành cơ hội để hố phân hóa giữa 5% số người có thu nhập cao nhất với 5% người nghèo nhất ước tính lên đến ít nhất hàng trăm lần.
Điều kiện sống eo hẹp đã dẫn đến tình cảnh quá khó khăn của công nhân ở rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Ngược lại, những điều kiện sử dụng lao động lại ngày càng hà khắc, không chỉ biểu tả cho một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà còn thêu dệt cho bức tranh thời kỳ đầu của “chủ nghĩa tư bản dã man” tại quốc gia đang quá sức nhập nhoạng và chen lấn về ý thức hệ này.
Một khi đã không thể biểu diễn được lòng thành và khả năng nâng cao mức sống và quyền lợi cho công nhân sau WTO, không có gì bảo đảm là các chính sách của nhà nước và doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam sẽ làm cho đời sống người công nhân đỡ khốn khổ hơn nếu nhà nước này được chấp nhận tham gia vào cơ chế TPP trong thời gian tới.
Lẽ đương nhiên, nếu được hình thành, công đoàn độc lập không thể là một tổ chức hữu danh vô thực như VGCL và các cấp công đoàn cơ sở của hệ thống nhà nước - những tổ chức chỉ được biết đến như một khâu trung gian hưởng thụ ít nhất 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp mà chưa hề đồng thuận với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1,000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Nếu quyền lợi của công nhân không được bảo vệ bằng các cơ quan nhà nước thì phải có những tổ chức dân sự độc lập đứng ra tổ chức những chuyện này. Kinh nghiệm tổ chức những chuyện này đã có quá nhiều ở Mỹ, ở các nước phương Tây, ở Bắc Âu, họ đã lo được nhiều cho người công nhân. Trong những năm suy thoái ở Mỹ vẫn có chính sách là người công nhân có thời gian nghỉ việc đến 18 tháng và được trợ cấp đến 70%, ở Bắc Âu còn cao hơn nữa, phụ nữ có thai được nghỉ tới hai năm và được trợ cấp gần 100% lương. Trong khi đó ở Việt Nam xảy ra tình trạng thậm chí chỉ đi vệ sinh cũng phải làm đơn xin phép, nghỉ không phép không có khoản bổ trợ nào.
Quyền được lên tiếng để tự bảo vệ những lợi ích của mình trước giới chủ và trước những chính sách bất hợp lý của nhà nước về thuê và sử dụng lao động là quá cấp thiết đối với hàng chục triệu công nhân Việt Nam!
Phương châm “được cả hai”
Vào cuối năm 2015, ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, nói một cách cứng rắn chưa từng có: “Chúng tôi có cách làm cho Việt Nam phải tuân thủ những cam kết trong hiệp định TPP.”
Chưa biết thái độ và hành động của Mỹ sẽ cứng rắn đến mức nào, nhưng trước mắt vẫn là thái độ và hành vi ém nhẹm thông tin về công đoàn độc lập của nhà nước Việt Nam. Điều này phản ánh một thực tế chưa mấy thay đổi, là còn xa nữa mới có thể chứng kiến thái độ được coi là “thành tâm” của nhà nước này đối với các quyền tự do căn bản của công dân, như quyền tự do lập hội, quyền tự do báo chí, tự do biểu tình.
Cũng vào cuối năm 2015, chính quyền và công an Việt Nam còn đàn áp thô bạo những nhà hoạt động công đoàn độc lập là Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức. Vào giữa Tháng Mười Hai, 2015, một nhà hoạt động công đoàn độc lập khác là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị công an bắt giam, cho đến nay vẫn chưa được thả ra dù bị quốc tế lên án nặng nề về hành vi bắt bớ này.
Chỉ còn ít thời gian nữa, văn bản TPP sẽ được chính thức trình lên Quốc Hội Mỹ. Tổng thống Mỹ lại sắp thăm Việt Nam vào Tháng Năm. Mọi thứ đã sẵn sàng.
Nhưng giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Những người theo đường lối một đảng lợi ích ở Việt Nam chắc chắn vẫn hy vọng kịch bản WTO năm 2007 “được cả hai” sẽ lặp lại vào năm nay: Vừa vào được TPP, vừa “hồi tố” bắt giam trở lại những kẻ bất đồng chính kiến liều lĩnh nhất.
Còn trong thời gian chờ đợi TPP được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua, chiến thuật thích đáng nhất là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít đến mức tối đa về công đoàn độc lập!
Bịt mãi rồi cũng đến lúc tức nước vỡ bờ.
Trả lờiXóa