Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Nợ xấu quốc gia: Ông Phúc nói ngược ông Dũng

Phạm Chí Dũng

Ngay tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc Hội Việt Nam vào ngày 21 Tháng Ba, người vẫn còn là cấp phó của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một đánh giá “việc xử lý nợ xấu chưa thực chất” trong bản báo cáo trước Quốc Hội về tình hình kinh tế xã hội.

Kỳ họp thứ 11 có thể được xem là “Đại Hội 12a,” với hơn phân nửa thời gian dành để “cách chức” hai nhân vật chủ chốt là chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ mà không cần đơn xin từ nhiệm.

Sau nhiều năm được xem là có nhiều bất đồng với thủ trưởng của mình, đây là lần đầu tiên ông Phúc, người được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng hứa hẹn chức vụ thay thế vị trí thủ tướng, bộc lộ quan điểm trái ngược với ông Nguyễn Tấn Dũng về thực chất nợ xấu.


Trào lưu “mở miệng” trong nội bộ


Cần nhắc lại, trong hầu hết các báo cáo bằng văn bản lẫn phát ngôn trước báo chí và trả lời đại biểu Quốc Hội, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hầu như dựa vào tham mưu của Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình, nhân vật trước đây được xem là “cánh tay mặt” của Thủ Tướng Dũng nhưng đã bất ngờ “đầu quân” về phe Tổng Bí Thư Trọng ngay trước Đại Hội Đảng 12 và do đó đã lọt vào Bộ Chính Trị, để đánh giá đầy lạc quan về “toàn hệ thống được kéo giảm từ mức 17.4% tổng dư nợ (thời điểm Tháng Chín, 2012) xuống còn 2.9%.”

Thế nhưng, ngay trước khi khai mạc kỳ họp thứ 11, Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, một cơ quan khá khép nép thuộc chính phủ, đã đột ngột tung ra số liệu cho rằng trong năm 2015, nợ xấu là 119,660 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ 2.9% (năm 2014 là 3.7%), giá trị tuyệt đối khoảng 120,000 tỷ đồng; tuy nhiên, con số này chưa tính đến 243,000 tỷ đồng nợ xấu đang “mắc kẹt” tại công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC), gấp đôi số nợ xấu trên sổ sách được thống kê.

“Giảm quá nhanh, giảm đến mức độ người ta nghi ngờ. Vậy là ở đây có vấn đề, nợ xấu được 'chế biến' hay đúng sự thật như vậy?”, cựu Thống Đốc Nguyễn Văn Giàu lên tiếng. Ônh Giàu cũng là một nhân vật được dư luận cho rằng trước đây đã bị Thủ Tướng Dũng “đẩy” sang Quốc Hội. Trong một thời gian dài, ông hầu như lắng tiếng trước nhiều điều hành bất hợp lý của phía chính phủ.

Một cựu thống đốc khác của Ngân Hàng Nhà Nước, ông Lê Đức Thúy, cũng bắt đầu hé miệng nếu đánh giá nợ xấu của Việt Nam theo chuẩn mực thế giới, tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở mức 2.9%.

Vào lúc mà “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” rất gần với dấu chấm hết, một kết luận xanh rờn được những người bên đảng công bố: Nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ nợ xấu/tổng nợ của toàn hệ thống chỉ còn ở mức 2.9%, tức dưới hạn mức 3% mà Ngân Hàng Nhà Nước đặt ra, thì đây là một con số rất đẹp và an toàn, nhưng kỳ thực phần lớn nợ xấu của hệ thống ngân hàng chưa được giải quyết, chỉ đẩy từ ngân hàng sang VAMC.


Vũ điệu ma mị


Đã từ lâu, nợ xấu chồng chất là án tử cho thị trường tài chính và nền kinh tế Việt Nam. Chỉ đến cuối năm 2014, Thống Đốc Nguyễn Văn Bình mới lần đầu tiên tiết lộ con số nợ xấu vào năm 2013 lên đến khoảng 500,000 tỷ đồng (tương đương khoảng $23 tỷ), trong khi vào thời điểm năm 2013, Ngân Hàng Nhà Nước chỉ công bố “láo” con số nợ xấu vào khoảng 150,000 tỷ đồng.

Vũ điệu nhảy múa số liệu nợ xấu của Ngân Hàng Nhà Nước đã biến diễn đầy ma mị kể từ khi chính phủ mới của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được thành lập vào Tháng Tám, 2011. Từ đó đến nay, thống kê sơ bộ cho thấy đã có ít nhất 15 lần tỉ lệ nợ xấu được Ngân Hàng Nhà Nước cho “khiêu vũ,” với độ biến thiên từ 3% đến 17%. Tuy thế, các số liệu được công bố lại quá thiếu cơ sở và chẳng còn làm mấy người ngờ nghệch tin tưởng. Trùng với thời điểm cơ quan này công bố tỉ lệ nợ xấu chỉ khoảng 4% vào đầu năm 2014, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng có uy tín trên thế giới là Fitch Ratings đã tuyên bố một con số khác hoàn toàn dành cho nợ xấu Việt Nam: 13%!

Vào năm 2015, một tổ chức tín dụng độc lập khác là FT Confidential Research cũng công bố: Tỉ lệ nợ xấu ngân hàng Việt Nam vào khoảng 15% trong năm 2014, thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức.

Rất rõ ràng, thể trạng khối ngân hàng thương mại hiện thời đang phát bệnh bạo liệt hơn nhiều so với những năm trước. Dù Ngân Hàng Nhà Nước đã cố gắng trám bít những lỗ rò bằng biện pháp mua lại các ngân hàng Xây Dựng, Đại Dương, GP với giá 0 đồng, nhưng chiến thuật thuần tính tình thế đó cũng có nghĩa là chính phủ phải “ôm” lại nợ xấu và căn bệnh khó cứu của những ngân hàng này. Báo cáo vào đầu năm 2016 của Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia cho biết ba ngân hàng này chiếm đến 30% số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Xâu chuỗi với quá khứ, Ngân Hàng Xây Dựng có số lỗ lũy kế trước khi bị mua lại với giá 0 đồng là hơn 18,000 tỷ đồng. Vào Tháng Bảy, 2014, ba quan chức cao cấp của ngân hàng này đã bị khởi tố và bị bắt giam. Ở Ngân Hàng GP, số lỗ lũy kế cũng lên đến hơn 12,000 tỷ đồng. Còn với Đại Dương, chỉ cần vụ ông Hà Văn Thắm, chủ tịch hội đồng quản trị, bị công an tống giam mà đến nay vẫn bặt vô âm tín, kể cả một lãnh đạo kế thừa sự nghiệp của ông Thắm tại ngân hàng này nhưng cũng phải “theo chân” ông, đã mô tả về bức tranh bi đát đến thế nào của một lãnh địa được coi là “sân sau” của giới lãnh đạo chính trị.

Theo những tin tức đã từng “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu hiện có của ba ngân hàng trên là hơn 20,000 tỷ đồng - một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng là chỉ khoảng 10,000 tỷ đồng.

Nợ xấu bất động sản lại chiếm đến ít nhất 70% tổng nợ xấu lên đến 500,000 tỷ đồng trong khối ngân hàng. Song cứ thực nghiệm bản thành tích của VAMC chỉ xử lý được khoảng 10% số nợ xấu mua lại từ các ngân hàng thương mại, sẽ thấy triển vọng để khoảng một phần ba khối tổ chức tín dụng “một đi không trở lại” là rất cao trong vài năm tới.

Cũng cho tới nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà VAMC gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn vô vọng hồi âm chính thức.

Vào đầu năm 2015, Thủ Tướng Dũng công du Úc để lần đầu tiên nhiệt thành ngỏ lời “Việt Nam muốn bán nợ xấu.” Thế nhưng, trong khi hoàn toàn phớt lờ về đề nghị này, thủ tướng Úc lại thông báo “sẽ cắt giảm viện trợ cho Việt Nam.” Sau đó là cắt thật.

Cũng bởi thế, thành tích “giảm nợ xấu về dưới 3%” của Ngân Hàng Nhà Nước và chính phủ cho tới nay vẫn chỉ là con số rất thiếu tính liêm sỉ.

Mà như vậy, gần như toàn bộ khối nợ xấu vẫn như một quả bom tấn được hẹn giờ, vẫn đang âm ỉ chờ lúc phát nổ trong lòng các ngân hàng thương mại và cả nền kinh tế.


“Xử lý nợ xấu” bằng tiền đóng thuế của dân?


Vậy lấy gì để “xử lý nợ xấu,” nếu thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ậm ạch, các ngân hàng không thể tống khứ được “của nợ” đang ôm, còn chính phủ cũng chẳng thể “đẩy” được $3 tỷ trái phiếu ra quốc tế?

Sẽ “bù đắp nợ” bằng kho dự trữ ngoại tệ được quảng cáo lên tới $40 tỷ chăng?

Nếu vào những năm trước, hành động tùy tiện có thể xảy ra khi chính phủ và Ngân Hàng Nhà Nước muốn làm gì tùy ý. Nhưng vào chính lúc này và đặc biệt sau “cách mạng nhân sự” tại đại hội 12 của đảng cầm quyền, không một quan chức nào của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội muốn mạo hiểm chịu trách nhiệm về nợ xấu theo cách “người ăn ốc, kẻ đổ vỏ.” Không có lý do gì để Quốc Hội thông qua một cách quá dễ dàng cho thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước xuất quỹ dự trữ ngoại tệ, dù chỉ 10%, để trả nợ thay cho các ngân hàng sắp phá sản.

Trong khi đó, lời đánh đố cũ lại hiện ra: Liệu đến một lúc nào đó túng quẫn, Ngân Hàng Nhà Nước có dùng tiền ngân sách để trả nợ thay cho các ngân hàng suýt đổ bể và sẽ đổ bể?

“Hiện ngân sách rất eo hẹp, thu chi chưa cân đối được mà còn chi cho ngân hàng nữa thì ngân sách hụt rất lớn. Không bao giờ cho phép lấy tiền ngân sách đắp vào khoản lỗ của các ngân hàng,” Đại Biểu Quốc Hội Trần Ngọc Vinh của Hải Phòng cảnh báo.

Lời cảnh báo trên xuất hiện cùng thời gian với “ngân sách trung ương chỉ còn đúng 45,000 tỷ đồng” - một hiện thực quá sức chịu đựng lầu đầu tiên được một quan chức không còn chịu đựng thêm được nữa là Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh tiết lộ vào cuối năm 2015.

Chưa kể vụ “Thành Ủy Bạc Liêu vỡ nợ” cùng hàng loạt chính quyền địa phương thu một chi hai, ba...

Đến giờ phút này, nợ xấu ngân hàng Việt Nam không khác gì một thể dịch hỗn tương của căn bệnh ung thư nửa mùa.

Trong một giấc mơ quá khó bảo, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng lao nhanh đến miệng vực khủng hoảng, khi từ cuối năm 2015 đã bùng nổ dấu hiệu cạn kiệt và có thể dẫn đến vỡ nợ ngân sách nhà nước, cùng lúc Ngân Hàng Thế Giới tuyên bố “ngừng các khoản cho vay ưu đãi đối với Việt Nam,” còn vào đầu năm 2016 thì Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và cả Ngân Hàng Phát Triển Á Châu thẳng tay “siết” vốn vay ODA do căn bệnh tham nhũng và lãng phí “vẫn ổn định”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét