Trong thời gian gần đây hiện tượng tranh cử vào Quốc Hội của một số ‘dân đen’ đã được phát tán mạnh mẽ. Hành động này theo tôi biết, chưa từng có trong lịch sử của đảng Cộng Sản Việt Nam, kể từ ngày họ cướp hai chính quyền Bắc Nam và lên trị vì cho đến nay.
Theo dõi các ứng cử viên, tôi thấy họ rất đa dạng. Nam, nữ, trung niên, trẻ, rất trẻ, trung học, cử nhân, tiến sĩ, chuyên viên, kinh doanh v.v… Nhưng dạng nào đi nữa, với cách thức tự giới thiệu mình đến cử tri, họ đã thách thức nhà cầm quyền phải ứng xử đúng luật lệ.
Nhà nước Việt Nam nổi tiếng về một rừng luật. Nhưng ai cũng thầm hiểu, luật pháp ở Việt Nam được ban hành như một vở kịch được giàn dựng vụng về, chỉ dùng để mị dân và qua mắt cộng đồng quốc tế. Khi quyết định ra ứng cử, các ứng cử viên phải đối đầu với guồng máy hành chánh bát nháo. Phải chống chọi với lũ công an ma giáo và những màn đấu tố man rợ của thời trung cổ.
Tôi thấy xót xa cho họ vô cùng khi nghĩ đến hai năm về trước, tại Hoà Lan, nơi có một nền dân chủ bền vững hơn 200 năm qua.
… Con trai tôi bước ra khỏi phòng thử đồ, ngập ngừng hỏi: “Mẹ thấy con mặc vậy được không?”
Tôi ngẫn người ra. Chỉ vài phút trước đó, nó là một thiếu niên bình thường, lơ là với tất cả những gì không liên quan đến games. Cả đời gắn bó với chiếc quần jean rách rưới, áo thun bèo nhèo và đôi giày Vans lệch xệch.
Vậy mà giờ đây trước mặt tôi, dưới bộ complet đen, áo chemise trắng, cravate đỏ, nhìn nó đứng đắng, trịnh trọng như một Nghị Sĩ Liên Minh Châu Âu thật sự, sẵn sàng tư thế để tham gia ‘Trò Chơi Dân Chủ’.
Trò chơi này do trường trung học tổ chức hàng năm. Suốt một tuần lễ, cả đám thanh thiếu niên phải đóng vai một Nghị Sĩ của Khối Liên Minh Châu Âu. Chúng phải theo học các khóa hội thảo, hội đàm, thương lượng. Phải chia nhau ra từng nhóm để soạn thảo các dự án và duyệt qua các nghị quyết hóc búa về kinh tế, tôn giáo, môi trường, an sinh xã hội. Vào buổi kết thúc, ban giám khảo vinh danh những học sinh có khả năng thảo luận xuất sắc nhất và có tinh thần tôn trọng dân chủ cao nhất.
Đây là một trong những hệ thống đào luyện học sinh về Dân chủ. Sang năm sau, đám học sinh được nâng lên một vai trò quan trọng hơn, làm nguyên thủ của một quốc gia trong Liên Hiệp Quốc. Sau đó đám học sinh phải sang Anh, sang Đức để tiếp tục hội thảo với học sinh ở các quốc gia khác.
Thấy con làm việc đến khuya để duyệt một chồng hồ sơ, tôi cũng mất ngủ theo. Vừa lo cơm nước bánh trái, vừa chuẩn bị tinh thần làm cố vấn khi cần. Mỗi dấu chấm phết của ‘nghị sĩ măng non’ sẽ liên quan đến từng khúc ruộng, con sông. Tác động đến việc thuế má của từng người dân, có thể thay đổi gương mặt tôn giáo và gây hệ lụy đến những thế hệ trước và những thế hệ sau. Nhìn con mình say sưa làm việc với cả bầu nhiệt huyết, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Cả đám thanh thiếu niên vẫn liên tục gọi nhau qua Skype hàng ngày. Nhưng lần này không phải để bàn về trò chơi mới của Assassins Creed. Mà để chia công tác. Ai chủ toạ, ai viết bài phân tích, ai đại diện nhóm lên phát biểu, ai cần hậu thuẫn. Những ngày vô tư chơi game la hét ầm nhà như đã thuộc về quá khứ nào xa lắc.
Qua những ‚trò chơi’ này, tầm nhìn về cấu trúc chính trị trong xã hội của đám trẻ sẽ trưởng thành hẳn ra khi rời trung học. Vốn liếng kiến thức dân chủ sẽ là nền tảng vững chắc cho việc đi bầu, ra ứng cử hay thành lập một đảng phái mới sau này một cách nghiêm túc.
Dân chủ thật sự là thế đó!
Nó không phải chỉ trên diễn đàn. Nó cũng không nằm ở những bài diễn văn đầy sáo ngữ với nội dung rỗng tuếch của những kẻ cầm quyền gian xảo. Khi Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, phát biểu vào cuối tháng giêng vừa qua: “Dân chủ đến thế là cùng” ta phải hiểu ý ông muốn nói rằng: „Dưới thể chế độc tài này, dân chủ đến thế là cùng!“
Trong một quốc gia có dân chủ thật sự như ở Hòa Lan, người dân được đào luyện về tư tưởng này từ trong trứng nước, trong đời sống hằng ngày. Bắt đầu từ cha mẹ đến thầy cô, từ thợ đến chủ, từ lao động đến trưởng giả, từ mỗi tín đồ của Tin Lành, Công Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo. Họ luôn được chính phủ thúc đẩy quan tâm đến chính trị. Mọi thành viên trong xã hội đều phải hiểu và thực thi dân chủ.
Những người 'dân đen' ở Việt Nam ra ứng cử đã nhận được nhiều phản ứng khác nhau trong xã hội. Họ bị miệt thị, nghi ngờ. Có khi được ca ngợi, thán phục. Nhưng dù họ ứng cử thật hay giả vờ, dù họ có đắc cử hay không, những ứng cử viên này đã góp phần tác động mạnh mẽ ý thức Dân Chủ cho người dân trong nước. Một trọng trách mà đúng ra những nhà lãnh đạo chuyên chính phải gánh lấy, để duy trì an sinh cho xã hội hôm nay và ngày mai.
Quê hương Việt Nam đã trở thành cái xác không hồn. Văn hoá, đạo đức và tâm linh đã bị rao bán với giá rẻ mạt bởi những kẻ lãnh đạo, tuy cùng tiếng nói nhưng không cùng một trái tim cho dân tộc.
Tổ quốc là của chung. Xây dựng và trường tồn đất nước cho thế hệ này và thế hệ tương lai là công việc chung. Không chính quyền nào có thể tước đoạt và không người dân nào được phép làm ngơ trước trách nhiệm này. Những ai chỉ muốn yên thân, an phận trong cuộc sống gia đình nhỏ bé, sẽ sớm nhận ra cái giá họ phải trả cho sự thờ ơ, không quan tâm đến chính trị xã hội.
Vở kịch Dân Chủ của nhà cầm quyền độc tài Việt Nam đã đến lúc phải hạ màn. Khán giả phải trở thành đạo diễn, bước lên sân khấu, đưa các đào kép trở về đúng vị trí và khả năng làm việc của họ. Hãy thả họ về rừng để múa may làm trò hề cho bầy khỉ!
Lữ thị Tường Uyên
14-04-2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét