Nguyễn Dư (Danlambao) - Những người làm chính trị hoặc theo dõi chính trị trong giai đoạn gần cuối của hiệp định Paris năm 1973 chắc không ai mà không biết đến hai chữ "đi đêm". Đi đêm là tiếng lóng mà Dinh Độc Lập thường dùng để ám chỉ sự mờ ám và khuất tất của hai nhân vật chủ chốt trong Hiệp định Paris: ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ.
Người ta kể rằng: trong giai đoạn cuối, trước và sau khi Hoa Kỳ ép ông Thiệu ký vào bản hiệp định nhượng bộ, người của bộ ngoại giao Hà Nội và ông Kissinger thường hay lui tới những nơi vũ trường, nhà hàng vào những đêm cuối tuần để tiệc tùng ăn chơi. Họ thương lượng, ngã giá trên sự đau khổ, mất mát, rồi bán đứng luôn người lính Việt Nam Cộng Hòa và người dân miền Nam Việt Nam sống trong giai đoạn đó; chưa kể hơn năm mươi tám ngàn quân lính Mỹ đã hy sinh. Rồi hơn hai năm sau thì Sài Gòn sụp đổ, là chuyện đương nhiên phải đến. Có thể, đến bây giờ chắc người Mỹ nhận ra rằng bỏ rơi đồng minh miền Nam Việt Nam và rút quân khỏi Philippines là một sai lầm lớn về chiến lược ở Đông Nam Á chăng?
Lần này ông tổng thống Mỹ lại... đi đêm bằng chuyên cơ đến Hà Nội, là có một sự sắp xếp và tính toán trước trong nhiều năm giữa hai bên. Hà Nội đón tiếp tổng thống Mỹ trong sự dè dặt và im lặng của tiếng đại bác thường dành cho các nguyên thủ quốc gia, nhất là một quốc gia có thể nói là đứng hàng đầu thế giới. Rồi với bộ mặt sáp cứng đờ và cặp mắt láo liên của Trần Đại Quang ra vẻ như lạnh nhạt, mất tự nhiên làm cho người ta có cảm tưởng khách chủ động đến hơn là nước chủ nhà mời. Người Mỹ không cần đòi hỏi nghi thức đón tiếp danh dự trong cách thức ngoại giao. Cái mà họ cần là quyền lợi chiến lược của họ to lớn hơn nhiều trong tương lai mà quốc gia họ hướng tới.
Qua cách thức ngoại giao, làm cho người ta biết thêm là có một sự thỏa thuận ngầm. Cộng sản Việt Nam sợ cộng sản Trung Quốc giống như thỏ sợ sói. Sợ đến nỗi phải tránh né, không dám gọi đúng tên! Và trong chuyến đi này, ông tổng thống Mỹ cũng bóng gió, nhưng không đích danh chỉ trích Trung Quốc. Không sợ sao được khi mà nếu có xung đột xảy ra giữa Trung Quốc với Việt Nam, đặt trường hợp có đầy đủ vũ khí tối tân trong tay, nhưng đối đầu với Trung Quốc trong lúc này thì cũng giống như lấy trứng chọi đá. Việt Nam sợ mất lòng Trung Quốc trong lúc thế cô, sức yếu; đồng thời muốn đi đêm với Mỹ để được nhìn nhận làm đồng minh và được che chở.
Còn một cái mà họ sợ nữa là sợ... nhục. Sợ nhục với người lính Quốc gia, người miền Nam; và đến bây giờ thì họ lại sợ nhục với cả một dân tộc mà họ đang lãnh đạo. Đối với cộng sản, việc trở cờ theo Mỹ là một nỗi nhục của lịch sử, là một cái nhục cho những thế hệ mai sau.
Lần này người Mỹ lại "đi đêm", bán đứng những người hoạt động về dân chủ, nhân quyền chỉ vì quyền lợi nước Mỹ. Tại sao phải gọi là "bán đứng". Bởi lẽ, trước đây chính quyền Mỹ lúc nào cũng đưa ra điều kiện về nhân quyền, đặt lên hàng đầu với nhà cầm quyền Việt Nam: muốn bãi bỏ cấm vận vũ khí thì trước tiên phải tôn trọng nhân quyền. Đùng một cái tổng thống Mỹ tuyên bố bãi bỏ cấm vận vũ khí, và có thể trong tương lai sẽ đi đến hợp tác quân sự giữa hai bên. Không phải đơn phương mà người mỹ dễ dàng quyết định như thế, mà là có sự cân nhắc, có thăm dò và có chuẩn bị ngầm từ nhiều năm qua.
Qua một thời gian dài, Hà Nội bị Trung Quốc đè đầu cỡi cổ, người Mỹ nắm rõ điều đó cho nên trong lúc này là đúng thời điểm, tổng thống Mỹ đến Việt Nam khơi dậy lòng yêu nước dân tộc là thượng sách và cũng để người cộng sản nhận ra đâu là bạn đâu là thù. Qua cách đón tiếp, chào đón của người dân Sài Gòn - Hà Nội thì đã trả lời rõ ràng với người Mỹ điều đó.
Điều kiện về nhân quyền hay giải quyết những tồn đọng trong chiến tranh của người Mỹ, hai bên đặt ra chỉ là một bước để hai nước cựu thù tiến lại gần nhau; để thăm dò và có thể đi thêm những bước tiếp theo; đến khi đạt được mục đích chung thì những cái đó trở thành thứ yếu. Nhưng chúng ta điều biết, khi mà cộng sản đạt được những gì trên bình diện ngoại giao có lợi, thì họ nuốt lời cam kết rất dễ dàng; đôi khi cũng thực thi những cam kết cầm chừng chỉ để qua mắt thiên hạ mà thôi.
Cái hơi hướng của việc "đi đêm" còn làm cho người ta dễ nhận ra thêm nữa là lời phát biểu đại khái của tổng thống Mỹ: "Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự chủ và không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của họ lên các bạn hoặc quyết định số phận của các bạn". Tức là phải hiểu ngầm rằng người Mỹ sẽ không "áp đặt ý chí của họ", không can thiệp vào chuyện nội bộ của mỗi quốc gia; số phận (về nhân quyền) của các bạn phải tự quyết định. Thế thì tại sao trước đây người Mỹ lại can thiệp, "áp đặt ý chí của họ" lên Hà Nội về nhân quyền mà giờ đây lại phớt lờ?! Lời lẽ, đại ý của ông tổng thống Mỹ trong câu nói này, các nhà ngoại giao Hà Nội cũng thường sử dụng để trả lời về nhân quyền khi có bất cứ một quốc gia nào muốn chỉ trích, chất vấn họ vi phạm.
Hà Nội biết Mỹ cần Cam Ranh hơn là điều kiện về nhân quyền, cho nên đã có sự thỏa thuận ngầm giữa hai bên. Thế thì họ đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền thậm tệ mà bất cần đến liêm sỉ trước mặt người Mỹ và quốc tế đang hướng về Việt Nam theo dõi trong chuyến đi này của tổng thống Mỹ là chuyện đương nhiên. Và rồi đây Mỹ sẽ không còn can thiệp "áp đặt ý chí của họ" lên nhà cầm quyền Việt Nam nữa!
Việc thả cha Lý, một người tù nổi tiếng về vi phạm nhân quyền của Hà Nội là một màn kịch ngoại giao "rửa mặt", phô trương tính cách nhân đạo rẻ tiền, không thuyết phục được ai bởi vì cha Lý không còn bao lâu nữa cũng sẽ mãn hạn tù.
Người dân ai cũng biết, cộng sản Việt Nam hiện thời nợ như chúa chổm, thế thì tiền đâu cho họ mua vũ khí trang bị đủ để chống lại Trung Quốc?
Có thể Hà Nội chọn Mỹ làm đồng minh trong lúc này, sẽ đặt ra điều kiện với người Mỹ khác hơn ngày xưa Mỹ là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa.
Người cộng sản thường hay luận rằng: "Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền". Đúng, thế cho nên nếu có hợp tác với Mỹ thì cùng lắm cho mướn quân cảng Cam Ranh để đổi lấy vũ khí chứ không để "mất chủ quyền". Và người Mỹ cũng đã học được bài học lịch sử từ quá khứ: Can thiệp sâu, đổ quân vào miền Nam Việt Nam là một việc làm sai lầm, sa lầy về chính trị. Người Mỹ không chiếm lãnh thổ hay đất đai của bất cứ một quốc gia nào cả; khác với ông "bạn vàng" của Hà Nội xa lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét