Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Vì sao bà Victoria Kwakwa gặp Chủ tịch quốc hội VN?

Gần hai tuần sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Obama, đã diễn ra một chuyến thăm khác lặng lẽ hơn nhiều nhưng lại là một hiện tương “lạ”: bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào ngày 7/6/2016.

Trước đây khi còn là Đại diện của WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa thường gặp phía chính phủ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số bộ ngành liên quan tài chính như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng phải “nhường” ghế thủ tướng cho ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Victoria Kwakwa đã gặp tân thủ tướng này.

Nhưng hẳn là khá khó hiểu khi bà Victoria Kwakwa gặp khối lập pháp vì khối này không liên quan trực tiếp đến những khoản vay từ WB. Hơn nữa, Quốc hội Việt Nam lại có truyền thống nổi tiếng về thái độ “gật” dưới sự chỉ đạo của đảng và gần như mọi đề nghị của chính phủ.

Trong cuộc gặp giữa bà Victoria Kwakwa và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có lẽ thông tin đặc biệt nhất là đề xuất của bà Ngân được báo đảng tường thuật: “Ngân hàng Thế giới giúp đỡ Việt Nam có một lộ trình cho việc dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (hay còn gọi là lộ trình "tốt nghiệp IDA"), để bảo vệ và phát huy các thành tựu phát triển mà Việt Nam đã đạt được”. 

Có thể hiểu, WB gặp Việt Nam để đòi nợ!

WB là một trong những chủ nợ lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2015, chính phủ Việt Nam có trách nhiệm phải trả nợ nước ngoài đến 20 tỷ USD. Còn trong năm 2016, con số trả nợ là 12 tỷ USD như kế hoạch vay trả nợ vừa được Thủ tướng Phúc phê duyệt. Nhưng nhiều người ngờ rằng số tiền phải trả nợ nước ngoài trong năm 2016 còn lớn hơn 12 tỷ USD.

Nhưng vì sao bà Victoria Kwakwa không “đòi nợ” ở chỗ Thủ tướng Phúc mà lại là nơi Chủ tịch Ngân?

Câu trả lời có lẽ nằm ở động tác được coi là đáng ngạc nhiên của WB vào cuối năm 2015. Tháng Mười Hai năm ngoái, bà Victoria Kwakwa đã trao cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một bản khuyến nghị 7 điểm của WB, với khuyến nghị được xếp trên đầu là “Việt Nam cần sớm ban hành luật Lập hội”. Đây là lần đầu tiên WB quyết định tham gia vào mặt trận nhân quyền!

Luật Lập hội lại thuộc phần hành lập pháp của Quốc hội Việt Nam. Có thể hiểu là cùng với kế hoạch “cải cách luật” mà Việt Nam đã cam kết với phương Tây, việc ban hành luật Lập hội của Quốc hội trong thời gian tới là không thể né tránh.

Cũng có thể hiểu như trường hợp Myanmar giai đoạn 2011 – 2015: những kết quả cải cách nhân quyền và mở rộng dân chủ của quốc gia này là điều kiện quan trọng để các chủ nợ như Câu lạc bộ Paris, Pháp, Đức… xem xét cho hoãn trả nợ hoặc thậm chí xóa nợ cho Myanmar.

Cuối năm 2012, khi Tổng thống Obama lần đầu tiên đến thăm Myanmar, chính thể vừa thoát thai từ ách quân phiệt này đã được Câu lạc bộ Paris xóa cho món nợ lên đến 6 tỷ USD. 


Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét