Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Di hại có thể đến 50 năm mà sao chỉ “giám sát đặc biệt 3 năm”?

Ảnh: Dân Làm Báo
Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo công bố “biển sạch”, kéo theo màn trình diễn giới quan chức chính phủ và địa phương tấp nập tắm biển và ăn hải sản, cùng cái chết của một người dân miền Trung khi bắt chước ăn theo, ông tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên- Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam- cho báo chí biết là Formosa sẽ được giám sát đặc biệt trong vòng 3 năm tới.
Ngay lập tức, có tờ báo nhà nước lật ngược vấn đề: “Formosa được cấp phép hoạt động 70 năm, chúng ta chỉ giám sát đặc biệt 3 năm thì có yên tâm được không?”, còn quan chức Trịnh Văn Tuyên chỉ trả lời chung chung: “Sắp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm soát rất chặt chẽ các báo cáo hoàn thành công trình môi trường của Formosa. Viện Công nghệ Môi trường sẽ tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát này”.
Thêm một bằng chứng cho thấy giới quan chức Việt Nam vẫn tiếp tục tắc trách và tán tận lương tâm trong “cơ chế giám sát Formosa”!
Cần nhắc lại, sau khi cá chết trắng 4 tỉnh miền Trung, một tờ báo nhà nước là Tiền Phong đã lôi ra ánh sáng bản “Đánh giá tác động môi trường của dự án Formosa” (gọi tắt là ĐTM), được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt năm 2008, cho thấy cơ chế “kiểm soát rất chặt chẽ” của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực chất là như thế nào.
Trong khi Luật Bảo vệ Môi trường 2005 quy định phải đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra; biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường, ĐTM này đã không có một dòng nào về môi trường biển.
Trong phần ĐTM, đánh giá tác động của nước thải đến môi trường trong giai đoạn vận hành nhà máy chỉ chưa đến 2.5 trang. Mất 1.5 trang là các bảng biểu, vỏn vẹn một trang ĐTM, chủ yếu là liệt kê các nguồn nước thải của nhà máy ra môi trường, đặc điểm của các loại nước thải đó. Ngoài ra, không có thông tin nào cho biết, lượng nước thải này có ảnh hưởng như nào đến môi trường. 
Đánh giá tác động của chất thải rắn đến môi trường cũng chỉ hơn một trang, đánh giá tác động do ô nhiễm nhiệt 1/3 trang. Đặc biệt đánh giá rủi ro về sự cố môi trường chỉ dài một trang, nêu vắn tắt, gạch đầu dòng một số sự cố có thể xảy ra như nổ và bén lửa, ngã do đứng ở vị trí trên cao, kim loại nóng chảy phun bắn ra ngoài, sự cố chập điện, phóng điện, bỏng điện… Không có một dòng nào về sự cố với môi trường biển, với đất, với không khí.
Trong thực tế, đường ống xả thải của tập đoàn thép Formosa đã xả thải trực tiếp một số lượng khổng lồ những chất độc hại ra môi trường, số lượng khổng lồ, có thể gây di hại đến 50 năm.
Hậu quả của nhiễm độc kim loại nặng đối với sức khỏe con người còn khủng khiếp hơn. Các độc tố này sẽ tồn tại lâu dài trong lòng biển. Nước biển và hải lưu sẽ làm loãng nồng độ chất độc để không gây chết tức thì cho sinh vật biển, nhưng các sinh vật này sẽ bị tác hại lâu dài qua việc hấp thụ độc tố từ chuỗi thức ăn. Do đó sẽ là không quá đáng khi nói rằng không chỉ người Việt Nam là nạn nhân của thảm họa môi trường Formosa mà là cả nhân loại.
Trước bản ĐTM trên, nhiều dư luận đã đặt nghi vấn phải chăng đây là hành vi “ngậm miệng ăn tiền” của giới quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường và “các nhà khoa học hàng đầu”?
Trong khi vụ Formosa chưa xử lý, một ngư dân Việt Nam là ông Nguyễn Đình Khải, sinh sống tại thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, cùng 7 ngư dân khi đang đánh cá cách cửa Gianh khoảng 54 hải lý về hướng Đông Bắc đã phát hiện một tàu chạy từ đất liền và lén lút xả thải xuống biển. Tàu này là một loại chở hàng loại lớn, thân tàu có mang các dòng chữ La tinh và trên tàu có hàng hóa được bịt bằng bạt và 2 cần cẩu. Các ngư dân này đã chứng kiến tàu lạ này đã vứt xuống biển nhiều túi nilon, và họ nghi rằng đó là chất thải của Formosa Hà Tĩnh.
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét