Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Thế lực nào đang thách thức quyền lực của tổng bí thư Trọng?

Ảnh: blog Người Buôn Gió.

Trong quá khứ, đã từng có một ít trường hợp quan chức Việt Nam đào thoát khỏi vòng vây an ninh để tị nạn chính trị ở nước ngoài, đương nhiên bị đảng xem “phản bội”. Nhưng đó là đào thoát vì lý do bất đồng quan điểm chính trị.

Còn với trường hợp Trịnh Xuân Thanh, chưa có bất cứ cơ sở nào để cho rằng nhân vật này bất đồng với đảng về ý thức hệ, mà chỉ bởi nguyên do Thanh “vô tình” nằm trong kế hoạch “diệt ruồi” của tổng bí thư Trọng.

Năm 2012, Dương Chí Dũng “xứ Vinalines” – một “con sâu” ghê gớm – đã bị bắt sau 4 tháng lẩn trốn ở Campuchia. Nghe nói để bắt được Dũng, lực lượng tình báo Tổng cục 2 thuộc Bộ Quốc phòng phải ra tay chứ không phải ngành công an Việt Nam.

Nhưng 4 năm sau, tuy có rất nhiều dấu hiệu cùng một giuộc với Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh lại tẩu thoát rất thành công.

Điều đáng nói là lẽ ra ngay từ khi tổng bí thư Trọng chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra đảng trung ương và Bộ Công an kiểm tra về vụ xe Lexus mà Trịnh Xuân Thanh sử dụng ở Hậu Giang, Thanh đã phải bị đặt vào diện “thực hiện biện pháp ngăn chặn”. Thế nhưng không hiểu vì lý do sâu xa gì mà cho đến nay, trước quá nhiều dư luận về việc Trịnh Xuân Thanh đã trốn, vẫn không có bất kỳ một phát ngôn thanh minh, biện minh rõ ràng nào từ Bộ Công an. Tình hình này tất dẫn đến một suy đoán không thể tránh: phải có một thế lực chính trị đủ mạnh thì mới đủ sức cứu Trịnh Xuân Thanh và khiến ngành công an bất động.

Chân thành mà nói, “thế lực nào đang thách thức quyền lực của Tổng bí thư Trọng?” là một câu hỏi không còn giả tưởng mà dường như đang đậm tính thực chất.

Hiện tượng thách thức đảng đã lộ ra rất rõ: từ một nơi kín đáo nào đó, Trịnh Xuân Thanh gọi điện thoại cho phóng viên báo Thanh Niên, gửi thư ra đảng cho cơ quan chức năng qua đường bưu điện, sau đó còn tiến thêm một bước khủng khiếp: có hể Thanh đã liên lạc với blogger Người Buôn Gió – một “đối tượng cực kỳ phản động” mà đảng rất thường chửi bới. 

Hiển nhiên, tình trạng an toàn và tâm thế của Trịnh Xuân Thanh “mình phải như thế nào thì mới dám làm vậy”, chẳng khác mấy “mình phải thế nào thì người ta mới tiếp như thế” của Tổng bí thư Trọng sau chuyến đi Mỹ tháng 7/2015.

Thế lực nào đang thách thức ông Trọng? Và nếu có tồn tại thế lực ấy, mọi chuyện chỉ dừng ở thách thức quyền lực đảng hay còn muốn đi xa hơn?

Nếu trước đại hội 12, thế lực mạnh nhất thách thức quyền lực của Tổng bí thư Trọng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì nay bắt đầu lộ diện dấu hiệu một đối trọng quyền lực thông qua vụ Trịnh Xuân Thanh.

Người ta đang tự hỏi là nếu đúng Trịnh Xuân Thanh đã liên lạc và ráp mối với blogger Người Buôn Gió, hậu quả nào sẽ xảy ra với đảng mà cụ thể là với Tổng bí thư Trọng?

Sẽ xuất hiện hàng loạt “tài liệu nội bộ” về chỉ đạo của đảng và thậm chí về cả một số nhân vật cao cấp trong đảng như cái cách tài liệu nội bộ được tung như bươm bướm lên mạng xã hội trước đại hội 12?

Hay thâm sâu và rộng lớn hơn, sẽ xuất hiện một áp lực để ép tổng bí thư Trọng phải “nghỉ” sớm hơn tham vọng ngồi cả nhiệm kỳ thứ hai của ông Trọng?

Và rồi sau đó thì sao nữa?

Bàn cờ chính trị Việt Nam đang khôn lường, vô cùng khôn lường. Sau vụ quan chức bị bắn ở Yên Bái, không khí nội bộ cô đặc và sợ hãi đến rúm ró. Khó ai đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng rất nhiều người đã cảm giác về một biến động lớn, thậm chí một biến cố chính trị lớn sẽ bùng nổ trong không bao lâu nữa. 


Lê Dung/ SBTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét