Phùng Hoài Ngọc
(VNTB)- Lời Tựa:
Tục ngữ “Cha làm thầy, con đốt sách”.
Lớp cha trước, lớp con sau
Chẳng thành đồng chí chung câu quân hành
(nhái thơ Tố Hữu *[1] )
Trước khi luận về hậu duệ Chúa Trịnh là hai cha con ông Trịnh Xuân Giới và Trịnh Xuân Thanh, hãy dành vài phút lần về ngọn nguồn lừng lẫy của Trịnh tộc (1570–1787).
“Câu chuyện từ một làng quê xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội yên ả quê ông. Nơi đấy có đông đúc hậu duệ của nhà chúa Trịnh Tùng. Nhiều năm nay ông Trịnh Xuân Giới có chân trong Ban liên lạc Trịnh tộc của cả nước. Lần mới đây nhất được nghe ông (phân tích) khúc chiết về y phục của Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng trên bức tượng đồng đang được khẩn trương chế tác để đặt tại Phủ Trịnh của làng Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc,Thanh Hóa nơi phát tích chúa tiên khởi Trịnh Kiểm”(bài viết của nhà báo Xuân Ba - báo Tiền Phong).
Xin tóm tắt đôi dòng lịch sử họ Trịnh lừng lẫy suốt 241 năm trong lịch sử Việt Nam.
Vua Lê Túc Tông mất năm 1504, các vua kế vị đều là hôn quân hoặc bất tài. Năm 1527, quyền thần Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua lập ra nhà Mạc. Năm 1533, ở Thanh Hóa một võ tướng nhà Lê là Nguyễn Kim nổi dậy chống lại nhà Mạc, lập lại nhà Lê. Nhà Lê phát triển thế lực về phía Nam, chiếm vùng cực nam lãnh thổ vốn là đất đai của Chăm pa…Người mở đầu sự nghiệp họ Trịnh là Trịnh Kiểm, quê Thanh Hóa. Tương truyền thuở nhỏ nhà Trịnh Kiểm nghèo, mẹ thích ăn gà nên ông thường bắt trộm gà của hàng xóm cho mẹ ăn. Hàng xóm rất ghét, nhân khi Trịnh Kiểm đi vắng bèn bắt mẹ ông ném xuống vực. Trịnh Kiểm về không thấy mẹ đâu bèn đi tìm, đến vực tìm ra xác mẹ thì mối đã xông đầy lên rồi. Sau có ông thầy tướng đi qua chỉ vào ngôi mộ mẹ Trịnh Kiểm đọc rằng:
"Phù Lê diệt Mạc"
Phi đế phi bá
Quyền khuynh thiên hạ
Truyền tộ bát đại
Tiêu tường khởi vạ”
Nghĩa là:
Phù Lê diệt Mạc
Chẳng đế chẳng bá
Quyền nghiêng thiên hạ
Truyền được tám đời
Trong nhà dấy vạ.
Nghe tin tướng Nguyễn Kim chủ trương phục dựng nhà Lê suy bại, Trịnh Kiểm bèn đến xin gia nhập. Nhờ tài năng, Trịnh Kiểm được Nguyễn Kim tin cậy và gả con gái là Ngọc Bảo cho. Nǎm 1539 Kiểm được phong làm đại tướng quân, tước Dực quận công. Năm 1545, Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm lên thay cầm quyền, được phong thái sư nắm toàn thể quân đội. Trước hết Trịnh Kiểm lo đối phó với các con của Nguyễn Kim để củng cố quyền lực. Ông sai thuộc hạ xông vào nhà giết em vợ tức con cả của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông. Người con thứ là Nguyễn Hoàng sợ hãi xin đi trấn giữ vùng Thuận Hóa Quảng Nam (tương truyền nhà nho kiêm đạo sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm làm tư vấn cho Nguyễn Hoàng). Trịnh Kiểm sợ rằng giết cả hai anh em Hoàng sẽ mang tiếng, mà Thuận, Quảng là nơi xa xôi "ô châu ác địa" nên bằng lòng cho Hoàng vào đó để mượn tay nhà Mạc giết Hoàng. Từ đó Trịnh Kiểm nắm toàn bộ quyền hành của nhà Lê, xây dựng sự nghiệp cho họ Trịnh. Họ Trịnh từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Sâm truyền được 9 đời chúa.
Xung đột TRỊNH -NGUYỄN PHÂN TRANH kéo dài 45 năm từ 1627 đến 1672, hai bên giao chiến cả thảy 7 lần. Năm 1655, quân Nguyễn thắng thế vượt sông Gianh đánh Nghệ An chiếm 7 huyện và mang theo nhiều dân cư ở đây vào khai khẩn trong Nam. Năm sau quân Trịnh phản công chiếm lại. Năm 1672, hai bên đình chiến, lấy sông Gianh làm ranh giới chia cắt Việt Nam. Đất nước bị chia ra bởi hai dòng họ cai trị, cùng mang danh nghĩa tôn phò nhà Hậu Lê…. Phong trào Tây Sơn không chấp nhận các chúa Trịnh nên sau vài năm củng cố quyền lực ở phía nam, tướng Nguyễn Huệ tiến ra phía bắc năm 1786 với một đội quân đông đảo. Quân Trịnh bị quân Tây Sơn đánh bại và chúa Trịnh Khải phải chạy về phía bắc rồi sau đó bị bắt và tự vẫn. Quân Tây Sơn rút về nam, sau các bầy tôi cũ lại lập con Trịnh Giang là Trịnh Bồng lên ngôi. Vua Lê mới là Chiêu Thống muốn chấn hưng nhà Lê nên triệu Nguyễn Hữu Chỉnh đang trấn thủ Nghệ An ra giúp. Hữu Chỉnh đánh tan quân Trịnh, Trịnh Bồng bỏ đi mất tích.
Hơn hai trăm năm sau, Trịnh Xuân Thanh tỉnh ủy viên phó CT tỉnh Hậu Giang leo nhanh trên đỉnh cao danh vọng cũng bỏ đi mất tích, noi theo ông tổ Trịnh Bồng xưa.
“CHA LÀM THẦY…”
Hãy cùng lướt qua thành tích trích ngang của ông Trịnh Xuân Giới.
Ông Giới là chiến sĩ vệ quốc đoàn vài năm thời 9 năm chống Pháp.
Thời Cải Cách Ruộng Đất, ông Giới được biệt phái làm thư ký cho các Đội cải cách ruộng đất. Chắc hẳn ông lập thành tích không nhỏ trong việc hạ gục hàng chục nghìn địa chủ bị đấu tố oan sai, tán gia bại sản và hoặc mất mạng.Tuy nhiên bây giờ ở vào tuổi bát tuần đầu thế kỷ 21, ông có chút lăn tăn nào về sự kiện khủng khiếp đó chăng, ít nhất với cái lương tri của nhà sử học dù là sử học quốc doanh?
Rồi ông Giới chuyển công tác về phụ trách Hiệu trưởng Trường Đoàn Trung ương.
Ông có bằng tiến sĩ sử học nhưng lại hành nghề đào tạo bồi dưỡng “Đoàn thanh niên cộng sản HCM”. Ông làm hiệu trưởng Trường Đoàn trung ương, trực thuộc Trung ương Đoàn.
Ông Giới là thầy giáo dạy dỗ tất cả nhiều triệu đoàn viên thanh niên cộng sản HCM cả nước. Có thể gọi ông là thủ lĩnh tinh thần của “cánh tay phải” của Đảng, thế hệ kế cận sự nghiệp của Đảng. Ông Giới là huấn luyện viên của tất cả cán bộ lãnh đạo Đoàn từ xã, phường, huyện quận, tỉnh, thành, trung ương và đoàn viên quân đội, công an trên toàn cõi Việt Nam thống nhất.Tuy cấp hàm không vào hàng top nhưng ý nghĩa của chức vụ này thì cao vời vợi, cao hơn chức vụ (Trong hệ thống chính trị có nhiều chức vụ mang danh “cao cấp” nhưng chỉ có tính bình phong, khẩu hiệu, thực chất không có gì đặc biệt).
Vai trò tinh thần, tượng trưng, biểu tượng của ông Giới thực là quan trọng !
Cuối 1975, ông làm Phó ban Thanh niên Công nhân Trung ương Đoàn, được tham gia trong “tổ công tác đặc biệt” do Phó Thủ tướng Đỗ Mười dẫn đầu vào Sài Gòn nghiên cứu khảo sát tình hình chuẩn bị cho cuộc cải tạo tư sản (Bây giờ nghĩ lại chẳng biết ông có tự hào thành tích hay là buồn hối hận vì sai lầm ?!)
Tiếp theo, với cương vị Phó ban Dân vận Trung ương, 11 năm. Khi con trai thăng tiến thì ông cũng thăng, lên đến Phó ban Dân vận trung ương (hàm cấp đãi ngộ ngang ủy viên trung ương Đảng. Làm ở “Ban Dân vận” có lẽ ông chuyên đi “vận động nhân dân”, như là nhà “thuyết khách” ? Hiệu quả công tác có đo lường được đủ để tự hào không !).
Ông Giới lại được tham gia trong Ban soạn thảo văn kiện đại hội Đảng từ thời TBT Nông Đức Mạnh vắt sang thời TBT Nguyễn Phú Trọng. Thường có hơn 20 thành viên trong ban soạn thảo văn kiện thuộc đủ mọi lĩnh vực chính (Đó là một công việc hết sức đặc thù nghiêm cẩn không phải ai cũng trở thành thành viên của Ban ấy được !).
Năm 2013, “đ/c Trịnh Xuân Giới được Quận ủy, Hội đồng thi đua khen thưởng quận Tây Hồ tặng Giấy Khen thành tích trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hiện giờ ông Trịnh Xuân Giới là vị bí thư chi bộ khu phố Ciputra, “quản lý”các đảng viên quí tộc (UV BCT, UV TW, bộ trưởng và tương đương, v.v…) .
Ông hiện vẫn là thành viên Tổ tư vấn đang chuẩn bị Dự luật tôn giáo trình Quốc hội.
Khi “sự kiện Trịnh Xuân Thanh và biển xe xanh 5 tỷ” bùng nổ, ông bàng hoàng xin từ chức bí thư chi bộ.
“… CON ĐỐT SÁCH”
Tuy nhiên một câu hỏi lăn tăn: Trịnh Xuân Giới tiến sĩ sử học hiệu trưởng Trường Đoàn, ông có dạy con trai theo giáo trình Đoàn TNCS.HCM mà ông soạn, duyệt và giảng bài . Ông có làm công tác “dân vận” chính con trai mình hay không ?
Con trai ông là Trịnh Xuân Thanh có nhận được sự giáo dục của cha, tới mức nào ? Điều đó chưa thể biết, nhưng chắc chắn Thanh được kế thừa “lý lịch khá hoành tráng” của người Cha.
LÍ LịCH CHA như kể trên là quá đẹp, con trai không quên ghi tất cả vào LÍ LỊCH CON.
Lướt qua vài dòng LÍ LỊCH Trịnh Xuân Thanh:
1982 - 1985: tham gia quân đội.
1985- 1990: học Đại học Kiến trúc Hà Nội, ngành Kỹ thuật hạ tầng và Qui hoạch đô thị.
1990- 1995: đi làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức (lao động xuất khẩu).
1999: học tiếng Nga tại chức ở ĐH Ngoại ngữ (thực chất là học trả nợ chứng chỉ tiếng Nga hồi đại học còn nợ).
Tháng 7/2003: trở thành đảng viên (năm này mới được nhận bằng đại học từ khóa 1985-90 ?). Chỗ này chắc chắn ĐH Kiến trúc làm sai qui chế, tại sao bảo lưu kết quả quá lâu dành cho SV trượt ?)
2005 - 2007: học Cao cấp Lý luận chính trị tại chức tại Học viện Hành chính quốc gia HCM.
Giai đoạn 1996 - 2000, Thanh được bổ nhiệm Phó giám đốc Công ty phát triển kinh tế kĩ thuật Detesco của Trung ương Đoàn.
Từ 2000 – 2004 Thanh là phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của tổng công ty Sông Hồng, rồi lên chức phó tổng giám đốc rồi tổng giám đốc của tổng công ty Sông Hồng trong giai đoạn 2005 - 2007.
Năm 2007, ông Thanh được điều về làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) - Tập đoàn dầu khí quốc gia VN.
Năm 2009 Thanh được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT đại công ty PVC. Lại được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2011 (kiêm Phó bí thư, bí thư Đảng ủy hai Cty trên).
Khi PVC rơi vào tình cảnh thua lỗ trầm trọng và có nguy cơ mất vốn, ông Thanh được Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cứu lên và bổ nhiệm Phó chánh văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng vào tháng 9.2013.
Tháng 2 năm 2014, Thanh được Bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm lên chức vụ Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương.
Tháng 5.2015, Thanh tiếp tục được “luân chuyển” làm tỉnh ủy viên kiêm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Thanh lại đắc cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt tỷ lệ 75,28% số phiếu và trở thành người trúng cử cao nhất tại Hậu Giang (Đáng lẽ Thanh phải làm “bí thư tỉnh ủy” mới “hợp lòng dân” đã bỏ phiếu cho Thanh cao nhất tỉnh !)
Có thể chỉ rõ lối làm việc tắc trách của Ban tổ chức chỗ này:
Thanh đi làm mướn 5 năm ở Đức trong dây chuyền sản xuất gì đó, có thể là vặn bu lon, bắt vít, vì bên ấy chắc chắn họ không mướn cử nhân Thanh làm “qui hoạch đô thị” cho họ. Tất nhiên ở xứ người, Thanh bỏ sinh hoạt Đoàn (sau 1990 bên ấy không còn Đoàn, Đảng nữa). Thanh hết hạn xuất khẩu lao động trở về Việt Nam năm 1995, ngay năm sau 1996 khi 30 tuổi được “qui hoạch” vào chức vụ Phó giám đốc Công ty phát triển kinh tế kĩ thuật Detesco của Trung ương Đoàn (điểm này chắc chắn lí lịch CHA che chắn, xóa lỗi của con).
Trong khâu duyệt hồ sơ lý lịch, Trung ương Đoàn hẳn là nể danh ông Trịnh Xuân Giới, cố ý bỏ qua tội Thanh bỏ sinh hoạt Đoàn tới 5 năm giời (Con cái người khác thì phải kỷ luật “lên bờ xuống ruộng” và khai trừ ghi lí lịch ấy chứ).
Ở thủ đô, Thanh đã sở hữu một biệt thự ở khu đô thị Ciputra ven Hồ Tây. Cư dân của nó là giới quí tộc gốc Đảng chính quyền cấp cao và đại thương gia nước ngoài. Mỗi căn có giá trong khoảng 20 đến 40 tỷ, Thanh còn cái xe riêng 5.7 tỷ gửi tên cho tài xế mang giùm. Của chìm thì không thể biết bao nhiêu mà kể.
Ông tiến sĩ Trịnh Xuân Giới rành nghề sử học có nhận thấy qui luật “bạo phát bạo tàn” trong lịch sử chăng?
Cha có lỗi gì không ?
Có đấy ạ, đó là lỗi chuyển giao danh tiếng cho con làm tư liệu khai lí lịch cán bộ.
Chính những dòng chữ khai chức vụ & thành tích của ông Trịnh xuân Giới như trên đã khiến Ban tổ chức trung ương, Bộ công thương, Bộ Nội vụ bỏ qua thực tế rèn luyện học tập và năng lực của Thanh mà tin tưởng lập “qui hoạch” rồi ký quyết định bổ nhiệm Trịnh xuân Thanh.
Thực ra LỖI NẶNG NHẤT chính là do ở TỔ CHỨC ĐẢNG.
Ban tổ chức Đảng rất khoái bổ nhiệm những người có “lí lịch tốt”. Người có L.L tốt, được mặc nhiên hiểu rằng họ sẽ trung thành với “ông cha” họ. Đây là căn bệnh duy tâm siêu hình tệ hại và nguy hiểm của ĐẢNG CỘNG SẢN. Điều này chứng tỏ sự kém hiểu biết triết học cổ và kim. Đức Phật tổ ngày xưa đã khái quát “Thế gian vô thường”, có nghĩa, con người và vạn vật cùng thay đổi với cuộc sống liên tục. Trịnh Xuân Thanh biến đổi theo kiểu của anh ta, sao lại nghĩ anh ta “không đổi” theo kiểu TS.Trịnh Xuân Giới được? Chưa từng có ai làm nghề tuyên huấn tuyên truyền mà cho con nối nghiệp cả. Anh ta không thích làm nghề “giáo dục thanh niên” như cha. Thế thôi ! Anh ta không hứng thú với việc “cùng tổng bí thư biên soạn văn kiện Đại hội Đảng”như cha. Thế thôi! Anh ta không thích đi làm nghề “thuyết khách” theo nghiệp người cha “phó ban Dân vận trung ương”. Trịnh Xuân Thanh khoái làm ăn theo kiểu anh ta thích. Đơn giản vậy thôi ! Còn ông Trịnh Xuân Giới thì theo phương châm “Lí lịch đời bố củng cố đời con”. Nhưng cha con mỗi người mỗi khác, lí lịch thì có ích gì!
Ngày 6 tháng 9 năm 2016, Trịnh Xuân Thanh đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng (đơn chỉ là câu kết trong BÁO CÁO) cho trung ương và tỉnh ủy Hậu Giang, xong lại báo tin cho báo Thanh Niên và blog Người Buôn Gió. Lý do ra khỏi Đảng là "không còn tin vào sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư", và hiện đã trốn đi đâu không rõ, bất chấp lệnh truy nã của Bộ CA.
Thực ra, hai cha con cùng đốt sách.
Họ lại còn truyền cái gien “đốt sách” tới đời thứ 3 - TRỊNH XUÂN CƯỜNG
Lặp lại lộ trình của bố, Trịnh Xuân Cường 23 tuổi con trai ông Trịnh Xuân Thanh, cháu nội cụ Giới lại được bổ nhiệm làm Trợ lý giám đốc của Halico (tháng 10/2015) lúc mới 23 tuổi và chỉ 6 tháng sau vẫn 23 tuổi được bổ nhiệm làm phó Phòng truyền thông marketing tháng 4/2016. Đó là chuyện “con đốt sách nhanh hơn cha là nhà có phúc” rồi !
Tục ngữ ngàn xưa nói ĐỐT SÁCH ám chỉ những thế hệ con cháu đốt bỏ học vấn và lý tưởng của ông Cha và tiền bối. SÁCH trong tục ngữ là ẩn dụ, mặc định rằng đó là những điều tốt đẹp, là sách quí viết ra cho thiên hạ đọc. Tuy nhiên thực tế có nhiều loại SÁCH. Sách hay đọc thấm thía nhớ cả một đời. Sách trung bình đọc xong có thể quên. Sách xấu thì sẽ làm hại cả đời nếu không kịp nhận biết tác hại của nó mà tự gột bỏ.
Nếu ông cha để lại sách dở, vớ vẩn, vô giá trị thì con cháu đốt bỏ cũng là hợp đạo Trời.
Khó đánh giá trường hợp cá thể giáo dục Trịnh Xuân Thanh vì nó rất phức tạp. SÁCH của Dòng tộc và của người Cha có đáng để anh ta học theo không ? Anh ta đã nói KHÔNG với các di sản đó !
Luật dịch biến của họ Chúa Trịnh khởi lên từ thế kỷ 16 vẫn còn tác dụng.
Hiệu quả Giáo dục của Trịnh gia đương đại cộng thêm Giáo dục ý thức hệ giai cấp e rằng vô hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét