Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

“THẢ CHỊ ẤY RA ĐI, TÔI SẼ KÝ” (KỲ 4)

Tôi bối rối. Tôi “giải thích” với chị LTH, người bị lôi vào đồn làm nhân chứng, rằng thật lòng em có muốn mọi chuyện căng thẳng thế này đâu, đấy là do bên an ninh họ sai quá, thực chất vấn đề là họ đang muốn tìm kiếm bằng chứng để trị em thôi. Nhưng tôi cũng không muốn nói nhiều nữa, tôi đã nhũn cả người ra rồi. Cảm giác áy náy dâng lên trong lòng, và càng lúc tôi càng cảm thấy công an đã đánh trúng cái điểm mà tôi ngại nhất: Kéo những người hoàn toàn vô can, vô tội vào cuộc, để khiến mình áy náy.

Tôi hiểu, với “truyền thống” hiếu thắng và hành xử bất cần luật pháp, an ninh sẵn sàng bắt tôi ngồi đến đêm và dùng sức mạnh lấy cả 4 USB, lại làm khổ thêm một người vô can là chị LTH. Đó là điều mà chắc chắn tôi không chống lại được. Nếu họ làm ngay thì chị nhân chứng sẽ sợ chết khiếp, còn nếu họ để đến đêm mới làm, thì tức là chị ấy sẽ phải ngồi như thế tới khuya.

Tôi nhớ đến những lần bị công an bẻ tay để lấy điện thoại di động. Như hôm sinh nhật No-U lần thứ tư (30/10/2015), 6h tối, tôi đang đi bộ trên vỉa hè, đeo tai nghe, thì từ phía sau, một bàn tay nắm chặt lấy cánh tay tôi khiến tôi giật bắn mình. Quay lại, tôi tái mặt khi thấy lại chính là đồng chí an ninh thường gặp. Anh ta nói khẽ nhưng rõ từng tiếng: “Trang, anh bảo. Biết điều thì hợp tác với anh. Nhé!”. Rồi đẩy tôi lên ô-tô nhanh như chớp, giằng lấy chiếc điện thoại, mặc cho tôi trình bày: “Em có làm gì đâu, em chỉ đang nghe nhạc thôi mà”. Kệ, anh giật tung cả điện thoại lẫn tai nghe, hết luôn Mendelssohn với chả Mozart. Một lần khác, công an cũng chụp lấy tôi, giữ chặt hai tay rồi thò vào túi quần moi điện thoại di động ra. Tôi cắn môi lại vì tức – hệt như một đứa trẻ bị bắt nạt mà không làm thế nào được. Họ vỗ vai tôi, xuê xoa: “Thôi, không có gì, không có gì đâu”.

Đó là khi tôi còn chưa phải chống nạng. Còn bây giờ…

Nhân viên an ninh bước vào phòng. Tôi rút 4 USB đặt lại lên bàn:

- Thôi thế này. Các anh chị thả chị ấy ra đi, tôi sẽ nộp lại… Đây, USB đây.

- Đấy, chị cứ nhẹ nhàng như thế đi, có phải nhanh không?

- Được rồi, các anh chị gọi taxi cho chị ấy về đi rồi muốn làm gì nhau thì làm.

Chị LTH lại kêu oai oái lên, nói là sẽ tự về, không cần công an gọi taxi.

Thật khổ cho những người dân thường ở Việt Nam. Luôn luôn họ nghĩ công an đúng, dân sai. Luôn luôn họ tự đặt mình ở chiếu dưới. Khi làm vậy, họ không biết rằng chính họ đang khiến an ninh, cảnh sát càng thêm nhờn, được đằng chân lân đằng đầu.

Phải nói rằng công an Việt Nam cũng đã rất thành công trong việc cấy vào đầu người dân cái suy nghĩ “hễ cơ quan công quyền đề nghị hợp tác là phải hợp tác”, và đồng thời làm dân mất hẳn ý nghĩ “nếu thấy cơ quan công quyền sai phạm thì không những không được hợp tác mà còn phải chỉ ra cái sai và chống lại”.

Mọi chuyện sau đó diễn ra rất nhanh chóng. Tôi ký nhận hai điều: Có 4 USB trong ba-lô; trong USB có 3 tài liệu…

Bên an ninh mặt tươi như hoa. Chị LTH ra về, tôi xin lỗi rối rít. Các nhân viên an ninh cũng vậy: “Làm phiền chị quá, mong chị thông cảm”.

CÂU HỎI CHO CƠ QUAN AN NINH

Tôi cũng rời đồn, mệt mỏi, tê cả hai chân hai tay. Tôi biết, bây giờ việc mà an ninh sẽ rất vui vẻ làm là ngồi suy diễn và viết báo cáo gửi lên “trên”, trong đó, bản proposal lấy được từ 1 trong 4 chiếc USB mới là bằng chứng quan trọng để buộc tội hoặc bôi nhọ nếu cần: Vận động tài chính để xuất bản sách phản động à, chống phá à?

Các chuyên gia vẽ dự án của Bộ Công an lại sắp có cơ hội được hỗ trợ kinh phí, để đập tan âm mưu… xuất bản của bọn phản động. Nhẹ nhất là các đồng chí ấy sẽ có dịp rêu rao “bọn dân chủ xin tài trợ để viết sách”. Xin tài trợ, nhận tiền để viết sách cơ đấy, thế có chết không.

Mà phương pháp đấu tranh lại vô cùng đơn giản. Quy trình thế này: “Phản động” đang đi đường thì bắt lấy, mang về đồn, đè ra khám đồ đạc –> thu giữ USB –> in hết tài liệu trong USB ra, lôi một người dân ở ngoài vào làm nhân chứng –> đem các tài liệu đó ra suy diễn cho thành có tội. Thế là xong, làm an ninh ở xứ mình dễ thật.

Tuy thế, cũng xin nhắc cơ quan an ninh là không phải thấy “phản động” ký vậy mà dễ xơi đâu. Phiền các anh chị vận dụng trí tuệ để trả lời ít nhất hai câu hỏi không đơn giản sau: Thứ nhất, làm sao các anh chị chứng minh được 4 USB đó là USB của tôi – cho dù nó được các anh chị lấy từ ba-lô mà tôi mang trên người? Và thứ hai, tôi không hiểu các anh chị sẽ làm thế nào để chứng minh bản proposal không nhắc đến một cái tên nào kia là do tôi viết.

Còn báo cáo “Unfair Elections in Vietnam” hay những bài viết về blogger Anh Ba Sàm, thì tôi luôn xác nhận chúng là của tôi. Và nếu các anh chị định xử lý một người vì đã dám viết rằng bầu cử ở Việt Nam là phi dân chủ, rằng Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là một nhà báo yêu nước và là nạn nhân của những vi phạm nhân quyền, sai phạm tố tụng trầm trọng của công an… thì tôi rất hài lòng được các anh chị xử lý.

--------------







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét