Nói cho thẳng thắn, không ai hủy hoại hình ảnh đẹp của người công an nhân dân nhanh như cách viên cảnh sát hình sự (CSHS) huyện Đông Anh, Hà Nội đấm, đá vào phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ mà phóng viên báo Thanh Niên đã quay lại. Không ai hủy hoại hình ảnh được gây dựng qua bao năm của lực lượng công an nhanh như cách một viên CSHS khác đập thiết bị ghi hình của một người xưng là phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam.
Tất cả đều được máy quay ghi lại và chỉ người thật sự không muốn xem đó là sự thật mới có thể xảo biện, đánh tráo khái niệm để bảo vệ cho những cú đá, cú đấm "hộc máu mồm" vào người đưa tin. Các bản tin trên tờ Tuổi Trẻ và nhiều tờ báo khác đã tường thuật sau cú đấm, đá Quang Thế bị chảy máu mồm, và bị choáng váng.
Chỉ có hành xử kiểu côn đồ mới ra tay như thế nhưng cho đến nay, ngoài đội phó hình sự công an huyện Đông Anh đến văn phòng báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội xin lỗi với lời lẽ biện hộ cho rằng đó là "thái độ không đúng" do “đây là những cán bộ trẻ, có thể do bị áp lực vì lúc đang làm ở hiện trường rất đông người hiếu kỳ tụ tập xem nên hành xử không đúng”. Những biện hộ kiểu này hoàn toàn không lấy lại được hình ảnh của ngành công an mà càng làm dấy lên sự lo lắng của người dân về sự bao che cho những hành vi sai trái của một số người trong ngành.
Khi dư luận xã hội đang bức xúc bởi những hình ảnh đấm, đá nhà báo, xúc phạm quyền con người và quyền được thông tin như thế thì Phó giám đốc công an Hà Nội, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc lại mời một số tờ báo đến để phủ nhận bản chất sự việc, cho rằng đó chỉ là cái "gạt tay bị trúng má", "hành vi giơ chân đá mặc dù không đúng". Tuy nhiên các clip ghi lại được đều bẻ gãy những lời lẽ xảo biện này.
Giữa đại diện báo Tuổi Trẻ và ban giám đốc Công an Hà Nội đã có một cuộc đối thoại với sự tham gia của Hội Nhà báo Việt Nam. Trong nội dung văn bản có câu: "Không đưa tin cuộc đối thoại nội bộ", và Giám đốc công an Hà Nội, cùng Phó giám đốc đã ký với những người có mặt. Thế nhưng văn bản cuộc đối thoại này đã được báo An Ninh Thủ Đô đưa lên trang mạng của mình vào ngày 30.9.2016 với chú thích “được sự đồng ý của CATP”. Khi đã thống nhất không đưa tin nội dung cuộc đối thoại, ít nhất hãy tôn trọng lời nói đã được thống nhất, không vì bất cứ lý do gì mà phá bỏ cam kết của đôi bên. Nhưng văn bản thì công bố đơn phương, đi ngược lại những gì đã hứa.
Tuy nhiên, qua đó người dân lại biết rằng, trong văn bản ghi cuộc đối thoại này, có một đoạn phủ nhận lời lẽ của chính Đại tá Ngọc. Nó không phải là "gạt tay vào má", hay "giơ chân đá mặc dù không trúng". Nó là thế này: "Xác định đồng chí Thượng sĩ Ngô Quang Hưng, cán bộ đội CSHS có hành vi gây thương tích cho anh Trần Quang Thế". Rõ ràng nó khác xa với những gì Đại tá Ngọc nói công khai sau đó.
Dư luận và báo chí không hề có ý hạ thấp hình ảnh lực lượng công an Hà Nội, đó là một hình ảnh có bề dày lịch sử, công lớn người dân ghi nhớ, nhưng với những cá nhân hành xử kiểu côn đồ, phá hoại hình ảnh của lực lượng thì dư luận và nhân dân mong muốn lực lượng cần làm sạch để hình ảnh của mình luôn đẹp hơn trong con mắt xã hội.
Chính vì thế mà tờ Dân Việt mở một cuộc thăm dò với nội dung: "CSHS Hưng xô xát với phóng viên Quang Thế báo Tuổi Trẻ. Theo bạn, hành vi này được gọi là gì? Đấm vào mặt, Gạt trúng má, Vuốt chạm má. Khác". Đến chiều 1.10, đã có 667 phiếu tham gia thăm dò với 641 phiếu (94,40%) xác định đó là hành vi "đấm vào mặt" trong khi có 11 phiếu đánh giá: Gạt trúng má; 26 phiếu: Vuốt chạm má. Dư luận rất công bằng, và sự thật không thể bẻ cong bằng sự xảo biện.
Chỉ sự thật mới giữ được một hình ảnh đẹp vững bền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét