Chúng đã bố trí một lực lượng trên dưới 200 người gồm các loại công an chìm, nổi – CSCĐ – CSGT và đám “ quần chúng tự phát” được mướn với giá 70.000 đồng + một bữa nhậu/ 1h đồng hồ.
Chúng đã sử dụng 1 xe tư pháp loại lớn chặn phía Ngã Ba Nông Trại cùng 5-6 xe cảnh sát các loại, kèm súng ống, các loại phương tiện, công cụ hỗ trợ cho đám “ quần chúng tự phát”, xử dụng chân tay, gậy gộc và “lập công lớn” khi vô cớ chặn đường, đánh đập 21 người dân đang đi đường. Và có lẽ “công trạng” lớn nhât là chúng đã trơ trẽn dàn dựng được kịch bản mọi rợ, bất chấp để có bằng được phiên tòa ngồi xổm với bản án vô liêm sỉ cho Bùi Thị Minh Hằng, Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh mà không hề màng đến mọi sự lên án, phỉ nhổ của cả dư luận, công luận và Quốc Tế.
Sau khi đã còng hết những người đi cùng trong đoàn chúng tôi, không dám để tôi ở xe không mui vì sợ tôi lên án, tố cáo chúng trên đường đi nên chúng chuyển tôi từ chiếc xe không mui sang chiếc xe bít bùng cùng 5-6 người nữa rồi đưa chúng tôi về công an huyện Lấp Vò – Đồng Tháp.
Trên xe, ngoài tôi còn có mấy bà con Hòa Hảo là anh Long, ông Mãnh, anh Thường, chú Bửu, ông thầy năm Liêm, Thúy Quỳnh.
Tất cả đều bị đánh tơi bời. Chú Bửu không thể ngồi, mà chỉ nằm nghiêng, mặt nhăn nhúm lại vì đau đớn. Lúc đó, chúng tôi đều lo lắng . Bửu có khả năng bị thương nặng phần lưng hay gãy xương chậu.Thật dã man và tàn bạo!
Xe về đến sân công an huyện khoảng hơn 12h trưa gì đó. Họ đậu xe giữa sân, một tên trong bọn lên tiếng:” Phơi nắng chúng nó đến 3h chiều mới mở”.
Tôi, Thúy Quỳnh và mấy người đều nhóm qua thùng xe để xem tên nào ra lệnh thì được biết đó là Phạm Văn Tiền. Sau này , được nhiều tù nhân trong trại An Bình cung cấp thông tin và trực tiếp chứng kiến nhiều hành xử của viên công an này. Thực tế thì chưa đến 3h chiều như lời truyên bố của tên này. Họ chỉ phơi chúng tôi trong khoảng thời gian 1-2 xuất “Xông Hơi” và mở ra trước khi 6-7 người chúng tôi lả đi và đầm đìa mồ hôi.
Xuống đến sân và nhìn thấy tất cả mọi người cùng xe cộ được đưa về đây. Mấy người già bên PGHH và chú Bửu, thầy Năm đều bị đánh quá đau, lết khỏi xe là họ nằm vật, ngổn ngang ra đất. Đám bắt người bỏ đi ăn uống, còn những người bị bắt chúng tôi trưa đó bị họ bỏ đói , bỏ khát.
Thậm chí, tên ác ôn tên Tiền còn ngăn cản không cho chúng tôi gọi mua nước uống.
Sau khi ăn uống no say. Họ trở về và gọi chúng tôi ra “làm việc”. Trước đó, khi họ bỏ chúng tôi ngồi trong sân, tôi còn chiếc điện thoại trắng dắt trong người nên đã gọi được để thông báo cho các con tôi và người thân. Còn chiếc iphone 4s màu đen của anh bạn bên Thụy Sỹ làm quà, tôi đưa cho em Thịnh cầm lúc đổ xăng dọc đường đã bị bọn cướp cạn lấy đi mất.
Tôi bị họ đưa vào căn phòng đầu tiên của dãy nhà có lẽ thuộc đội điều tra.Quan sát quanh căn phòng, thấy ngoài bộ ghế salon gỗ đã cũ mà tôi ngồi thì trong phòng kê hai chiếc bàn làm việc
Trên mặt chiếc bàn làm việc có đặt chiếc bảng tên: Đội Trưởng Trần Giao Thông
Phía trên cao, giữa hai chiếc bàn dán dòng “khẩu hiệu”
LÀM CHO DÂN MẾN! DÂN TIN YÊU
LÀ HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI CHIẾN SỸ CÔNG AN
Tôi không thể nhớ rõ cụ thể ai là người tiếp xúc đầu tiên với tôi trong ngày “ làm việc” đó. Vì khi đó tâm trạng tôi “bàng hoàng” trước những gì diễn ra, thân xác thì đau đớn, rã rời bởi trận đòn thù của những tên vô lại cùng với hai ngày căng thẳng, lo lắng cho những người thân và cả chuyến đi sau chặng đường dài....
Về tới công an huyện Lấp Vò, còn được bao nhiêu sức lực dồn góp với những uất ức, căm giận, tôi vẫn chỉ mặt lên án những hành động côn đồ của một số tên công an của Lấp Vò- Đồng Tháp.
Tất cả những người tiếp xúc đòi “ làm việc” với tôi, đều cố tình không đeo bảng tên, thậm chí có nhiều người còn mặc thường phục. Không biết bao nhiêu lần tôi phải nói với tất cả họ rằng:
-“ Tôi cực lực lên án hành động dùng bạo lực , bất chấp pháp luật và bắt giữ người trái pháp luật của cơ quan công an ở đây.
Tôi sẽ không làm việc, hay trả lời bất cứ yêu cầu nào của các ông khi không có sự chứng kiến của luật sư tôi. Vậy tôi mong các ông hãy hiểu, tôn trọng luật pháp và không nên mất thời gian”
Xong, dù nói gì cũng chỉ là “nước đổ lá môn, nước trôi đầu vịt”. Họ làm đủ mọi thủ đoạn “ lì lợm”, để có thể hoàn thành được một cái “biên bản làm việc” theo cách chắp vá để có thể báo cáo “ đã hoàn thành nhiệm vụ”
Liên tục sau đó, họ đổi hết người này đến người khác nhưng tôi kiên định, giữ quan điểm. Ngoài thông tin in sẵn trên giấy CMND ( Chứng minh nhân dân), họ chẳng nhận thêm thông tin gì từ tôi.
Tôi thừa biết rằng: chỉ một cú điện thoại về nơi tôi cư trú, sinh sống hay một cú nhấp chuột, họ sẽ có đầy đủ “lí lịch trích ngang” về tôi. Và đó là việc họ phải làm nhằm có thông tin hay phải xác minh thông tin. Còn cái gọi là “khai báo” sẽ chỉ là “ trò vớ vẩn”. Vì sau này tôi đã chứng minh được rằng: Ngay ở tòa án là chốn “ Công Đường” , mà việc moi thông tin cá nhân, lý lịch của tôi cũng đều bị sai lệch một cách cố ý để phục vụ cho mưu đồ “Bôi đen, vẽ lọ” của họ. Đã vậy thì cứ để cho họ tự “ Vẽ”.
Trong thâm tâm tôi nghĩ chẳng nên nói bất cứ điều gì với đám người ngồi xổm và bất chấp này. Bởi đúng như câu nói:
“ Với người tri nhân, ngàn câu chưa hết ý
Với kẻ không ưa, nửa chữ cũng bằng thừa”
Hỏi mãi không có kết quả gì, họ bỏ lại tôi một mình trong phòng. Thấy chẳng có ai tôi bước ra ngoài hành lang xem bà con đi cùng ra sao. Trước sảnh cơ quan điều tra tôi thấy thầy Năm Liêm, chú Bửu đang nằm ngồi vật vờ với vài người nữa.
Nhìn quanh các lòng của dãy nhà làm việc tôi thấy bóng vài người quen cùng đi và nghe có tiếng la hét – cự cãi. Tiếng quát của viên công an nào đó “ Tao đập mày bây giờ....” Rồi tiếng một thành viên Hòa Hảo “ Tôi làm gì mà ông đòi đập hoài, nãy giờ ông đánh tui mấy lần rồi đó”
Tôi nhìn vào, hóa ra lại vẫn là cái viên công an Phạm Văn Tiền ác ôn kia.Tôi đứng ngoài hành lang nói lớn, cốt để cho nhiều người cùng nghe . Tôi nói rằng:” Công an ở đây giỏi đánh người thật, hình như họ được đào tạo cùng một lò hay sao mà quân, tướng đều giống nhau. Họ đang thực thi nhiệm vụ phản lại luật pháp- chống lại nhân dân thì phải. Không biết ở nhà họ có thường thể hiện sức mạnh đàn ông đáng xấu hổ này với vợ con và người thân họ không nhỉ?”
Nghe tôi nói vậy, nhiều ánh mắt quanh đó đều đổ dồn về phía tôi. Tên Tiền quắc mắt ( đúng hơn là cặp mắt hí của hắn giật giật và cái mỏ chuột chu nhọn lên), hắn đập bàn và hét:” Chị câm mồm, không phải việc của chị”
Tôi cười: “ Vậy ông cứ tiếp tục làm việc của của ông và đánh người tiếp đi ông công an của Đảng, ai cho ông quyền đó? Sáu điều bác hồ dạy công an nhân dân dán khắp nơi, suốt ngày vận động toàn ngành học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vậy những người như ông đã học được gì hả? – Trung với Đảng, Láo với Dân à? Ai cũng đòi đánh, đòi giết vậy lấy ai còng lưng đóng thuế nuôi các ông?
Có giỏi các ông hãy giết chết hết hay bỏ tù cả cái Dân Tộc này đi.”
Tôi làm một hơi ngay tại hành lang cho bao người cùng nghe. Thấy vậy, “ai đó” ra lệnh cho mấy người cảnh sát yêu cầu tôi vào lại căn phòng lúc nãy rồi tiếp tục cử người làm việc.
Có việc gì để làm cơ chứ? Họ đang làm những chuyện rách việc thì đúng hơn. Hết người ra, lại kẻ vào. Thây kệ họ, thích thì họ cứ hát bài “ Con kiến leo cành đa” thôi.
Tôi vừa dứt lời “ không có gì để tôi phải làm việc” với một cảnh sát, anh ta đứng lên ra trước cửa phòng thì tên ác ôn Lê Hoàng Dũng xuất hiện xông vào phòng.
Hắn ta lên tiếng từ ngoài cửa:
“Bà Hằng ơi là bà Hằng. Tại sao ở nhà ăn Tết không muốn thì bà lại muốn vào nhà giam. Tôi định cho bà ngồi tù nhưng thôi, nghĩ lại tôi để cho bà đi khám tâm thần trước đã...”
Tôi đang ngồi trên bộ ghế gỗ trong phòng của Trần Giao Thông, vừa thấy mặt và nghe giọng tên sát nhân khốn nạn kia thì lập tức máu trong người tôi sôi lên, những gì hắn nói, hắn hành động với tôi, với bao đồng bào của hắn sáng nay trong cuộc vây bắt lại hiển hiện trở về, khiến tôi không thể kiềm lòng, căm phẫn đến tột độ.
Nếu lúc đó không có 5-6 người mặc sắc phục công an đứng ngay tại cửa can ngăn, lôi tên chó đẻ đó ra và đẩy ngược tôi vào phòng thì dù biết phải chết trước sự tàn bạo , dã man, khát máu của chúng tôi cũng sẽ khạc nhổ đầy vào cái bản mặt của con chó dại mặc quân phục ngành đó.
Tôi phẫn uất gào lên, dù người tôi dướn về phía trước nhưng không thể đứng thẳng lưng tôi lạị đau nhói bởi vết đạp trên lưng bằng chính gót giày của tên ác ôn vô nhân tính đó ( Lê Hoàng Dũng). Tôi trút hết căm hờn, phẫn nộ
“ Thằng khốn nạn Lê Hoàng Dũng kia, con chó dại khát máu kia, mày đừng có mở mồm phun máu dại, đồ dơ, khí thải ra đó nữa. Mày là loại súc sinh, súc vật. Mày đừng tưởng mày hả hê khi đánh đập được một người phụ nữ tay không như tao. Mày đừng tưởng mày lợi dụng bộ quân phục ngành để mày làm giặc, chà đạp lên tất cả. Mày là loại mặc váy. Mày đã sỉ nhục cái danh xưng CAND. Hãy trả lại hai chữ Nhân Dân cho chúng tao.Mày là thằng mặt trắng, môi thâm tàn ác, ác ôn, đoản hậu. Những gì mày làm chính là mày đang ‘phô diễn’ bản chất mọi rợ của mày đấy. Mày có thể đánh chết được tao thì hãy đánh đi, còn không thì mày hãy lo mà đào hố sẵn để chôn chung cả nhà mày. Tao dù có chết cũng nguyền rủa loại người súc sinh, súc vật như mày.”
Hắn lông lộn như con thú bị thương và có lẽ phần lớn là ô nhục trước những thuộc cấp đang giang tay cản hắn lại.
Tôi lúc đấy cũng “lồng lộn” như nhảy vào lửa. Tâm trạng tôi bừng bừng những đau đớn, uất ức trước những gì tên khốn và đám người phục kích gây ra. Giá như lúc ấy tôi có thể “Tự Do” tay đôi,tự tay cào xé con chó dại đó cho đến lúc dù bị nó cắn chết tôi cũng chấp nhận để có thể “trút giận”.
Tôi quan sát thấy dường như những công an có mặt và can ngăn tôi với tên Lê Hoàng Dũng lúc đó đều có chút gì “cảm thông” trước sự nổi giận của tôi. Bởi tôi tin, hơn ai hết họ hiểu bản chất con người Lê Hoàng Dũng và chính họ chứng kiến toàn bộ những bí mật sự thật về vụ bắt người này.
Trong hơn hai ngày tôi bị giam giữ tại công an huyện Lấp Vò- Đồng Tháp, đã không ít lần tôi ghi nhận những ánh mắt, cử chỉ, lời nói của một số công an trẻ ở đây. Họ “ngấm ngầm” ủng hộ sự nổi giận của tôi.
Đổi hết người này sang người khác, tôi vẫn không chấp nhận cái trò “làm việc”.
Họ bắt đầu “ chơi chiêu trò” để lấy thông tin.Trong khi tôi đang ngồi nhắm mắt, đọc kinh trong căn phòng họ để tôi một mình thì thấy một người mặc thường phục khoảng ngoài 30 tuổi bước vào. Tôi không mở mắt ra nhưng nghe thấy tiếng anh ta đi vào và ngồi ngay đối diện tôi bên phía hai chiếc ghế rồi anh ta gọi: Chị Hằng ơi! Em là Tâm, chị cho em nói chuyện một chút.”
CÒN TIẾP KỲ SAU:
“Nói chuyện cùng chú Tâm”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét