Ba người phụ nữ Bình Thuận vượt biên lần hai đang lưu trú tại Indonesia và đang trong quá trình xin quy chế tỵ nạn, BBC được biết sau khi trao đổi với họ hôm 4/4.
Đoàn đã có buổi phỏng vấn đầu tiên hôm 20 và 21/3 và được cấp quy chế xin tỵ nạn 'asylum seeker'.
Lênh đênh trên biển và đất liền
Bà Lụa cho biết đoàn gồm 18 người, sáu người lớn và 12 trẻ em, rời vùng biển Bình Thuận trên một chiếc thuyền gỗ nhỏ hôm 30/1.
Đoàn đã đi được 12 ngày thì động cơ hư nặng, thuyền đập vào ghềnh đá dọc bờ biển Java, Indonesia.
Sau đó họ được người dân địa phương và cảnh sát Indonesia đưa vào bờ.
Ngay trong đêm, đoàn thuyền nhân được đưa đến một trại tỵ nạn trong khi chính phủ Indonesia tiến hành thủ tục trả họ về Việt Nam.
Tại đây, bà Lụa cho biết họ đã liên lạc với nhà bảo trợ hảo tâm người Úc, bà Shira Sebban và nhà hoạt động nhân quyền Grace Bùi nhờ giúp đỡ.
Bà Grace Bùi cho BBC biết chính quyền Indonesia tính trả nhóm vượt biên về Việt Nam vì họ không phải người tỵ nạn nên không thể ở lại trại, họ cũng không thể vào tù vì họ không phạm tội.
Nhưng đoàn đã xin ở lại cho đến khi họ được gặp đại diện của Liên Hiệp Quốc.
Đoàn được ở tại một khách sạn nhỏ cho đến khi Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đứng ra hỗ trợ chuyển họ đến trung tâm tỵ nạn Hồi giáo, cũng là nơi gia đình này sinh sống phần lớn trong thời gian qua.
Bà Lụa cho biết trung tâm Hồi giáo nơi họ đang ở rất rộng rãi và sạch sẽ, được ăn uống đầy đủ tuy bị giám sát và không được phép ra ngoài. Các sơ và mạnh thường quân tại nhà thờ công giáo địa phương cũng hay cho quần áo và đồ ăn.
"Cuộc sống khá thoải mái," bà Bùi nhận xét sau khi đến thăm ba gia đình vào tháng 2.
'Việt Nam rất tốt'
Bà Grace Bùi cũng cho biết hôm bà đến thăm đoàn thuyền nhân, người của bên sở di trú Indonesia đã nhờ bà khuyên đoàn quay trở lại Việt Nam.
"Người đàn ông này nói những người này nên về Việt Nam đi, vì Việt Nam rất tốt và sẽ không trừng phạt họ," bà Grace Bùi nói.
Sau khi nghe thấy thế, "Tụi tôi quỳ xuống xin họ đừng trả tụi tôi về Việt Nam. Tụi tôi có chết chứ không quay lại Việt Nam," bà Lụa kể.
Chồng của bà Loan, ông Hồ Trung Lợi vẫn đang thụ án 24 tháng ở Việt Nam vì tội tổ chức vượt biên hồi năm 2015, đến tháng 4/2017 sẽ hết hạn tù.
Đoàn người vượt biên gồm 18 người với 6 người lớn và 12 trẻ em hiện đang tạm trú tại một trung tâm tỵ nạn ở IndonesiaBản quyền hình ảnhGRACE BUI
Bà Trần Thị Lụa cho biết trung tâm Hồi giáo nơi họ đang ở rất rộng rãi và sạch sẽ, được ăn uống đầy đủ tuy bị giám sát và không được phép ra ngoài
'7 đến 10 năm tù hoặc tự tử'
Trao đổi với BBC, luật sư của ba gia đình này, ông Võ An Đôn cho biết họ liên lạc với ông hôm họ đang trên biển vượt biên qua Úc lần hai.
"Thoạt nghe thì tôi hơi bị sốc và có nói lại với họ rằng nếu bị phía Úc trả về thì họ sẽ đối mặt với bản án cũ và mới từ 7 đến 10 năm tù," ông nói.
"Nhưng qua điện thoại, hai bà ấy nói rằng nếu lần vượt biên này chính phủ Úc không nhận mà trả về nước thì họ thề sẽ nhảy xuống biển tự tử, chứ không bao giờ chịu trở về Việt Nam lần thứ hai," ông nói thêm.
Bà Sebban, một nhà báo và giáo sư Úc tại Sydney nói:
"Tôi đã cầu xin họ đừng trở lại Úc bằng thuyền nữa. Tôi đã cảnh báo họ về về an ninh biên giới nghiêm ngặt của nước tôi."
Được hoãn thi hành án
Tháng 9/2016, bà Trần Thị Lụa bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên phạt 30 tháng tù giam trong phiên phúc thẩm về tội tổ chức vượt biên hồi tháng 7/2015.
Thời điểm đó, bà Lụa được tin là có chồng đi đánh bắt cá biển bị Indonesia bắt giam.
Trong một phiên tòa khác hồi tháng 4/2016, bà Trần Thị Thanh Loan bị tuyên phạt 36 tháng tù giam.
Cả hai bà Lụa và Loan đều được hoãn chấp hành hình phạt tù đến tháng 7/2017 "vì lý do nuôi con nhỏ và có chồng đi tù".
"Ngày nào chúng tôi cũng cầu nguyện, để được quy chế tỵ nạn. Chúng tôi thà chết chứ không về Việt Nam," bà Phúc nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét