Kính Hòa, phóng viên RFA
Người dân quay phim biểu tình phản đối Formosa ở Hà Nội ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Công an muốn tăng sức mạnh bằng nhiều luật mới
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
Đầu tháng tư năm 2017, Bộ công an Việt Nam đề nghị một dự luật liên quan đến các thiết bị định vị, quay phim chụp ảnh, trong đó có điều ghi rằng cấm sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều người đang cho rằng dự luật này sẽ cản trở việc tác nghiệp của giới báo chí, cũng như sự giám sát của dân chúng đối với cơ quan nhà nước, đặc biệt là bộ công an.
Liệu có cấm được quay phim và chụp ảnh?
Nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất sống tại Đà Nẵng cho rằng dự luật này của ngành công an là không thể thực hiện được:
“Tôi cũng không hiểu sao ngày người ta càng nghĩ ra những dự định, những dự luật, mà nó rất buồn cười, bịt miệng và che mắt dân. Cứ cho là anh ban hành được đi, thì nó cũng chẳng bao giờ có hiệu quả cả, cũng không thể thực hiện được. Ví dụ như là bây giờ chụp ảnh có cần máy ảnh đâu. Bây giờ ai cũng có iphone cả thì làm sao mà giám sát để tôi không chụp ảnh không ghi âm được.”
Bộ công an là một bộ rất chuyên chế, duy ý chí, và mang tâm lý đối phó sự việc, và đối đầu với người dân.
Ông Phạm Chí Dũng
Ông Trương Duy Nhất cũng nhắc lại một dự luật tương tự từng được bộ công an đưa ra nhưng bị chỉ trích và phải rút lại.
Ông Phạm Chí Dũng, nhà báo tự do sống tại Sài Gòn, từng được đào tạo làm nhân viên của cơ quan an ninh, nói với chúng tôi rằng vào năm 2014, một dự luật với ý định tăng quyền lực cho cơ quan công an cấp xã cũng bị rút lại.
Nhưng tại sao bây giờ bộ công an lại đưa ra một dự luật tương tự?
Ông Phạm Chí Dũng cho rằng:
“Bộ công an là một bộ rất chuyên chế, duy ý chí, và mang tâm lý đối phó sự việc, và đối đầu với người dân. Thành ra làm cho họ đưa ra những bộ luật chắp vá, ví dụ như cấm người dân quay phim chụp ảnh. Nói chung là họ sợ, họ sợ mạng xã hội. Mà mạng xã hội bây giờ phát triển ghê gớm, chỉ cần quay phim chụp ảnh chút xíu là đưa được lên mạng xã hội. Những lực lượng sờ sờ ngoài đường, những lực lượng làm ảnh hưởng nhất đến hình ảnh bộ công an, là cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, đặc biệt là cảnh sát giao thông, với tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, ăn hối lộ, mãi lộ, của cảnh sát giao thông đã làm ô uế cả ngành công an. Có lẽ là chính cảnh sát giao thông đã đưa ra cái đề nghị cấm người dân quay phim chụp hình.”
Một nhà báo tự do khác sống ở Bình Dương là ông Nguyễn Thiện Nhân cũng có ý kiến tương đồng với ông Phạm Chí Dũng. Ông Nhân là người hay chứng kiến các cuộc biểu tình của công nhân tại các khu công nghiệp phía Nam, hình ảnh xung đột giữa lực lượng công an và dân chúng.
“Công an thì họ muốn thuận tiện ngành của họ, cho công việc của họ, và họ không muốn người dân quay được những cảnh mà lực lượng công an làm những điều xấu xa. Họ không muốn đưa những hình ảnh đó lên công luận. Khi việc xảy ra có liên quan đến uy tín của ngành công an, uy tín của chính quyền thì công an bênh vực cho người trong ngành của họ, và đưa thông tin một chiều để kết tội người dân. Nếu như công dân được phép quay phim thì sẽ vạch trần sự dối trá này. Cho nên họ muốn cấm điều đó.”
Tính chất của ngành công an
<= Công an khoát tay không cho chụp ảnh. Ảnh minh họa. AFP photo
Đồng ý với ông Phạm Chí Dũng rằng mạng xã hội, với những video, hình ảnh âm thanh, đã khiến cho chính quyền Việt Nam điều chỉnh những việc làm sai của mình, nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân nói thêm là những sai lầm đó không bao giờ được cơ quan nhà nước hay công an thừa nhận, mà chỉ nói với nhau trong những cuộc họp nội bộ mà thôi. Còn ông Phạm Chí Dũng thì cho rằng tính cách chuyên chế của ngành công an chưa bao giờ bị giảm sút:
“Theo tôi thì chưa có dấu hiệu nào là quyền lực chuyên chế của bộ công an bị hạn chế. Thậm chí nó ngày càng bành trướng và phát triển ra hơn. Nếu có điều kiện thì phát triển ngay. Ví dụ như hồi trước ít có chuyện công an đánh đập người dân công nhiên ở ngoài đường. Nhưng càng về sau này thì hiện tượng đó xảy ra ngày càng nhiều, ngày càng lộ liễu, ngày càng thách thức.”
Ông Phạm Chí Dũng dẫn chứng thêm những trường hợp người dân bị chết trong đồn công an, hoặc những người hoạt động dân sự và dân quyền bị đàn áp.
Bộ công an hay các cơ quan tương tự trong các thể chế độc đảng do đảng cộng sản lãnh đạo, là rất quan trọng. Cơ quan công an và an ninh đó không chỉ được xem là để đối phó với gián điệp nước ngoài mà còn được dùng như một công cụ đàn áp để thực hiện những cuộc đấu tranh giai cấp theo lý thuyết cộng sản.
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, nhà văn Thùy Linh hiện sống ở Hà Nội, cũng từng được đào tạo làm nhân viên an ninh nói về vai trò của ngành công an trong xã hội Việt Nam nói riêng, và xã hội cộng sản nói chung rằng cơ quan công an rất có quyền lực và không bị phán xét.
Bức xúc trong xã hội đang lên đến đỉnh điểm, mà luật này được thông qua thì giống như đổ dầu vô lửa, gia tăng sự mâu thuẫn giữa công an và người dân...
- Ông Nguyễn Thiện Nhân
Theo một nghiên cứu về xã hội Đông Đức trước khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, thì cứ tám người dân thì có 1 người làm việc hoặc hợp tác với bộ máy công an của nước này.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu mới đây của ông Carl Thayer, một chuyên gia người Úc về Việt Nam thì vào năm 2014 có thể có đến hơn 11% số người Việt trong độ tuổi lao động có làm việc hoặc hợp tác với ngành công an.
Số người này bao gồm những người trong biên chế chính thức của ngành công an, lẫn những lực lượng bán chuyên nghiệp ở cấp phường xã.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, nhà báo tự do ở Bình Dương nói suy nghĩ của mình nếu dự luật cấm quay phim chụp ảnh được thông qua:
“Nếu luật đó được thông qua thì sẽ gia tăng sự căng thẳng giữa người dân và lực lượng công an. Bức xúc trong xã hội đang lên đến đỉnh điểm, mà luật này được thông qua thì giống như đổ dầu vô lửa, gia tăng sự mâu thuẫn giữa công an và người dân, từ đó dẫn tới những sự việc có thể nói là bạo động.”
Tuy nhiên có một chỉ dấu cho thấy đã có sự không đồng tình với những dự luật do ngành công an đưa ra ngay trong nội bộ đảng cầm quyền. Ngày 12 tháng tư, ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ chính trị của đảng cộng sản có nói với báo chí rằng ông và cơ quan mà ông đang đứng đầu là Mặt trận tổ quốc, sẽ có kiến nghị với chính phủ về dự luật của bộ công an. Đồng thời ông dẫn ra một ví dụ về sự lạm quyền vừa xảy ra ở Hoa Kỳ, theo đó những hình ảnh và âm thanh do người dân thực hiện đã có tác dụng lớn chống lại sự lạm quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét