Đào Đức Thông
(VNTB) - Khi đối mặt với các thế lực bảo thủ thâm
căn cố đế, người dân sẽ có xu hướng tạo lập cân bằng bằng bạo lực, nền chính trị
của ông Chung hẳn cũng sẽ đến lúc nhờ đến một ai đó "tháo ngòi nổ"
cho chính mình.
Bản chất chính trị của vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức,
Hà Nội đã không còn là vấn đề đất đai.
Nhìn chung vụ bắt giữ CSCĐ của dân thôn Đồng Tâm có
bài bản, lớp lang đã chuyển các cuộc phản ứng về chính sách đất đai thành xung
đột giữa chính quyền với người dân.
Bạo lực được tổ chức thành bạo lực quần chúng để cân
bằng với quyền lực có trong tay luật pháp và sức mạnh trấn áp. Người dân bắt
các CSCĐ như con tin để tiếng nói của mình được lắng nghe, yêu cầu thương lượng
của mình trở nên cân bằng.
Từ Tiên Lãng đến Mỹ Đức, người dân đã sử dụng bạo lực
ở một mức độ cao hơn về tổ chức và tác động. Đó là một thực tế nguy hiểm, khi
nó cổ vũ cho phương pháp biến đổi xã hội bằng bạo lực. Nhất là nó cho thấy hiệu
quả của các biện pháp cách mạng và khủng bố.
Vụ việc Đồng Tâm tại thời điểm này không còn dừng ở
việc soi xét phản ứng của dân thôn Đồng Tâm. Người ta đang theo hành động của
ông chủ tịch trẻ Nguyễn Đức Chung, người ta kỳ vọng tìm thấy đòi hỏi đổi mới
chính sách đất đai có được những đột phá.
Vị tướng công an hoá thân vào vị trí chủ tịch thủ
đô, lại là một chủ tịch trẻ, dường như hội tụ các đặc tính quyền lực của các
nhân vật chính trị mới.
Theo vậy, nhìn vào cách sử dụng quyền lực của ông
Chung người ta có thể đánh giá cách thức mà chính quyền của các nhân vật mới
này giải quyết các xung đột với người dân. Chưa kể nhìn vào những nhân vật trẻ
như ông Chung người dân kì vọng đến những đột phá cải cách vốn đang cạn kiệt dần
năng lượng.
Nhưng ông Chung không có thiên hướng tìm kiếm các cải
cách. Vì vậy ông chỉ đến đối thoại với người dân từ những đòi hỏi trị an. Ông
đã bỏ lỡ cơ hội gắn các phản ứng của người dân vào bối cảnh chung của chính
sách đất đai. Bản lĩnh của một đảng viên làm công tác dân vận dễ dàng nhìn thấy
tương quan bất đối xứng trong hành xử giữa quyền lực nhà nước và dân thôn. Họ
phải tiến hành tổ chức lại quần chúng và bắt giữ các CSCĐ để tạo lập vị thế cân
bằng hơn trước các lực lượng sức mạnh. Ông Chung đã bỏ mất cách thức để tìm thấy
những chính sách sai lầm là ngọn nguồn cho hành động bạo lực của người dân.
Cũng như ông đã không thể có dũng khí đẩy cuộc xung đột khỏi các giới hạn thuộc
về trị an, bằng cách nhìn ra mối liên hệ giữa các quan điểm bảo thủ và cấp độ bạo
lực của các phản ứng về chính sách đất đai.
Trận đánh đẹp của ông Chung ở thời điểm này không
còn như của tướng Đỗ Hữu Ca trong vụ Tiên Lãng.
Những cản trở của chính sách đất đai hiện thời đang
được chính những nhà quản trị quốc gia viện dẫn làm nguyên nhân lý giải nhịp điệu
tăng trưởng đang chậm lại. Các quan điểm bảo thủ trong đảng dường như trình diện
đầy đủ trong hệ hống chính sách đất đai hiện thời. Đó là một thành trì bảo thủ
mà ông Chung sẽ đối diện trong việc cải tạo bộ mặt thủ đô.
Ông Nguyễn Đức Chung thực sự đã bỏ lỡ cơ hội trở
thành nhà lãnh đạo hàng đầu của không gian đổi mới.
Không chỉ một mình ông Chung, sau đại hội đảng hình
thành một thế hệ lãnh đạo được tin là sẽ có nhiều mới mẻ. Năm đầu nhiệm kỳ, dường
như những nhân vật trẻ trung ấy cũng chỉ ngoan ngoãn diễn cảm những cụm từ có sẵn.
Khi đối mặt với các thế lực bảo thủ thâm căn cố đế,
người dân sẽ có xu hướng tạo lập cân bằng bằng bạo lực, nền chính trị của ông
Chung hẳn cũng sẽ đến lúc nhờ đến một ai đó "tháo ngòi nổ" cho chính
mình.
Người sai phạm ở đây là người dân Đồng Tâm nên việc sử dụng pháp luật để xử lí là đúng chứ sao? Mà trên thực tế thì cách xử lí giải quyết của ông Chung và chính quyền hà nội rất mềm mỏng rồi, đã rất nhẹ tay với người dân Đồng Tâm rồi. Vây thì cái gọi là bạo lực ở chỗ nào vậy?
Trả lờiXóa