Tú Anh
Vị trí quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ của tạp chí National Geographic, với tên gọi "Tây Sa-Xisha" theo Trung Quốc.
Họp tại Manila tuần này, lãnh đạo 10 thành viên ASEAN thảo luận về khả năng hợp tác trong hoà bình tại Biển Đông. Mục tiêu của các nước Đông Nam Á là hoàn tất bộ Quy Tắc Ứng Xử COC từ năm 2018, để phòng ngừa xung đột giữa các bên tranh chấp. Tuy nhiên, do Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích vùng biển chiến lược và nhiều tài nguyên này, COC sẽ làm Việt Nam thiệt hại nhiều nhất, đặc biệt là sẽ mất vĩnh viễn Hoàng Sa, theo nhận định của một số chuyên gia.
Trong bài phân tích về cố gắng dài hơi của ASEAN nhằm tránh xảy ra chiến tranh tại Biển Đông và bảo vệ chủ quyền trước tham vọng biển đảo của Trung Quốc tạp chí kinh tế Mỹ Forbes tỏ ra bi quan cho Việt Nam.
Từ nay đến tháng 06/2017, ASEAN và Trung Quốc, theo dự kiến, sẽ đạt được một thỏa thuận khung về bộ Quy Tắc Ứng Xử COC để được ký kết vào cuối năm hay vào năm 2018. Theo các nhà phân tích thì bộ quy tắc này sẽ có lợi cho ASEAN nếu phủ nhận đường « 9 đoạn » của Trung Quốc, bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải. Tính kế lâu dài,Việt Nam muốn quần đảo Hoàng Sa cũng phải được nằm trong quy định của COC.
Tháng 7/2016, theo yêu cầu phân xử của Philippines, Tòa Trọng Tài La Haye đã phủ nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên một số đảo trong vùng Trường Sa.Thế nhưng, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này và càng không có lý do gì để nhượng bộ ASEAN, chấp nhận quy tắc ứng xử COC ở Hoàng Sa.
Do vậy, một khi ASEAN ký với Trung Quốc thỏa thuận COC thì Việt Nam sẽ là nước bị thiệt hại nhiều nhất : mất hẳn quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đã không để cho tàu chiến, tàu cá của bất cứ nước nào lai vãng đến Hoàng Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam, sau một trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hoà, vào đầu năm 1974.
Từ đó đến nay, cho dù chính phủ Việt Nam thống nhất vẫn khẳng định chủ quyền, nhưng Trung Quốc từng bước lấn chiếm Biển Đông xuống tận Trường Sa, xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự.
Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia quốc phòng Úc, không một nước ASEAN nào đủ sức « trục xuất » Trung Quốc ra khỏi Hoàng Sa. Bốn ngày họp tại Philippines, cho đến thứ Bảy, cho dù Việt Nam có muốn đưa Hoàng Sa vào COC cũng khó mà làm được vì ASEAN chia rẽ. Trong ASEAN, Trung Quốc mua chuộc được Cam Bốt và Lào. Dùng vũ khí kinh tế và đầu tư, Bắc Kinh thuyết phục được Manila để tranh chấp chủ quyền qua một bên.
Cũng theo giáo sư Carl Thayer, chuyện gọi là « khả thi » nhất mà Hà Nội có thể làm được là đưa hồ sơ Hoàng Sa ra Tòa Trọng Tài La Haye. Tuy nhiên, cho dù dân chúng Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông, nhưng Hà Nội lại thảo luận vấn đề xung khắc với Bắc Kinh ngoài khuôn khổ ASEAN để được những lợi ích về thương mại và lượng du khách Trung Quốc.
Một khi Hoàng Sa bị loại ra khỏi COC thì Trung Quốc tha hồ củng cố « chủ quyền » sau khi đã xây một thành phố nhỏ trên đảo Phú Lâm và căn cứ quân sự, trong thế cô đơn của Việt Nam.
Chuyên gia Collin Koh, đại học Nam Dương ở Singapore đoán chắc là « không một thành viên ASEAN nào ủng hộ lập trường Việt Nam » vì họ xem Hoàng Sa là « yếu tố phiền toái vô ích ».
Để vuốt ve ASEAN, Trung Quốc đem viện trợ và đầu tư ra làm bửu bối. Áp lực duy nhất mà Bắc Kinh phải đối đầu là chính phủ Hoa Kỳ, theo nhận định của Forbes trong bài « Việt Nam sẽ mất nhiều nhất vì bộ Quy Tắc Ứng Xử COC ở Biển Đông ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét