Thảo Vy
(VNTB) - Trường hợp ông Võ Kim Cự, xét theo Luật Tổ
chức Quốc hội, ông Cự phải bị bãi nhiệm (Điều 40), chứ không thể là “thôi nhiệm
vụ - nghỉ hưu”, vì trong 102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội, không hề có nội
dung nào về “tuổi nghỉ hưu” hay "thôi nhiệm vụ" của đại biểu Quốc hội.
Bản tin trên báo điện tử Zing ngày 28-4-2017, cho biết
với lời dẫn trực tiếp phát ngôn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân vào sáng 28-4 trong
buổi tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ): “Ban Bí thư chỉ đạo Quốc hội
phải làm thủ tục cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và Chính phủ làm thủ tục
cho nghỉ hưu đối với ông Võ Kim Cự, vì đã đến tuổi nghỉ hưu. “Có nghĩa là nghỉ
hưu là hết chức. Chức trong quá khứ là cắt, chức hiện tại là thôi thì có nghĩa
không còn gì nữa”, Chủ tịch Quốc hội giải thích”
[http://news.zing.vn/se-lam-thu-tuc-cho-nghi-huu-doi-voi-ong-vo-kim-cu-post741896.html]
Điều 40 của Luật Tổ chức Quốc hội có nội dung như
sau: “Điều 40. Việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội: 1. Đại biểu Quốc hội không còn
xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải
được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. 3.
Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến
hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định”.
Trước đó, ông Cự bị Ban Bí thư xử lý kỷ luật vì những
vi phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án Formosa tại Hà Tĩnh. Theo Ban Bí thư,
ông Cự bị cách hết các chức vụ trước đó, chỉ còn chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp
tác xã Việt Nam do không có sai phạm trong giai đoạn này. Do các sai phạm liên
quan dự án Formosa đã không được khởi tố, nên cho đến thời điểm hiện tại, nếu bị
bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội thì ông Võ Kim Cự vẫn không phải đối mặt với
chuyện tù tội, mặc dù các sai phạm của ông trong dự án Formosa Hà Tĩnh đã gây hậu
quả nghiêm trọng, và cho đến nay hậu quả này vẫn trong thời gian khắc phục.
Trở lại với việc ông Võ Kim Cự bị Ban Bí thư kỷ luật
cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 –
2015, bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân
tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định.
Câu hỏi đặt ra: ông Võ Kim Cự có “động cơ” gì khi phạm
hàng loạt sai phạm như đã nêu ấy của Ban Bí thư? Có hay chăng vấn đề đưa và nhận
hối lộ trong vụ việc này? Bởi không thể vì lý do “trải thảm mời đầu tư”, mà ông
Cự đã vượt rào khi cam kết ưu đãi với Formosa hàng loạt nội dung khiến ngân sách
bị thất thu, môi sinh ở Hà Tĩnh bị hủy diệt: “Khi dự án đi vào hoạt động, UBND
tỉnh sẽ trình Thủ tướng xem xét cho hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
10% (Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 quy định là 25% - PV) trong suốt thời
gian thực hiện dự án”.
Ông Cự còn có cam kết khác là “trong quá trình hoạt
động, sau khi quyết toán thuế với cơ quan thuế, nếu bị lỗ, doanh nghiệp được
chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế, thời gian
chuyển lỗ không quá 5 năm”. Rồi cam kết cho miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết
bị và phương tiện vận tải..., rồi được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm kể từ
khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, linh kiện và bán thành phẩm
phải nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được.
Đến ngày 18-7-2013, ông Võ Kim Cự trên cương vị chủ
tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý chủ trương cho phép bổ sung quy hoạch xây dựng
tuyến ống xả nước thải ra biển, mặc dù thời điểm này báo cáo đánh giá tác động
môi trường đầu tiên chưa điều chỉnh, chưa thay đổi việc xả thải từ sông Quyền
ra biển. Mãi đến ngày 26-8-2013, tức là hơn một tháng sau khi ông Cự đồng ý chủ
trương trên, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) mới có văn bản chấp thuận điều chỉnh
báo cáo đánh giá tác động môi trường, cho phép Formosa xả thải ra biển.
Và giờ thì như thông báo của bà Chủ tịch Quốc hội,
ông Võ Kim Cự chỉ phải “thôi nhiệm vụ” để “nghỉ hưu”. Phải chăng ai đó ngại rằng
trạng chết thì chúa cũng băng hà?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét