Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Đồng Tâm: Chuyện gì thực sự đã xảy ra?

Kính Hòa, RFA


Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã có mặt bên trong hội trường UBND xã Đồng Tâm sáng thứ Bảy 22/4/2017 để bắt đầu đối thoại với người dân.


Bài học Đồng Tâm và báo chí

Cuộc khủng hoảng đất đai và cầm giữ con tin tạm thời được giải quyết sau cuộc gặp mặt thành công giữa ông Chủ tịch thành phố Hà Nội và nông dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm.

Báo chí nhà nước trích lời các quan chức trong Nam, ngoài Bắc về bài học Đồng Tâm.

Blogger, cư dân mạng xã hội cũng nói về bài học Đồng Tâm.

Blogger Đoan Trang quan sát thấy có những điều tích cực mà cô gọi là những điều vui sau cuộc khủng hoảng Đồng Tâm:

“Điều thứ nhất là đã không có thêm bạo lực và đổ máu.

Điều thứ hai là tạo nên một tiền lệ cho những cuộc đối thoại về sau.

Điều thứ ba là thay đổi suy nghĩ của nhiều người rằng công an và chính quyền cũng có thể sai, và người dân lúc nào cũng phải được bảo vệ.

Điều thứ tư là nếu công an không tiếp tay cho chính quyền và doanh nghiệp làm điều sai thì họ chẳng bao giờ bị dân chúng phản ứng bằng cách bắt giữ.”

Ngoài ra Đoan Trang còn nêu lên những chia rẽ trong xã hội Việt Nam hiện tại lộ ra sau sự kiện Đồng Tâm, đó là sự chia rẽ giữa dân và chính quyền, sự chia rẽ của báo chí, thậm chí là sự chia rẽ trong quan niệm đấu tranh của những người muốn thay đổi xã hội Việt Nam theo hướng tốt hơn.

Riêng về báo chí, Đoan Trang nhận xét rằng:

“Một trong các chức năng nguyên thủy của báo chí là giám sát, phản biện chính quyền. Trong trường hợp phải lựa chọn giữa bảo vệ nhân quyền và bảo vệ chế độ, báo chí phải đứng về phía dân, đặc biệt là về phía đám đông thầm lặng, người yếu thế, hay nói đơn giản: Vì dân, không vì cường quyền. Nếu suy nghĩ một cách tiêu cực, có thể hiểu đó là sự dân túy, nhưng một cách tích cực thì nên hiểu đó là công lý.”

Theo Đoan Trang, yếu kém của báo chí thể hiện rõ trong những bài họ mô tả cảnh ông Chung về làng để nói chuyện với dân. Theo cô chuyện một quan chức như ông Chung xuống làng để nói chuyện là một điều hết sức bình thường:

“Song dân chúng đã đón chào ông Chung như đón chào một ông tiên về làng.

Ở dân, điều ấy không đáng trách. Nó chỉ cho thấy dân Việt Nam quá khổ, khi mà hàng chục, hàng trăm năm nay họ đều phải cam phận sống như tầng lớp dưới của chính quyền, không hề có ý thức về sự bình đẳng giữa các công dân, về nghĩa vụ của quan chức với dân…

Ở báo chí – lực lượng luôn tưởng mình đi đầu trong công cuộc khai dân trí – sự tán dương ấy dành cho ông Chung mới là điều đáng ngại.”

Cùng thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, tại Mỹ có chuyện một bác sĩ người Mỹ gốc Việt bị hãng hàng không lôi khỏi máy bay một cách thô bạo, và báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin ấy, Nhà báo Nguyễn Thông viết trên blog:

“Thấy bên Mỹ có ông bác sĩ gốc Việt tên Đào bị đuổi ra khỏi máy bay Mỹ, gớm, cả nước cứ ồn lên, cực lực lên án như chính mình vừa bị đuổi khỏi máy bay của Vietnam Airlines. Vậy nhưng cả một xã Đồng Tâm ngay sát nách thủ đô vùng dậy đòi đất (đất với họ là sự sống) thì hầu hết lại chiêm quan một cách rất thờ ơ, thậm chí không biết.”

Sự thờ ơ của báo chí, được blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh đặt câu hỏi phải chăng họ đang sống trong một màn sương mù:

“Chưa thấy có bài báo nào phỏng vấn các nhân vật bị tạm giữ ở Đồng Tâm về những ngày họ mang giáp, cầm dùi cui hừng hực khí thế xông vào làng cho đến lúc thảnh thơi ra về, dĩ nhiên là với một nội dung phi tuyên truyền, để mọi người hiểu thêm về con người làng Hoành.

Cũng không có bài báo nào phỏng vấn 15 người nông dân qua những ngày bị bắt, bị cưỡng bức ra khỏi làng của mình, mở đầu cho cuộc khủng hoảng.

Có thể báo chí giờ đây quá trẻ con để có thể làm được những điều vừa sức như vậy, nhưng cũng có thể báo chí đã bị bóp nặn thành những đứa trẻ, chỉ thích ăn kẹo và hân hoan vui đùa trong cuộc sống mờ mờ sương mù.”

Cũng cần phải nói thêm là bên cạnh sự thờ ơ như Nguyễn Thông đề cập, trước khi vụ khủng hoảng được giải quyết, một số tờ báo còn lên tiếng chỉ trích các luật sư, những người giữ kênh liên lạc duy nhất trong những ngày đầu căng thẳng của cuộc khủng hoảng, nói họ là những người cơ hội chính trị. Một trong những luật sư đó là ông Lê Luân:

“Chính trị, nếu có một cơ hội cho tôi, hoặc bất kỳ một ai khác để thực hiện, cũng chẳng phiền hà gì, tôi sẽ nắm lấy một cách chính đáng để có vị thế mà thay đổi đất nước này.

Và do đó, sẽ không còn câu chuyện độc quyền chính trị cho bất kỳ tổ chức hay đảng phái nào nắm trọn và loại trừ phần còn lại, sẽ không còn đất đai là sở hữu toàn dân, sẽ không còn những sự việc rúng động đầy bi thương và phẫn uất tương tự như đã xảy ra ở Đồng Tâm, Văn Giang hay Tiên Lãng,...”

Ai thắng ai thua? Chuyện gì thực sự đã xảy ra?

Sau khi vụ Đồng Tâm được tạm thời giải quyết, có một câu hỏi được đặt ra là ai thắng ai thua.

Trên trang Việt Nam Thời Báo, tác giả Quang Nguyên nghi ngờ những bùng nổ mới trong tương lai, nhưng thấy rằng dân Đồng Tâm đã thắng, và đó là tấm gương cho những nông dân bị mất đất, phải đoàn kết và khôn ngoan như cư dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bắt nhà cầm quyền phải nhượng bộ.

Nhiều người nghi ngờ tờ giấy ký tay của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không phải là một văn bảng pháp lý và có thể dễ dàng bị nhà cầm quyền cố tình quên đi sau này.

Blogger Nguyễn Vũ Bình không cho là như thế, ông viết rằng:

“Việc một chủ tịch thành phố lớn, thủ đô, đã phải ký vào cam kết, những điều được toàn thể người dân, và cả nước biết như vậy, đã là một thành công tuyệt vời. Để có thể tráo trở, lật lọng một văn bản giữa thanh thiên bạch nhật như vậy, họ sẽ phải trả giá rất lớn cho uy tín của cá nhân và của nhà cầm quyền.”

Trong số những ý kiến đáng chú ý của những phân tích về vụ Đồng Tâm là của tác giả Minh Tử viết trên trang Dân Luận. Minh Tử cho rằng trong suốt những ngày xảy ra cuộc khủng hoảng và có thể là đến cả hiện nay, chính quyền xã Đồng Tâm thực sự không tồn tại, đã bị lật đổ.

Sự việc đó được nhà báo Xuân Ba cảm nhận ở một góc độ khác, khi Xuân Ba nhìn thấy cái cổng làng ở thôn Hoành của xã Đồng Tâm. Làng chính là quyền lực thực sự của dân chúng ở vùng nông thôn Việt Nam. Cảm xúc của Xuân Ba được nhà báo Nguyễn Thông trích dẫn trên trang blog của ông:

“Làng? Chợt giật thột cái điều, trong hệ thống văn bản pháp lý, cái từ làng, khái niệm làng bị quên bẵng đi hàng bao năm nay? Và hình như các chức danh Trưởng thôn, Trưởng bản được tái lập và thiết lập cùng danh hiệu làng văn hóa gần đây như sợi dây làm bền chặt thêm quan hệ giữa Dân với Nhà nước?”

Câu hỏi của Xuân Ba, cũng là câu hỏi nhiều người đặt ra khi chính quyền Hà Nội kêu gọi đại diện của dân làng Hoàng, xã Đồng Tâm đến nói chuyện với họ, điều đó có nghĩa là quyền lực của các hội đồng nhân dân xã, ở đây là Đồng Tâm, không đại diện cho dân làng, và những viên chức xã đó còn bị cầm giữ như con tin.

Câu chuyện Đồng Tâm được tác giả Nguyễn Quang Dy phân tích ở khía cạnh thể chế chính trị xã hội hiện nay của Việt Nam. Theo ông mâu thuẫn chủ chốt gây ra sự kiện Đồng Tâm là sự bác bỏ quyền tư hữu đất đai của đảng cầm quyền tại Việt Nam, trong khi đó đảng này lại công nhận cơ chế thị trường.

Ông Dy nói rằng một mô hình như vậy là một mô hình đầu Ngô mình Sở.

Ông Nguyễn Quang Dy phân tích thêm rằng Đồng Tâm chính là một quyền lực mới ở qui mô nhỏ làng xã. Nó có tác động thay đổi suy nghĩ của nhiều người, nó là một thay đổi bất ngờ con đường thay đổi thể chế ở Việt Nam.

Theo ông người dân Đồng Tâm vẫn chấp nhận bị cai trị nhưng có giới hạn. Trong khi đó chính quyền đã phải tìm cách thương lượng để giữ được quyền lực của mình, và cũng để khôi phục lại lòng tin của người dân đối với họ.

Ông Nguyễn Quang Dy cảnh báo rằng nếu chính quyền muốn khôi phục lòng tin của dân chúng, muốn tránh sự sụp đổ thì chỉ có cách là thay đổi toàn diện.

Ngay sau khi cuộc khủng hoảng Đồng Tâm được giải quyết, đã có một kiến nghị của hơn 60 cá nhân và tổ chức dân sự yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thay đổi ngay luật đất đai hiện nay, mà theo họ là một bộ luật phản động gây nên xáo trộn xã hội, tạo điều kiện cho các quan chức làm giàu bằng tham nhũng.

Một trong những người ký kiến nghị đó là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, ông viết rằng ngay cả những người cộng sản hiện nay cũng chẳng tin vào sự hợp lý của cái họ gọi là chế độ công hữu về đất đai nữa:

“Dân chúng bắt giam những chủ lực quân của đảng, chủ tịch Hà nội phải đến đích thân viết tay và điểm chỉ vào một bản cam kết giấy trắng mực đen…, thật là một sự đổi đời chưa từng có trong đêm dài Cộng sản, chưa biết ý nghĩa thật ra sao, phe nhóm trong lãnh đạo ra sao, có người đã quá vui vội gọi đó là cuộc “Cách mạng Tháng.. . Tư ”(?). Ôi cái tháng Tư đỏ, tháng Tư đen lắm chuyện, mở đầu bằng một “ngày nói dối”, một tháng đầy biến cố, và kết thúc bằng cái ngày 30 cuối tháng chắc gì đã hết mùi Cá tháng Tư?”

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nhắc lại tháng Tư lịch sử. Tháng Tư 1975 thống nhất đất nước bằng vũ lực, đẩy hàng triệu người đi lưu vong. Tháng tư 2016 bùng nổ thảm họa môi trường Formosa Vũng Áng, đẩy hàng ngàn ngư dân vào cảnh khốn cùng, hàng chục cuộc biểu tình trên dãy đất Bắc Trung bộ nghèo khó.

Tuy nhiên sự biến Đồng Tâm tháng Tư 2017 lại cho Minh Tử nhìn thấy tính tích cực, và thậm chí là thắng lợi của hệ thống chính trị xã hội hiện nay của Việt Nam:

“Nhiều người cho rằng đây là thất bại của chính quyền, nhưng cá nhân tôi cho rằng đây là thắng lợi của hệ thống chính trị Việt Nam, khi cho thấy họ vẫn có khả năng lắng nghe và điều chỉnh, thậm chí là bước qua ranh giới luật pháp hiện tại của chính quyền.

Đây cũng là một tham khảo tốt cho tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam bởi những bước tiến nhỏ nhưng liên tiếp từ đòi hỏi của người dân trước sau gì cũng dẫn tới những thay đổi lớn.

Đây là một thắng lợi của hệ thống chính trị Việt Nam, khi nó đã lựa chọn giải pháp thỏa hiệp tiếp thu, thay vì trấn áp bằng bạo lực. Đây là một yếu tố tích cực đối với tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam khi nó cho thấy người dân có thể đấu tranh, và với những cách thức đúng thì chính quyền buộc phải lắng nghe và tìm cách thoả hiệp điều chỉnh.”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét