Ở đất nước này, chuyện vô lý, kỳ quặc, nực cười tới mức nào cũng có thể xảy ra. Sau đây là chuyện giải cứu giáo viên đăng trên Lao động.
============
Có nhiều thứ cần giải cứu , nhưng cái quan trọng, cấp bách hơn cả là "giải cứu giáo viên", TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT - chia sẻ.
Tập trung vào tiểu học công lập
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT - trăn trở, việc đầu tiên cần làm trong đổi mới giáo dục lúc này là đảm bảo đời sống cho giáo viên. Có nhiều thứ cần giải cứu, nhưng cái quan trọng, cấp bách nhất lúc này là giải cứu giáo viên. Lí giải, ông Tùng cho rằng, giải cứu giáo viên để giáo viên có thể sống được bằng lương, để còn là lực lượng xung kích thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Tùng đặc biệt nhấn mạnh tới việc tập trung vào giáo viên trường tiểu học công lập với 5 lý do. Thứ nhất, trường dân lập tự chủ rồi, phải tự lo về mọi mặt, nhưng số trường dân lập cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Số học sinh học dân lập cấp tiểu học chỉ chiếm 0.7% tổng học sinh tiểu học cả nước.
Thứ hai, tiểu học là cấp học đông giáo viên nhất. Hiện, cả nước có khoảng 390.000 giáo viên tiểu học công lập. Con số này gấp 1,3 lần giáo viên trung học cơ sở, và gấp 2,8 lần giáo viên phổ thông trung học.
Đây cũng là ngạch giáo viên có lương thấp nhất với 12 bậc lương, hệ số khởi điểm là 1.86, và với mức lương cơ sở từ 1.7.2017 là 1,3 triệu thì lương khởi điểm giáo viên tiểu học là 2.42 triệu/tháng. Như vậy, sau hơn 10 năm lên được 3-4 bậc, chẳng hạn bậc 5 thì mức lương cũng chỉ được 3.5 triệu/tháng. Cộng thêm phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên thì vẫn không đủ sống.
Lí do thứ 4 được ông Tùng đề cập, theo Quyết định 186/QĐ-TTg ngày 10.02.2017 của Thủ tướng, tiểu học là khối giáo dục phổ cập bắt buộc, và nhà nước "đảm bảo toàn bộ chi phí cho các hoạt động dạy học các môn học bắt buộc và tự chọn trong chương trình". Các khối khác còn được xoay sở tự chủ bằng cơ chế dịch vụ.
Bên cạnh đó, giáo dục tiểu học là cấp giáo dục quan trọng, nếu như không nói là quan trọng nhất. Hỏng cấp này thì các cấp học sau nắn lại vô cùng gian khó. Giải cứu giáo viên tiểu học cũng là vì tương lai 7,7 triệu học sinh tiểu học công lập hiện nay, ông Tùng cho hay.
Cả xã hội cần “xúm tay”
Từ các lí do trên, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT đặt câu hỏi “Giải cứu thế nào?”. Giả sử mong muốn thu nhập giáo viên mỗi tháng thêm khoảng 2 triệu đồng, cộng với lương nhà nước chắc là đủ để sống trong điều kiện hiện nay. Với 392.442 giáo viên tiểu học công lập, sẽ cần khoảng 9.400 tỉ đồng/năm.
“Nhà nước thì “bí” về ngân sách, và nếu như chắt bóp chi cho giáo viên tiểu học thì viên chức các ngạch khác, ngành nghề khác cũng sẽ đòi hỏi. Tóm lại là bí. Giảm số lượng giáo viên đi thì cũng không được, bởi vì hiện nay tỷ lệ học sinh/giáo viên là 19.7, tiểu học hướng tới dạy 2 buổi, 2 giáo viên một lớp - không giảm đi đâu được”, ông Tùng nói.
Trước các khó khăn như vậy, TS Lê Trường Tùng đề xuất: Còn mỗi cách tự cứu, không phải giáo viên tự cứu, trường học tự cứu mà là xã hội xúm tay vào cứu thay cho việc chờ nhà nước.
Giải pháp là mỗi học sinh (phụ huynh) tiểu học hàng tháng góp 100 ngàn đồng, tạm gọi là vào Quỹ Giải cứu Giáo viên Tiểu học, hoặc Quỹ Khuyến dạy. Số tiền này, có thêm đóng góp của các nhà hảo tâm nữa, sẽ dành toàn bộ để bổ sung cho thu nhập giáo viên. Với tỷ lệ học sinh/giáo viên là 19.7, mỗi giáo viên sẽ được 1,97 triệu/tháng - trong 10 tháng, ông Tùng đề xuất.
Nhà nước không đủ sức giải quyết, còn để giáo viên tiếp tục tự bươn chải thì chắc phải "quên" việc đổi mới giáo dục đi. Khi được Bộ trưởng (Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - PV) hỏi, theo anh, đâu là 5 việc quan trọng nhất trong ngành giáo dục, tôi nói, việc số 1 là giải quyết thu nhập cho giáo viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét