Trong những ngày Hà Nội nắng nóng cực điểm, nhiệt độ trung bình khoảng 40 độ, nhiệt độ ngoài mặt đường ở thời điểm cao nhất là 50 độ, một đề án rất tệ hại đang được đề xuất bởi Sở Xây dựng Hà Nội: chặt hạ và thay thế 4000 cây xà cừ được cho là già cỗi trên địa bàn Hà Nội. Quyết định này đã gây phẫn nộ báo giới và cộng đồng mạng.
Báo Tiền Phong cho biết, nguyên nhân được đưa ra để chặt hạ 4000 cây xà cừ là “không gian trên đường phố của Hà Nội không đủ cho bộ rễ cây xà cừ phát triển. Đặc trưng của Hà Nội là không gian vỉa hè quá hẹp, nhà cửa san sát ngay cạnh cây xanh, nhiều công trình ngầm, trong khi tán cây nặng, gốc rễ lại quá lớn, bị bó hẹp nên rễ ăn ngang, mất cân đối, dễ đổ ngã khi mưa bão. Những đặc điểm này khiến xà cừ không có khả năng chống chịu tốt trong mùa mưa bão.” (Theo báo Tiền Phong)
Có thể nói, kế hoạch chặt hạ 4000 cây xà cừ là một bước đi trong “chiến lược chặt hạ và thay thế cây xanh” của chính quyền Hà Nội. Năm 2015, một đề án chặt hạ và thay thế 6700 cây xanh đã được thực thi (Đọc thêm về Chiến dịch thay thế cây xanh 2015). Tại thời điểm ấy, một chuỗi các cuộc biểu tình rầm rộ đã được tổ chức với sự kết hợp của các nhân sự trong các NGOs, các tổ chức đối lập chính trị, các hội nhóm hoạt động tự do vì cộng đồng, và rất đông đảo người dân Hà Nội (Đọc thêm tại về Phong trào bảo vệ cây xanh năm 2015). Trên mặt báo, các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng… cũng lên tiếng để bảo vệ cây xanh. Thế nhưng, chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ vẫn không nhân nhượng. Chuỗi phong trào bảo vệ cây xanh cũng đuối dần cùng với dư luận. Mới đây, một đề án khác được đưa ra yêu cầu chặt hạ các cây sưa trên địa bàn Hà Nội vì lý do nhiễm độc (Đọc thêm về Đề án Đốn hạ cây sưa trên địa bàn Hà Nội ). Mặc dù bị người dân Hà Nội phản đối không ít lần nhưng các cơ quan chức năng liên quan vẫn tiến hành và liên tục đưa ra các phát ngôn bất chấp dư luận. Đến nay, với đề án chặt hạ và thay thế 4000 cây xanh, những hệ lụy không những về môi trường sống mà cả chính trị và kinh tế là không thể tránh khỏi.
Những hệ lụy về môi trường
Có lẽ không cần phải nói nhiều về hệ lụy đối với môi trường sống tại Hà Nội khi cây xanh bị chặt hạ. Ai cũng biết rằng đô thị với những khối bê tông, những hơi nóng từ hệ thống điều hòa, những khí độc được thải ra từ các phương tiện vận chuyển… đã và đang tàn phá môi trường sống tại Hà Nội. Ước mơ một Hà Nội thơ mộng và thanh bình đã trở thành viễn tưởng. Ngay cả mong muốn một Hà Nội có lượng cây xanh vừa đủ để có thể ngồi dưới vỉa hè uống trà đá vào những buổi tối mùa hè, nói chung một môi trường khả dĩ có thể sống, cũng đang dần trở nên xa vời. Lượng cây xanh bị đốn hạ lúc thì dần dần, lúc thì dồn dập sau nhiều năm tỉ lệ nghịch với những công trình đồ sộ nhưng vô nghĩa đã gây ra một bầu không khí bụi bặm, nóng nực, ngột ngạt ở Hà Nội.
Trong tình trạng các mối đe dọa từ đô thị hóa đang bủa vây, cây xanh là cứu cánh cho các đô thị. Cây xanh có tác dụng lọc không khí, sản sinh ra nhiều Oxi hơn, điều này cũng phần nào giúp chúng ta chống đỡ được hiện tượng nóng lên toàn cầu, đặc biệt là trong những ngày hè khi Việt Nam nằm ở vị trí vuông góc với các tia nắng mặt trời. Một cuộc đo đạc của báo Vietnamnet đã cho thấy chênh lệch nhiệt độ giữa khu vực trồng cây xanh và không có cây xanh lên tới xấp xỉ 10 độ (Đọc chi tiết thông tin về Thời tiết nắng nóng tại Hà Nội). Khi cây xanh bị triệt hạ với số lượng lớn như đề án 6700 cây xanh và 4000 cây xanh thì chúng ta đang tự phá hủy hệ thống phòng thủ trước các mối đe dọa của thiên nhiên. Thành phố bê tông thực sự sẽ trở thành hoang mạc trong một thời gian dài khi những cây mới trồng chưa đủ lớn để tạo bóng mát trong khi các cây cũ đã bị đốn hạ.
Những hệ lụy về chính trị
Như đã đề cập đến ở phần trên, đề án đốn hạ 6700 cây xanh đã gây một sự phẫn nộ trong cộng đồng, dẫn đến các cuộc biểu tình liên tiếp. Trong suốt năm 2015 đến nay, chính quyền Hà Nội nói riêng và chính quyền Việt Nam nói chung phải đối mặt với không ít các sự kiện biểu tình lớn liên quan đến vấn đề môi trường như biểu tình phản đối chặt hạ 6700 cây xanh và những cuộc biểu tình hỗn loạn không thể dập tắt sau vụ cá chết do biển bị nhiễm độc từ chất thải nhà máy Formosa. Trước đó phải kể đến sự việc biểu tình phản đối dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên. Một loạt các cuộc biểu tình triền miên sẽ dẫn đến suy yếu quyền lực của chính phủ dần dần, làm giảm niềm tin của người dân vào chính phủ, và lung lay uy tín của chính phủ trên trường quốc tế (nếu có). Một vài cuộc biểu tình có thể không làm nên điều gì, nhưng một chuỗi biểu tình dồn dập trong vòng hai ba năm thường là dấu hiệu cho thấy chính quyền ấy không còn đủ khả năng để giữ ổn định và trật tự.
Với con số 4000 cây xanh bị chặt hạ trong tình trạng nắng nóng đỉnh điểm ở Hà Nội, sẽ không tránh khỏi nổ ra một cuộc biểu tình rầm rộ không kém sự việc 6700 cây xanh (nếu các phe nhóm dân sự đoàn kết lại như sự việc 6700 cây xanh và bất chấp nắng nóng, bất chấp đàn áp). Lúc ấy, cuộc biểu tình này sẽ là những dòng nước đổ thêm vào chiếc ly đang sắp tràn đầy, chắc chắn gây bất ổn không ít trong chính quyền Hà Nội vẫn còn đang xộc xệch dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội.
Một nhóm chính khách dù ở cấp Trung ương hay địa phương, mong muốn duy trì quyền lực của mình trong suốt nhiệm kỳ và hơn thế nữa, thì không chỉ biết cách đàm phán với các phe cánh trong chính quyền, mà còn phải biết đưa ra các chính sách có lợi cho người dân, giúp xã hội phát triển bền vững. Muốn thế, các chính sách được đưa ra để thực thi cần có sự nghiên cứu kỹ càng, đảm bảo các nguyên tắc khoa học và khảo sát thực tế. Thế nhưng, ở đây, đề án chặt hạ 4000 cây xanh, cũng như đề án 6700 cây xanh trước đó được đưa ra không có đầy đủ các cơ sở khoa học và không thực hiện các bước khảo sát thực tế. Bởi thế, khi chính quyền Hà Nội đưa ra các đề án này dù dưới danh nghĩa là bộ ngành nào cũng đều gây ra sự phẫn nộ trên diện rộng.
Những thiệt hại về kinh tế
Một trong các lập luận được đưa ra về việc chặt hạ 4000 cây xanh, đó là để tiết kiệm chi phí. Tính toán tiết kiệm chi phí như sau:
“Cụ thể, theo Sở Xây dựng, việc di chuyển cây xà cừ lớn về vườn ươm chăm sóc không hiệu quả, quá trình di chuyển cần đến máy móc siêu trường siêu trọng tốn kém, việc tái trồng lại trên các tuyến đường khác là không được do không thuộc danh sách cây đô thị trồng mới… Nếu chặt hạ chỉ tốn 14,4 triệu đồng/cây thì dịch chuyển tốn 25,4 triệu đồng/cây.” (Theo báo Tiền Phong)
Như thế, bằng việc đốn hạ 4000 cây, Sở Xây dựng đã tiết kiệm được 44 tỉ cho chính quyền Hà Nội. Với tình trạng tài chính thiếu thốn hiện nay, con số này thật đáng lưu ý. Tuy nhiên, nếu không chặt cây, chính quyền Hà Nội đã tiết kiệm được 57,6 tỉ cho một đề án vừa gây các thiệt hại về môi trường cũng như chính trị. Có điều, số lượng gỗ xà cừ bị chặt hạ sẽ được xử lý như thế nào cũng là một câu hỏi lớn. Khá chắc chắn rằng chúng sẽ được đem bán ra thị trường gỗ, nhưng lợi nhuận từ đó sẽ vào ngân sách nhà nước hay vào túi riêng của các bên giao dịch thì vẫn là câu hỏi lớn mà bất cứ người dân nào cũng có thể đặt ra.
Ngoài ra, mục tiêu đề ra của Sở du lịch Hà Nội đó là đến năm 2020, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Muốn vậy, Hà Nội cần có một môi trường xanh và sạch đẹp, không bị ô nhiễm vì khói bụi hay người dân không bị hun trong lò được xây bởi các bức tường bê tông. Những đề án chặt cây như đốn hạ 6700 cây xanh và 4000 cây xà cừ là những đề án gây cản trở cho mục đích này của thành phố Hà Nội. Không có bóng mát, không khí nhiễm bẩn, cảnh quan bị hủy hoại, nhiệt độ tăng cao là những lý do căn bản khiến cho Hà Nội không phải là một lựa chọn số một của khách du lịch. Và như thế tức là, chúng ta đang để vuột mất chỉ tiêu thu nhập 79.674 tỉ đồng từ Du lịch vào năm 2020 và 186.165 tỉ đồng vào năm 2030. (Đọc thêm về Mục tiêu phát triển Du lịch của thành phố Hà Nội)
Đó là còn chưa kể đến những thiệt hại kinh tế từ các nguy cơ bệnh dịch, cháy nổ, sản phẩm hàng hóa bị hỏng…v…v… do các biến đổi xấu về khí hậu. Những nguy cơ này có thể không gây thiệt hại quá lớn nhưng một khi đã bùng phát thì còn có thể dẫn đến các chuỗi thiệt hại tổng thể, có thể gây xáo trộn lớn cho nền kinh tế vốn đang có một số phận mong manh.
Mặc dù, Sở xây dựng Hà Nội nói rằng chặt hạ cây xà cừ là để thay thế những cây xanh khác phù hợp với đô thị hơn. Điều này nghe rất hợp lý. Thế nhưng, triệt hạ đồng loạt mà không phải thay thế dần dần là một đề án bất hợp lý và phản khoa học. Sở xây dựng Hà Nội và Công ty cây xanh Hà Nội hoàn toàn có thể kiểm kê và đánh dấu những cây vượt quá kích cỡ quy định khi được trồng ở đô thị (kích cỡ của cây xà cừ tiêu chuẩn được trồng trong đô thị là có đường kính tối đa 40cm). Những cây này sẽ được thay thế bằng cây khác một cách lần lượt. Tuy nhiên, không nhất thiết phải đốn hạ mà hoàn toàn có thể di dời các cây này và những khu vực rộng rãi hơn như ở vùng ngoại ô, hoặc các công viên lớn như vườn bách thú, vườn bách thảo, công viên Thống Nhất) vốn dĩ rất thích hợp với các cây cổ thụ. Tốn kém cho việc di dời và bảo quản những cây quá kích cỡ chỉ khoảng 25 triệu/cây, là một khoản hoàn toàn có thể chi trả được nếu việc thay thế được làm dần dần và lần lượt. Tóm lại, có rất nhiều các để tiết kiệm chi phí trong quy hoạch cây xanh ở đô thị, nhưng chặt hạ cây hàng loạt tuyệt đối không phải là cách.
Kết luận
Việc thay thế cây xanh trong quy hoạch đô thị là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, cây xanh đóng một vai trò rất quan trọng đối với chất lượng môi trường sống đô thị. Do đó, việc di dời cây xanh không nên bị chuyển sang hướng đốn hạ, và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt khoa học, tính toán cụ thể bài toán kinh tế, cân nhắc các nguy cơ xáo trộn xã hội, và khảo sát thực tiễn một cách trung thực.
Lê Duy Nam
Admin tại Book Hunter & Tiếng Anh học thuật, Trưởng nhóm dịch thuật Rhadamanthys của Book Hunter
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét