Kỳ Lâm (VNTB) Các báo chính thống của Việt Nam tối 12/06 đã đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận: sẽ khẩn trương nghiên cứu xây dựng đường băng số 3, trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học và có thể thuê tư vấn nước ngoài”.
Báo giới chính thống tung hô quyết định tạm thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Thủ tướng chỉ đạo phải hết sức khẩn trương, mục đích là giải quyết các vướng mắc đang đặt ra, giảm ùn tắc, giảm quá tải. Công tác khảo sát, đánh giá phải khách quan, báo cáo Thủ tướng trong vòng 6 tháng” – ông Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) nói.
Cũng ngay tối ngày 12/06, báo Tuổi Trẻ đã chạy ngay tiêu đề: “Cám ơn Thủ tướng quyết định hợp lòng dân!”. Trong đó, trích dẫn ý kiến của các độc giả báo này.
“Tôi đã khóc khi đọc thông tin này, Thủ tướng đã quyết một việc quá hợp lòng dân. Chưa bao giờ ý kiến nhân dân và công luận được cân nhắc như lần này. Quá vui”. Hay “Tin rất vui cho những ai đã nói lên tiếng nói dừng sân golf dành đất cho sân bay. Như vậy mới là 1 chính phủ hành động. Nếu không giải quyết bức xúc dư luận về sân golf này thì chúng ta rất khó xây dựng lòng tin của dân”.
Có thể nói, chỉ qua 2 quan điểm như vậy, cũng cho thấy quan điểm của báo Tuổi Trẻ, cũng như những người đang quan tâm đến sự kiện sân golf Tân Sơn Nhất. Đó là họ nhìn vào sân golf để đánh giá mục tiêu chống lại lợi ích nhóm, tham nhũng của Đảng đến đâu và khả năng của một Chính phủ kiến tạo như thế nào! Và thực tế, sự thu hút dư luận xoay quanh sự kiện này cũng đã biến sân golf Tân Sơn Nhất trở thành một nước cờ lớn nhằm lấy lại niềm tin từ nhân dân của ĐCSVN, vốn đang tụt dốc không phanh trong thời gian qua. Nhưng trên hết cả, đây rõ ràng là một điểm nhấn để tạo dư luận, nhằm hướng vào một nhóm lợi ích đằng sau. Bởi cũng ngay vào giờ chiều tối ngày 12/06, báo Vnexpress đã chạy nhanh bài viết: Sân golf Tân Sơn Nhất được cấp phép như thế nào. Trong đó, đề cập thẳng vào khoảng thời gian chấp nhận đầu tư là năm 2007, sau “nhiều lần bị phản đối, thanh kiểm tra, thậm chí đề xuất thu hồi”. Tất nhiên, thời kỳ đó ông Nguyễn Tấn Dũng đang giữ chức Thủ tướng; ông Phùng Quang Thanh đang giữ chức Bộ trưởng BQP. Đây cũng là thời kỳ bùng nổ… sân golf trên cả nước, nhiều quan điểm coi sân golf là một hình thức phát triển kinh tế và có lợi ích xã hội (?).
Tuy nhiên, quan điểm kết luận là như vậy, kể cả việc người bên BQP tuyên bố sẵn sàng thu hồi đất nếu như có lệnh, thì câu chuyện “bao giờ thực hành” vẫn sẽ là câu hỏi được trông đợi nhất. Liệu rằng, quan điểm của Chính phủ có thực sự biến thành hành động? Điều này khó tưởng tượng ra, một phần trong đó là TSN là tổ hợp sân golf với số tiền đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, và nếu thu hồi thì chủ đầu tư mất trắng, trong khi bản chất của nó được hình thành từ những cái bắt tay giữa “tiền và quyền”.
Thứ nữa, hiệu lực từ Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn liên tục bị thử thách, mà trước đó, câu chuyện về chung cư 50 tầng xây dựng tại Trung tâm Giảng Võ vẫn chưa giải quyết xong, dù rằng, Thủ tướng cũng đi đến kết luận nó là thảm họa từ tháng 1/2017 và truy hỏi: “Ai cho phép xây nhà 50 tầng?”. Tất nhiên, đây là câu hỏi vô nghĩa, vì ai không biết những tập đoàn kinh tế - chính trị đứng sau dự án này, tuy nhiên, nó thể hiện một sự bất lực về mặt hành pháp ngay trong trục lợi ích nhóm. Do đó, cho đến nay, sau hàng loạt chỉ đạo “gay gắt” từ Chính phủ, Chung cư Giảng Võ vẫn đang theo đúng Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND – tức tối đa là “không quá 50 tầng, với tổng số căn hộ lên đến 4000 căn hộ để ở và 2000 văn phòng cho thuê”, tiếp tục gây áp lực mạnh lên hạ tầng khu vực này, đồng nghĩa tiền thuế của người dân sẽ được sử dụng để giải quyết hậu quả do tòa nhà chung cư của ba đại gia VinGroup, Tập đoàn Tân Hoàng Minh và T&T Group gây ra.
Trở lại với câu chuyện sân golf Tân Sơn Nhất, sau khi báo chí chính thống loan tin về quyết định của Thủ tướng, thì sáng ngày 13/06, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho báo Tuổi Trẻ biết: 'Chưa cụ thể vị trí mở rộng Tân Sơn Nhất'. Điều này cũng có nghĩa là vị trí của sự mở rộng có thể nằm trên phía Bắc hoặc không. Và ngay cả khi có quyết định thu hồi lại sân golf Tân Sơn Nhất thì đây vẫn là một phát tên trúng hai đích. Đích thứ nhất như đề cập là lấy lại uy tín cho Đảng, cho người dân thấy rằng, Đảng vẫn mạnh mẽ và có đủ khả năng để chống lại lợi ích nhóm. Điều thứ hai, đó là tạo cơ sở dung hòa cho việc triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mà không gặp quá nhiều sự phản ứng, mà theo lời ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thì Long Thành “vẫn tiến hành bình thường, theo tiến độ đã được đề ra”. Tất nhiên, nếu đặt một cách sòng phẳng trên bàn kinh tế, thì miếng bánh Long Thành nhìn hấp dẫn hơn, ăn ngon hơn và có phần liên quan đến nhiều người hơn.
Nhưng dù sao đi nữa, việc thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất vẫn là một “ván bài chính trị” đẹp! Ít nhất nó cũng giải tỏa một phần nào quyền lợi của người dân, cộng đồng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét