Hành động của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng đã đi đến mức tàn bạo. Đó là nhận định của ông Phil Robertson, phó giám đốc tổ chức Human Rights Watch về Châu Á, đưa ra trong một bài xã luận trong tuần này.
Ông Robertson mô tả việc tước quốc tịch là “sự vi phạm nhân quyền hoàn toàn không thích đáng”, đánh dấu một điểm thấp mới đối với sự đối xử của Hà Nội với người bất đồng chính kiến. Ông Robertson cho rằng, qua việc tước đoạt cả căn cước lẫn quốc tịch người dân trong một thủ đoạn đột ngột, Hà Nội muốn nói rằng người bất đồng chính kiến thậm chí còn không được xem là người Việt Nam.
Ông Robertson kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước trợ giúp Việt Nam, phải nói với Hà Nội rằng sự ngược đãi này không được phép diễn ra, lá thư của Chủ tịch nước Cộng Sản Việt Nam Trần Đại Quang phải bị thu hồi, và hành động tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng phải lập tức bị đảo ngược.
Ông Phạm Minh Hoàng. 62 tuổi, có song tịch Việt Nam và Pháp. Là một nhà bất đồng chính kiến cổ võ cho dân chủ, ông bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam vào Tháng Tám, 2010 khi đang giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Sài Gòn. Ông bị kết án tù 3 năm hồi năm 2011 nhưng thả ra trước hạn tù sau khi ở trong tù 17 tháng vì bị áp lực của chính phủ Pháp nhưng ông vẫn bị quản chế tại nhà 3 năm.
Vào ngày 10 Tháng Sáu, ông nhận được quyết định tước quốc tịch Việt Nam do chủ tịch CSVN Trần Đại Quang ký. Trước quyết định tước quốc tịch của nhà nước CSVN, ông Hoàng tuyên bố ông sẽ từ bỏ quốc tịch Pháp “để thực hiện ước vọng được sống trên quê hương của chính mình”.
Người đại diện tổ chức Human Rights Watch nói rằng Việt Nam cần phải xem đây là bài học, rằng sự trả thù cực đoan như thế của chính quyền đối với các nhà hoạt động chính trị không thể xảy ra mà Việt Nam không bị thiệt hại lớn về uy tín và sự tôn trọng trước quốc tế.
Cũng theo ông Phil Robertson, đây là thời điểm để hành động, nhằm bảo đảm không có thêm nhà hoạt động chính trị Việt Nam nào khác phải đối diện với sự trừng phạt tàn độc như mất quốc tịch trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét