Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

‘Ngày báo chí cách mạng’: Nhà báo độc lập ‘được bảo vệ’ như thế nào?

Phạm Chí Dũng


(VNTB) - Vừa lộ thêm một bằng chứng lộn ngược dành cho chủ trương “đối thoại” của Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng cùng tuyên ngôn “bảo vệ nhà báo đấu tranh cho lẽ phải” của Tân bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.


Ảnh: “Bộ trưởng công an Nguyễn Thiện Nhân”: “bảo vệ nhà báo đấu tranh cho lẽ phải”


Hôm nay 21/6 năm 2017 - “Ngày báo chí cách mạng”, nhiều nhân viên công an bất chợt canh theo tôi một cách nhiệt tình đến đáng ngờ, thậm chí còn đứng vây bọc xung quanh Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ 7, Quận 3 - nơi mà vào năm 2015 có đến hai chục công an xông vào sân trường bắt cóc tôi trước ánh mắt thất thần của nhiều phụ huynh và các bé.

Việt Nam đương đại và khốn cùng. Nhiều nhà báo độc lập cũng bởi thế đã được “săn sóc tận tình” vào nhiều dịp trong năm, đặc biệt là vào “Ngày báo chí cách mạng”. Càng “đấu tranh cho lẽ phải” mạnh mẽ chừng nào, họ càng bị đội ngũ công an vô công rồi nghề nhưng vẫn vô liêm sỉ ăn tiền đóng thuế của dân sách nhiễu và khủng bố nhiều chứng đó.

Vậy “tự do báo chí” ở Việt Nam về bản chất là gì?

Một lần nữa trong rất nhiều lần và rất nhiều năm, công luận chẳng hề ngạc nhiên vì sao các tổ chức quốc tế như Ủy ban Bảo vệ ký giả thế giới, Tổ chức Phóng viên không biên giới… luôn xếp Việt Nam vào nhóm có “thành tích tự do báo chí” tệ hại nhất trên hành tinh.

Cũng hình như từ nhiều năm qua, nhiều quan chức đầu ngành, đầu địa phương đã trở thành Bộ trưởng công an - cơ quan vẫn được dư luận giới dân chủ nhân quyền đặt cho biệt hiệu nhẹ nhàng là “Bộ canh theo”. “Điển hình tiên tiến” gần nhất là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Thậm chí, tư tưởng “canh theo” còn ai oán đến nỗi trong Giải báo chí quốc gia năm 2016 vừa được công bố, có đến 3 giải A mang trên mình chủ đề tô điểm cho Nghị quyết trung ương 4 về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Trong khi đó, những bài viết trên một số báo nhà nước phản ánh về nạn ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, về khiếu kiện đất đai và dân oan, về nạn “tự tử hàng loạt” của người dân trong đồn công an, về đủ thứ nhũng nhiễu của các cơ quan công quyền… lại bị gạt ra.

Vậy làm sao để ông Võ Văn Thưởng đủ tự tin “đối thoại” với những người khác biệt về quan điểm” trong thời gian tới theo kế hoạch mà những cấp trên của ông ta phải duyệt trong tâm thế chẳng còn đường nào khác?

Làm sao để ông Nguyễn Thiện Nhân “bảo vệ nhà báo đấu tranh cho lẽ phải” bằng hành động thực sự chứ không phải thói đầu môi chót lưỡi quá phổ biến trong giới quan chức thời nay?

Phải chăng chúng tôi - những nhà báo độc lập, chỉ nói sự thật, lẽ phải và lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, nhưng chỉ vì không có và cũng chẳng cần đến thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, đã bị nhà cầm quyền xem là “không phải nhà báo”?

Ông Nguyễn Thiện Nhân, người hiếm hoi trong số quan chức cao cấp hiện thời có thể nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh, sẽ trả lời công luận trong nước và cộng đồng quốc tế ra sao khi “Bộ trưởng công an Nguyễn Thiện Nhân” đang để cho lính của ông ta sách nhiễu các nhà báo độc lập vào “Ngày báo chí cách mạng”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét