Cát Linh, RFA
Cựu tù nhân lương tâm, giảng viên Phạm Minh Hoàng, người bị nhà cầm quyền Việt Nam tước quốc tịch, bị một nhóm người mặc sắc phục ập vào nhà tại phường 4, quận 10, TP HCM bắt đi tối ngày 23 tháng 6 và đọc văn bản trục xuất ông khỏi Việt Nam ngày 24 tháng 6.
Ông Phạm Minh Hoàng sẽ phải rời Việt Nam theo văn bản? Luật sư đại diện pháp lý cho ông nói gì?
Sai pháp luật
Đúng 13 ngày kể từ ngày giảng viên Phạm Minh Hoàng nhận giấy báo tước quốc tịch Việt Nam được gửi đến từ Bộ Tư pháp Việt Nam, tối ngày 23 tháng 6, ông bị một nhóm công an mặc sắc phục xông vào nhà và bắt đi cùng với lời thông báo “sẽ trục xuất ông khỏi Việt Nam từ đồn công an.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người chính thức là đại diện pháp lý cho giảng viên Phạm Minh Hoàng từ ngày ông nhận giấy báo tước quốc tịch (10 tháng 6 năm 2017), kể lại cuộc gọi của giáo sư Hoàng gọi cho ông ngay khi xảy ra sự việc, luật sư Mạnh cho biết:
“Hồi chiều anh Hoàng có gọi điện ngay lúc công an đang làm việc. Tôi đề nghị anh Hoàng hỏi họ có lệnh bắt hay không. Anh Hoàng nói là công an vào đây và lực lượng rất đông, họ yêu cầu tôi lên phường làm việc, anh Mạnh thấy thế nào?
Tôi nói ngay nếu họ xuất trình lệnh bắt thì mình phải phục tùng thôi. Nhưng nếu họ không có lệnh bắt thì anh mời họ ra ngoài và khoá cửa lại, chứ không có trách nhiệm phải tiếp họ.”
Nội dung cuộc trao đổi bất ngờ trở nên bị ngắt quãng. Luật sư Mạnh nói rằng ông không thể nghe tiếp được những câu hỏi khác của giảng viên Hoàng và cuộc gọi dừng đột ngột. Những cuộc gọi lại sau đó của luật sư Mạnh đều không thực hiện được.
Bà Kiều Oanh cũng xác nhận điều này và cho biết xe phá sóng được mang đến khu vực nơi ở của gia đình bà, đường Bà Hạt, phường 4, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà cho biết ông Phạm Minh Hoàng từ chối không lên trụ sở công an phường nên phía công an đã đọc biên bản trục xuất ông. Nội dung của biên bản nói rằng ngày mai sẽ trục xuất ông Hoàng từ đồn công an, được ký bởi Đại tá Đậu Hiền Lương, Phó cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam.
“Hôm nay lúc 18 giờ ngày 23 tháng 6, 2017, tôi là Nguyễn Chánh Hoà, đơn vị là Cục Bến Thành, Bộ Công an quyết định điều 1, áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính đối với anh Phạm Minh Hoàng, quốc tịch Pháp, số hộ chiếu…, địa chỉ… đã có hành vi vi phạm người nước ngoài cư trú ở Việt Nam không có sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền qui định tại điểm 6, điều 7, qui định số 7/2013.
Những tình tiết liên quan diễn biến vi phạm: không có.
Thời gian thi hành trục xuất, ngày mai 24 tháng 6. Cửa khẩu thi hành biện pháp xử phạt: sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.”
Mặc dù bà yêu cầu được xem văn bản trục xuất, tuy nhiên phía công an từ chối.
Khi được hỏi về biên bản bắt ông Phạm Minh Hoàng, luật sư Mạnh cho biết đó là một biên bản không đúng tính chất của sự việc.
“Họ đưa một biên bản gọi là xử lý vi phạm hành chánh. Thật ra cái xử lý vi phạm hành chánh nếu mà có quyết định thì chỉ ở mức độ phạt tiền đối với một cái tội gì đó dạng nhẹ như là tội gây rối trật tự công cộng. Việc xử lý vi phạm hành chánh không thể dẫn đến việc bắt người như vậy. Cho nên việc này là không đúng.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm việc bắt người chỉ diễn ra khi người đó vi phạm pháp luật về hình sự, và phải có lệnh bắt của thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc của Viện Kiểm sát.
"Việc xử lý vi phạm hành chánh không thể dẫn đến việc bắt người như vậy. Cho nên việc này là không đúng.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh
‘Việc trục xuất có thể xảy ra’
Mặc dù theo phân tích của luật sư Đặng Đình Mạnh, mặc dù về phương diện pháp lý, việc trục xuất ông Phạm Minh Hoàng từ đồn công an là hoàn toàn không đúng, nhưng ông cho biết điều ông lo lắng trong sự việc này:
“Qua thực tế chuyện chiều ngày hôm nay, anh Hoàng bị bắt, bị đưa đi không theo một qui định một thủ tục nào thì tôi sợ điều họ nói tuy không đúng pháp lý nhưng họ vẫn làm. Tôi e ngại rất có thể họ sẽ làm như vậy.”
Sự lo ngại của luật sư Đặng Đình Mạnh được hình thành từ nhiều yếu tố. Bên cạnh những hành động ‘không theo một qui định nào’ như ông đã nói, còn xuất phát từ hai văn bản của Bộ Tư pháp giảng viên Phạm Minh Hoàng nhận được qua đường bưu điện. Một là văn bản thông báo của Bộ Tư pháp, ký ngày 9 tháng 6, 2017 và một là bản sao quyết định của Chủ tịch nước ký ngày 17 tháng 5, 2017 nhưng do Bộ Tư pháp sao y lại và ký ngày 22 tháng 5, 2017.
Ngày hôm đó, theo lời ông Hoàng cho biết, ông sẽ kháng kiện lại quyết định trên.
Trước khi nhận được hai văn bản từ Bộ Tư pháp, ông Hoàng đã thực hiện quyết định từ bỏ quốc tịch Pháp và công bố rộng rãi trên truyền thông mạng xã hội.
Giảng viên Hoàng cũng chính thức đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông sự việc này:
“Tôi cũng sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng để thực hiện ước vọng của tôi là được sống trên quê hương của chính mình.”
“Tôi cũng sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng để thực hiện ước vọng của tôi là được sống trên quê hương của chính mình.”
GS Phạm Minh Hoàng
Kháng kiện
Trả lời chúng tôi về những can thiệp từ phía luật sư đối với việc cơ quan quyền lực nhà nước bắt giảng viên Phạm Minh Hoàng và đưa về đồn công an không rõ địa điểm chính xác, luật sư Mạnh cho biết hiện tại chưa can thiệp được gì.
Tuy nhiên, nếu sự việc xảy ra như lời bà Kiều Oanh, ngày mai, 24 tháng 6, ông Phạm Minh Hoàng bị trục xuất khỏi Việt Nam trở về Pháp, thì văn phòng luật sư vẫn tiếp tục khiếu kiện.
“Dù anh Hoàng có bị trục xuất đi nữa thì ở đây chúng tôi vẫn tiếp tục những công việc đang đeo đuổi, đó là vẫn sẽ tiếp tục thủ tục khiếu nại để yêu cầu cơ quan nhà nước mà cụ thể là yêu cầu họ phải huỷ bỏ quyết định của Chủ tịch nước về việc trục xuất ông Hoàng.”
Bà Kiều Oanh cho biết ngay sau khi giáo sư Hoàng bị bắt đi, bà đã gọi điện thoại cho ông Tổng lãnh sự Pháp ở Sài Gòn thông báo việc công an đã bắt chồng của bà và sẽ trục xuất chồng bà vào ngày mai tại đồn công an.
Ông Tổng lãnh sự Pháp không cho biết ông sẽ có động thái gì.
Cho đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội đang lan truyền những lời phản đối hành động bắt ông Phạm Minh Hoàng. Theo như lời luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ trên trang cá nhân sau khi ông đến trụ sở Bộ Tư Pháp – Văn phòng tiếp công dân tại địa chỉ số 12 Chu Văn An, Hà Nội để trực tiếp nộp đơn khiếu nại về quyết định tước quốc tịch Việt Nam đối với giảng viên Phạm Minh Hoàng do Chủ Tịch nước ký:
“Chúng ta đang sống trong một quốc gia có luật pháp, nhưng luật pháp nằm trong tay người có quyền thì nó sẽ được hành xử theo ý chí họ muốn” thì phải chăng ngày mai, 24 tháng 6, giảng viên Phạm Minh Hoàng sẽ phải lên máy bay rời khỏi Việt Nam?
RFA
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét