Dân trí Sáng 10/7, trước câu hỏi về việc bị bắt khi đánh bạc năm 2005 và hình thức xử lý như thế nào, ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái - trả lời ngắn gọn: “Thôi thông cảm cho mình, sự việc đó không trả lời được. Việc liên quan cá nhân”.
Bản tin báo chí đăng tải năm 2005 phản ánh việc ông Phạm Sỹ Quý bị Công an tỉnh Yên Bái bắt giữ trên chiếu bạc.
Theo thông tin báo chí phản ánh, đêm ngày 20/10/2005, Công an tỉnh Yên Bái tóm gọn ổ bạc gồm 7 đối tượng, trong đó có ông Phạm Sỹ Quý - khi đó còn là Phó văn phòng quản lý đất đai thuộc Sở Địa chính Yên Bái (sau này đổi tên thành Sở Tài nguyên và Môi trường - PV), ông Ngô Thành Long - Phó viện trưởng VKSND thành phố Yên Bái, ông Nghiêm Trọng Tân - cán bộ VKSND thành phố Yên Bái.
Trao đổi với phóng viên Dân trí qua điện thoại, trước những câu hỏi xung quanh việc bị bắt khi đánh bạc năm 2005 và hình thức xử lý khi đó như thế nào, ông Phạm Sỹ Quý chỉ trả lời ngắn gọn: “Thôi thông cảm cho mình, sự việc đó không trả lời được. Việc liên quan cá nhân, không trả lời việc đó được”.
Phóng viên Dân trí cũng liên lạc với cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái để tìm hiểu về hình thức xử lý đối với những cán bộ tham gia đánh bạc thời điểm đó, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Cuối tháng 6 vừa qua, tiếp xúc với báo chí, ông Phạm Sỹ Quý cho biết ông công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái từ năm 1995, làm chuyên viên tại Trung tâm Đo đạc. Năm 1996 ông về Phòng Đăng ký thống kê và năm 1997 chuyển sang Phó phòng Kế hoạch tài chính. Đến năm 2005 ông Quý được chuyển sang làm Phó giám đốc Phòng Đăng ký đất đai.
“Năm 2008 làm Giám đốc Phòng Đăng ký đất đai. Năm 2011, tôi được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiêm Giám đốc Phòng Đăng ký đất đai. Đến năm 2016 được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường”- ông Quý thông tin với báo chí về quá trình công tác của mình.
Trả lời báo chí bằng văn bản, ông Chu Đình Ngữ - Chánh văn phòng UBND tỉnh Yên Bái, cho biết tháng 11/2016 đoàn kiểm tra Bộ Nội vụ đã làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Yên Bái, sau đó tổng hợp kết quả báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái được bổ nhiệm khi chưa đủ điều kiện.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháng 4/2017 UBND tỉnh Yên Bái đã có báo cáo nội dung vụ việc với Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tại thời điểm bổ nhiệm (tháng 9/2016), ông Phạm Sỹ Quý còn thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính. Tuy nhiên đến tháng 11/2016, ông Quý đã bổ sung chứng chỉ này.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, căn cứ công văn số 5678/VPCP-TCCV ngày 1/6/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với một số địa phương có bổ nhiệm cán bộ là người nhà của lãnh đạo tỉnh thì trường hợp bổ nhiệm ông Phạm Sỹ Quý không thuộc diện phải có cách hành thức xử lý tiếp theo.
Được biết, bà Phạm Thị Thanh Trà - khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và hiện nay là Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái - đã ký quyết định bổ nhiệm em trai mình làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trả lời báo chí, bà Trà cho rằng việc bổ nhiệm cán bộ là quyết định của tập thể Thường trực Tỉnh ủy và Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Yên bái, theo quy trình chặt chẽ.
“Việc tôi ký bổ nhiệm là thừa hành theo luật định ở vị trí Chủ tịch UBND tỉnh chứ không phải là quyết định cá nhân. Quy trình bổ nhiệm là cực kỳ chặt chẽ, không có gì để gọi là ưu ái trong trường hợp này”- bà Trà trả lời thắc mắc của báo chí xung quanh việc ký bổ nhiệm em trai mình.
Hiện Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ vẫn đang tiếp tục làm rõ việc chuyển đổi hơn 13.000m2 đất rừng thành đất ở trong thời gian ngắn cho bà Hoàng Thị Huệ - vợ ông Phạm Sỹ Quý để xây dựng khu dinh thự hoành tráng. Đồng thời làm rõ nguồn gốc hình thành tài sản của gia đình ông Quý có minh bạch hay không.
Trong bản kê khai tài sản năm 2016, ông Phạm Sỹ Quý cho biết đang sở hữu nhà thứ nhất tại Tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) có diện tích xây dựng 600 m2. Nhà thứ hai tại khu chung cư Mandarin Garden (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rộng trên 130 m2 với giá trị tại thời điểm xây dựng là 2,5 tỷ đồng và đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Ngoài ra, gia đình ông Quý có nhà tạm diện tích xây dựng 150 m2, giá trị 200 triệu đồng; sở hữu mảnh đất 1.000 m2 trị giá 500 triệu đồng; trang trại diện tích 2 ha giá trị 1 tỷ đồng và đang sử dụng một ô tô Camry.
Ông Quý kê khai, tổng thu nhập trong năm 2016 quy đổi thành tiền Việt Nam tăng 1 tỷ đồng và đây là thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016.
Thế Kha
Dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét