Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Dọa Mỹ phải chấp thuận các tiêu chuẩn cao?

NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - cách gọi cũ khi có 12 thành viên hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - cách gọi mới khi còn 11 thành viên. Ngay trong ngày nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái, tổng thống đắc cử của Mỹ - ông Donald Trump cho biết sẽ ban hành quyết định rút khỏi Hiệp định.
Tuy nhiên, theo VOA, ngày 12/4/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cho các cố vấn kinh tế và thương mại hàng đầu nghiên cứu việc tái gia nhập Hiệp ước mậu dịch vòng đai Thái Bình Dương.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin này, ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là CPTPP là hiệp định thương mại mở, theo đó các nền kinh tế có thể tham gia CPTPP sau khi hiệp định đi vào triển khai trên cơ sở chấp thuận các tiêu chuẩn cao của hiệp định cũng như đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên"
Không có một chữ nào nói lên sự hoan nghênh khi Mỹ quay trở lại TPP và có vẻ lạnh lùng, muốn làm khó cho Mỹ.
Lời phát ngôn của Bộ ngoại giao có thể hiểu như sau: Mỹ trước đây đã rút khỏi hiệp định, bây giờ coi như lính mới nhưng vẫn có thể tham gia. Mỹ muốn vào thì phải chấp nhận các tiêu chuẩn cao của tổ chức này và đương nhiên phải được sự chấp nhận của các thành viên (trong đó có VN).
Báo Mới giật tít đầy dụng ý: “Muốn gia nhập CPTPP, Mỹ sẽ phải chấp thuận các tiêu chuẩn cao”.
Phát ngôn của Bộ ngoại giao có vẻ tréo ngoe với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc thực tế và biết mình hơn khi cho rằng Hoa Kỳ tham gia vào hiệp định này thì “tất cả các nền kinh tế thành viên sẽ hưởng lợi” và đó sẽ là một động lực lớn cho tăng trưởng “trong khu vực và trên toàn thế giới”.
Khi Mỹ chưa rút, TPP bao gồm 12 nước trong đó, Việt Nam và Mỹ đều không phải là nước sáng lập. Nhưng nhìn vào danh sách 12 nước, người ta thấy vị thế của VN và Mỹ khác hẳn “một đầu, một cuối”. VN đã phải khá vất vả để đàm phán với các nước trong đó có Mỹ. Nhiều vấn đề mà VN phải vượt qua một cách nhọc nhằn như điều khoản về lao động, phải tuân theo những tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế, phải chấp nhận một mức lương tối thiểu, phải cấm tình trạng bắt buộc lao động dưới mọi biện pháp, cho phép công nhân thành lập công đoàn, độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Việc loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp sẽ làm mất đi một nguồn thu rất lớn để đổi lại các lợi ích khác. Các điều kiện khó khăn như vậy nên rất có thể VN cứ chấp nhận để được vào đã, rồi thực hiện được hay không thì… tính sau. Kinh nghiệm về thực hiện thỏa thuận của VN với các nước trước đây cho thấy tình trạng đó.
Những điều kiện khó đối với VN thì với Mỹ lại là điều đơn giản. Đó là những tiêu chuẩn đương nhiên và sẵn có dù Mỹ vào TTP hay không.
Còn với VN, TPP là Hiệp định thương mại mà VN đặt nhiều hy vọng nhất. Trong 12 nước, VN sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.
Khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP chỉ 3 ngày sau khi ông Donald Trump nhậm chức,  thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzō tiếc rẻ, cho rằng TPP sẽ không có ý nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ.
Cũng cần lưu ý, việc trở lại của Mỹ là chưa chắc chắn. Người Mỹ ngỏ ý còn đang xem xét nếu hiệp định này “tốt hơn đáng kể” so với thỏa thuận từ chính quyền của ông Obama trước đây. Điều này có nghĩa, họ sẽ trả treo, làm mình làm mẩy, đưa ra các điều kiện khó hơn cho các nước thành viên, làm sao có lợi hơn cho nước Mỹ.
Qua đó, có thể thấy rõ vị thế của Mỹ và VN trong TPP. Ngược về quá khứ để biết, VN khốn khổ khốn nạn như thế nào trong 20 năm bị Mỹ cấm vận. Vì vậy, khi bà Lê Thu Hằng có vẻ “rộng lượng” khi nói Mỹ “có thể tham gia” nhưng dọa phải “chấp thuận các tiêu chuẩn cao” và phải được các nước chấp nhận khiến người ta không khỏi thấy khôi hài. Cư dân mạng thì được một phen cười bể bụng, rằng “ngoại giao lớp 3 trường làng”, “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, “chảnh”, “không biết mình là ai và đang ở đâu”, “Xưa khốn khổ vì vướng phải nhân quyền và công đoàn độc lập, phải cầu lụy Mỹ. Nay đã gia nhập rổi thì trở mặt”. Có người còn tếu táo hỏi tiêu chuẩn cao đặt ra với Mỹ là gì? Có phải café…pin? Thuốc than tre trị ung thư? Thịt cá nuôi bằng thuốc tăng trọng hay là rau quả đầy thuốc kích thích?

20/4/2018




2 nhận xét:

  1. À hóa ra tiêu chuẩn cao mà Việt Nam đặt ra để làm khó Mỹ là phải làm được thuốc chữa trị ung thư bằng than tre, cà phê phải sản xuất từ vỏ cà phê nhuộm than pin! Với tiêu chuẩn này thì đúng là Mỹ phải bỏ cuộc ngay từ đầu, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là đủ tiêu chuẩn!

    Trả lờiXóa
  2. Việt Nam khốn khổ hơn nhiều là đúng rồi vì mình là nước nhỏ cố gắng từng chút một để đưa đất nước phát triển đi lên còn mỹ no có dính tí chiến tranh nào đâu, đất đai thì rộng lớn, chát xám đổ về ầm ầm ra, quan trọng là nước mình biết vận dụng linh hoạt để đạt hiệu quả

    Trả lờiXóa