Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

Điều gì đã đẩy ông Bùi Hữu Tuân đến chỗ tự hủy hoại bản thân mình?

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Chuyện dân oan tự thiêu không còn là chuyện hiếm. Thỉnh thoảng lại có tin dân oan tự thiêu. Hôm qua 2/6/2018 là ông Bùi Hữu Tuân, sinh1960 ở xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ông tự thiêu lúc 11h45 ngay trước trụ sở tiếp dân trung ương, số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông.

Ông bị cháy toàn thân, bỏng nặng vùng bụng và vùng nhạy cảm; ảnh hưởng nặng về đường hô hấp. Từng mảnh da rơi khỏi người,

Theo con trai ông Bùi Hữu Tuân thì hôm sau (tức 3/7) là ngày ông phải thi hành bản án 3 năm tù. Ông Tuân đến trụ sở tiếp dân trung ương đề nghị giám đốc thẩm nhưng bị từ chối nên quá uất ức mà tự thiêu.

Ông Bùi Hữu Tuân đã làm trưởng thôn 3 khóa, đến khóa thứ 4 thì có đơn khiếu kiện ông về việc cấp đất cho các hộ trong thôn chưa có lăng mộ. Ông Tuân chuyển những đơn này lên xã. Sau đó xã đồng ý và cho địa chính cấp đất cho những người làm đơn. Khi có đơn khiếu kiện, ông bị đình chỉ trưởng thôn để chờ xem xét. Lúc này, địa chính xã có gọi điện cho ông Tuân nhờ ông và vận động các hộ dân cứ khai rằng không có chuyện địa chính đi đo đất, có gì xã lo hết. Vì vậy, ông nghe theo và tin sẽ không có vấn đề gì.

Tuy nhiên, ông bị truy tố và bị kết án 5 năm về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đến phiên phúc thẩm, tòa giảm xuống còn 3 năm.

Khi biết mình bị lừa, ông Tuân đi khiếu nại rất nhiều nơi nhưng không có kết quả gì.

 Hiện trường nơi ông Tuân tự thiêu. Hình Internet

Theo một bài viết trên Pháp luật ngày 13/6/2017 thì sự việc giao đất cho các gia đình có đơn và được ông Tuân chuyển lên xã đúng như lời con ông Tuân kể, trừ chi tiết địa chính xã đến đo đất giao cho dân.

Và vì vậy, ông Tuân phải chịu trách nhiệm về việc tự ý giao đất. Mấu chốt nỗi oan của ông Tuân là ở đây.

Bài viết của Pháp luật cũng cho thấy thái độ bênh vực ông Tuân, thể hiện qua các chi tiết như “ông Tuân nói đây là tiền các gia đình tự nguyện ủng hộ vào quỹ của thôn. Số tiền này được ghi chép và chi tiêu công khai cho các hoạt động của thôn và các hộ dân không phản đối gì. Hiện ông Tuân đã dùng tiền túi trả lại cho các hộ dân. Tính đến khi bị khởi tố ông Tuân đã được nhân dân bầu làm trưởng thôn bốn nhiệm kỳ liên tiếp”.

Một chi tiết khác của bài báo: “Ông Nguyễn Tuấn Đạt (Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng) cho biết thời điểm đó xã có nhận được đơn xin đất của dân do ông Tuân chuyển lên. Xã có nói với ông Tuân sau khi đảng ủy và lãnh đạo xã thống nhất thì sẽ bổ sung phần các hộ xin đặt lăng mộ vào quy hoạch nghĩa trang. Nhưng do công việc lúc đó rất nhiều nên chưa kịp bàn bạc. “Ông Tuân là người thẳng tính, có trách nhiệm, xông xáo trong công việc nhưng vì cái chung chứ không vì bản thân”

Sự việc không lớn, đặc biệt không có tư lợi ở ông Tuân nhưng dẫn đến một kết cục bi thảm. Liệu có một nhóm vì tư thù mà tìm cách đẩy ông Tuân vào tù? Chị Nguyễn Thúy Hạnh ghi theo lời kể của con trai ông Tuân như sau: “Một người làng từng bị ông tố cáo tiêu cực vẫn thù ông nên đã kiện việc này, cùng với bí thư xã cũng có mối thù ông vì cho rằng trước đó ông xúi bẩy dân ko bỏ phiếu khiến ông bí thư này bị trượt ghế hội đồng nhân dân, nên vụ việc bị đẩy lên. Khi đưa ra thì địa chính và các bên liên quan nhất định chối việc chính họ đã đo và chia đất, đổ hết cho ông Tuân”.

Ông Tuân điều trị tại Viện bỏng quốc gia. Hình Internet 

*

Về vấn đề dân oan tự thiêu, phải nói rằng những người tự thiêu phải oan ức thật và oan ức lắm mới khiến họ có hành động như thế. Không thể có chuyện, “đúng người, đúng tội” mà lại đẩy họ tới mức ức chế, bế tắc, tuyệt vọng, không kiểm soát nổi hành vi để hủy hoại bản thân mình.

Qua việc ông Tuân và nhiều dân oan khác tự thiêu cho thấy, hệ thống tư pháp ở Việt Nam đã bị tê liệt, không còn công lý. Thực tế, rất ít đơn thư của dân oan được giải quyết. Bà Lê Hiền Đức, công dân chống tham nhũng đã phát hiện ra vụ cán bộ ở trụ sở tiếp dân trung ương, số 1 Ngô Thì Nhậm đem bán cả những thùng đơn thư của dân cho người thu mua đồng nát. Còn những trường hợp được giải quyết lại rất ít trường hợp thỏa đáng.

Tôi là người đã từng đi khiếu kiện nhiều lần, vì việc riêng có, vì việc của xóm có nên tôi cũng biết rõ cách giải quyết của các cơ quan tư pháp và các cơ quan hành chính. Thường là họ ngâm trong tủ, đùn đẩy, có giải quyết thì giải quyết theo lợi ích nhóm, thậm chí cứ người nhà nước là bênh nhau, bất chấp sự thật chứ không có chuyện công tâm. Chúng bao che, bảo vệ nhau từ cơ sở đến trung ương một cách trắng trợn, dân không làm gì nổi.

Tôi chỉ dẫn ra đây một ví dụ trong rất nhiều ví dụ mà tôi là nạn nhân trực tiếp của lối hành xử vô pháp. Có lần, tôi khiếu nại lên Cục thi hành án Hà Nội về việc tên Cao Thị Minh Hằng, Chi cục thi hành án Thanh Trì phá nhà, cướp đất nhà tôi giao cho nhà liền kề, hoàn toàn không có căn cứ pháp luật. Khi làm việc với tôi, trước lý lẽ và bằng chứng không thể chối cãi, họ phải thừa nhận tôi khiếu nại đúng. Tuy nhiên ngay sau đó, trong quyết định trả lời tôi bằng văn bản thì họ trả lời ngược lại. Việc này, Nguyễn Đức Thường, Cục phó thì hành án Hà Nội khi đó đã trâng tráo giải quyết như thế.

Lối làm việc vô cảm, trí trá và ngang ngược của các cơ quan có trách nhiệm làm người dân uất nghẹn tận họng mà không làm gì được. Có điều lạ là trong các kỳ họp quốc hội, vấn đề chà đạp lên luật pháp, gây oan sai cho dân không được nhắc đến.

3/7/2018

1 nhận xét:

  1. Nặc danh5/7/18 7:45 SA

    Hệ thống pháp luật của ta hiện nay không bị tê liệt đâu, thực tế là họ quá giỏi, muốn trị ai thì họ có cách để trị bằng được, muốn che chắn cho ai thì họ có cách để che. Như vậy phải khẳng định rằng, giới chức trong ngành luật pháp nước nhà trí tuệ siêu việt, nhưng cũng lưu ý là phải có cái gì đó làm động lực thì mới như thế.

    Trả lờiXóa