Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

Từ nhà ra ngõ (1, 2)

1. Trọc phú

Có những kẻ học hành thì ít thôi, sống thì vợ con, anh em cũng không chấp nhận nổi. Hắn đã trải qua nhiều nghề mà hắn cho đó là nhục nhã (tôi lại tâm đắc với câu nói của tiền nhân rằng "không có nghề hèn, chỉ có người hèn") nhưng vì cơ may nào đó mà trở nên có của.

Có thể do:

- Có chí kiếm tiền, cái này thì ok

- Găp may (như trúng xổ số)

- Khôn vặt, lọc lõi, nhiều mánh lới, khéo nịnh bợ tùy đối tượng.

- Do địa vị trong chính quyền tạo ra.

- Được người trong chính quyền, công an tạo điều kiện, bảo kê, tất nhiên có đi có lại, gọi là móc ngoặc.

- v.v...

Giàu thì kệ thôi. Điều đáng nói là hắn thấy mình tự nhiên thành lớp người khác. Hắn thấy trước đây, mọi người khinh bỉ, coi thường hắn thật vô lý mà chính hắn cũng tưởng là hắn đáng coi thường. Bây giờ thì hắn cho rằng mình có tài mà trước đây không biết.

Hắn bắt đầu coi thường người nghèo, cho rằng nghèo đi đôi với hèn. Hắn khinh những người không có của bằng hắn, kể cả những người từng cưu mang, giúp đỡ hắn.

Hắn bắt đầu thể hiện đẳng cấp. Thí dụ, "xe dưới 1 tỉ thì đừng rủ tao", khi có người ngỏ ý mời hắn đi chơi.

Dân gian có câu "Giàu đổi bạn". Hắn đánh bạn với những người có địa vị, người có tiền hơn hắn và xa dần những bạn cũ.

"Sang đổi vợ". Không dễ gì bỏ người vợ trong lúc hàn vi. Hắn có thêm vợ mới. Hoặc là năng đi đến phố đèn mờ.

Hắn không biết rằng hắn cũng rất đáng thương. Tiền tỉ không biến hắn thành con người có học vấn, có giáo dục, không biến hắn thành con người tế nhị và lịch lãm được. Có câu mà người ta hay nói trên mạng xã hội "có thể đem con khỉ ra khỏi rừng chứ không thể đem rừng khỏi con khỉ".

Điều này, có thể nhìn thấy rất nhiều ngoài xã hội và trong giới quan chức trong hệ thống chính trị hiện nay, từ cấp phường xã lên cấp trung ương.

*

Nhưng rất lạ ở chỗ, điều này quan trọng hơn những gì tôi vừa viết.

Từ khi hắn trở nên giầu có, khá nhiều người nể phục, muốn làm thân với hắn, coi việc được quen biết hắn là một sự hãnh diện mặc dù hắn không bao giờ giúp ai một đồng nào, không bao giờ bỏ ra 1 đồng cho người ăn xin. Đấy là một tâm lý khá phổ biến của người Việt chúng ta. Họ trầm trồ, xuýt xoa, khoe với tôi về những con người ấy với một giọng thèm khát và kính nể, rằng, "thằng ấy sống trên tiền", rằng "tiền nó đè chết người". Hỏi, ông nghèo thế, nó cho ông cái gì chưa. Bảo, làm gì có.

Nguyễn Tường Thụy



2. Nhà mày bằng cái bếp nhà tao

Về quê, đi qua cánh đồng thấy nhiểu mả to và đẹp. Có những khu mộ mươi năm lại đập đi xây lại vì có mả mới của dòng họ khác to hơn.

Vào làng, đến thăm một anh ngày xưa học trên tôi 2 lớp. Nhà anh mới xây lại, to lắm, thôi, miễn tả.

Tôi trầm trồ:

- Anh chị nhiều tiền thế?.

- Có ít thôi còn vay cả đấy.

- Thế sao anh chị không lựa sức mà làm. Lo nợ đã đành, còn sinh hoạt hàng ngày nữa. Tuổi anh cần ăn uống đủ dinh dưỡng, thuốc men, lúc nhỡ nhàng...

- Ở xứ này, ăn cơm rau không ai biết nhưng cái nhà thì không giấu được ai. Nhà bé, nó khinh cho, nên phải cố.

Xong anh hỏi tôi: “Cơ ngơi mày thế nào, có được mấy sào đất không?”

Tôi thưa, làm gì có, rồi tả cái nhà của tôi đang ở trên Hà Nội.

Anh thỏa mãn lắm bảo, thế nhà mày bằng cái bếp nhà tao thôi à?


Nguyễn Tường Thụy

1 nhận xét:

  1. Bác Thụy ơi ! Ở Việt nam là rứa mà ! Vai mang bị bạc kè kè - Nói quấy nói quớ người nghe ầm ầm ! Ở chổ tui có cha bí thơ chi bộ thôi mà cũng tưởng oai nói năng có vẻ đạo đức,dân nể lắm ...vì họ sợ mất miếng cơm thôi ! Tội rứa đó bác à !

    Trả lờiXóa