Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

Dư âm cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều.

NGUYỄN TƯỜNG THỤY 

Tin vui từ bán đảo Triều Tiên

Chuyến đi thăm Bắc Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng bắt đầu vào ngày 18/9/2018 là cuộc gặp thượng đỉnh thứ 4, sau hai cuộc gặp vào năm 2000, 2007 và cuộc gặp vào tháng 4 năm nay. 

Hai cuộc gặp đầu có nhiều thỏa thuận như giảm căng thẳng, đẩy mạnh nỗ lực tái thống nhất, hướng tới hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên, tổ chức cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị ly tán, thiết lập các cuộc trao đổi chính trị và thương mại, thậm chí đề cập cả việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, tình hình nhanh chóng căng thẳng trở lại cho tới tận năm 2017.

Tình hình đã trở nên sáng sủa hơn khi sau cuộc gặp thứ 3 vào ngày 27 tháng 4 năm 2018, hai bên đã có những hành động cụ thể thực hiện cam kết như đã tháo dỡ hệ thống loa tuyên truyền dọc biên giới hai nước ngay sau đó và 1 tháng sau, Bắc Triều Tiên đã tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Những động thái này từ cả hai phía đã tạo cho cuộc gặp thượng đỉnh 5 tháng sau một không khí nồng ấm hơn, tin cậy lẫn nhau hơn. 

Cảnh nhân dân Bình Nhưỡng nồng nhiệt đón Tổng thống Hàn Quốc thật cảm động. Ông Moon Jae-in được đón như người thân trong nhà. Đặc biệt, sau 68 năm, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã thỏa thuận kết thúc tình trạng chiến tranh. Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng được tái cam kết và đã thống nhất được lộ trình cụ thể trong đó có việc đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon và bãi thử tên lửa Dongchang-ri tại Triều Tiên. 

Cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều mang tầm vóc quốc tế. Kết quả của nó làm cho loài người yêu chuộng hòa bình tràn trề hy vọng. Xu hướng giải quyết mọi xung đột bằng phương pháp hòa bình đang thắng thế. 

Trông người lại ngẫm đến ta

Nhìn Triều Tiên hôm nay, không khỏi chạnh lòng nghĩ đến Việt Nam (VN). Nước Đức tái thống nhất sau 45 năm chia cắt, Triều Tiên sau 1953 mặc dù vẫn trong tình trạng chiến tranh nhưng không dùng bạo lực quân sự thôn tính lẫn nhau. Trung Hoa lục địa và Đài Loan cũng thế. Còn VN có 20 năm để thống nhất đất nước nhưng bằng chiến tranh. Cuộc chiến tranh đã cướp đi sinh mạng khoảng 5 triệu người. Sau chiến tranh, hàng triệu người bỏ nước ra đi và hàng trăm nghìn người đã bỏ xác trên biển. Về tổn thất vật chất, sự tàn phá đất nước thì không thể tính đếm được. Và cuộc chiến tranh ấy mới chỉ thống nhất được về mặt lãnh thổ, còn lòng người vẫn ly tán. Điều quan trọng nữa là sự thống nhất đã đi đến một Việt Nam như hôm nay, lạc hậu và trì trệ so với khu vực và thế giới. Người ta tiếc, nếu hai miền Nam Bắc VN vẫn giữ nguyên trạng năm 1954 thì giờ đây đã có nửa nước ít nhất cũng được như Hàn Quốc. 

Chế độ VN và Bắc Triều Tiên đều có quan hệ nợ nần với Trung Quốc (TQ) trong chiến tranh. VN nợ về vật chất, về phương tiện chiến tranh còn Bắc Triều Tiên thì nợ máu. Vài trăm nghìn quân chí nguyện Trung Quốc đã chết khi tham chiến ở Triều Tiên. Thế nhưng, Bắc Triều Tiên không phụ thuộc nặng nề vào TQ như VN. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn có thái độ đàng hoàng, tự chủ, không khúm núm đối với TQ. Phong cách của Kim Jong-un trong chuyến thăm TQ mới tháng 3 năm nay là một ví dụ. TQ không thể lên giọng kẻ cả, coi thường Bắc Triều Tiên. 

Thế giới đang hài lòng theo dõi những diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên. Thật khó tưởng tượng được mới năm 2017 quan hệ liên Triều từng rất căng thẳng. Với hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân, Bắc Triều Tiên đã làm cho Hàn Quốc lo lắng và Mỹ tức giận. Vì thế, sự chuyển biến mau lẹ vào năm 2018 thật ngoạn mục. 

Tại sao Bình Nhưỡng đón ông Moon Jae-in không có quốc kỳ Hàn Quốc? 

Những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên là ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ Bắc Triều Tiên bởi chất cộng sản của chế độ chính trị. Họ không tin rằng một quốc gia cộng sản, thỉnh thoảng lại mang hạt nhân ra táy máy, hù dọa thiên hạ, kể cả Mỹ lại có thể thành tâm và vì thế, người ta lo cho Hàn Quốc có thể bị... lừa. Sự lo ngại này là có cơ sở. Có điều, nếu nhận xét chế độ Bắc Triều Tiên là độc tài thì đúng nhưng đấy có phải là chế độ cộng sản không thì điều này chưa rõ ràng. 

Xét toàn bộ quá trình thì có thể thấy, sự mong muốn hòa bình nghiêng nhiều hơn về phía Hàn Quốc. Việc tình hình căng thẳng trở lại sau hai cuộc gặp thượng đỉnh dưới thời ông Kim Jong-il, nguyên nhân cũng là từ phía Bắc Triều Tiên. Trong 4 cuộc gặp thượng đỉnh thì có 3 cuộc gặp tại Bình Nhưỡng, còn một cuộc gặp diễn ra ở Hàn Quốc. Thậm chí cuộc gặp tại Hàn Quốc chỉ trong phạm vi trong Khu vực an ninh chung Bàn Môn Điếm, do phía Bắc Triều Tiên lựa chọn, chứ không phải là thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Điều này cho thấy nỗ lực của phía Hàn Quốc là không biết mệt mỏi. Hy vọng ông Kim Jong-un có tư duy thực tế hơn cha và ông của ông. 

Để ý hai cuộc gặp gỡ Liên Triều trong năm nay thì thấy, khi Hàn Quốc đón ông Kim Jong-un không sử dụng cờ của bất cứ bên nào mà chỉ dùng cờ biểu tượng chung cho bán đảo Triều Tiên (in bản đồ Triều Tiên màu xanh trên nền trắng. Hình1). Nghi lễ rất trọng thị, mang đậm màu sắc truyền thống. Đội nghi lễ mặc trang phục thời xưa với những lá cờ nhiều màu sắc, không mang biểu tượng chính trị. Còn nghi lễ đón ông Moon Jae-in tại sân bay quốc tế Sunan lại có hai cột treo quốc kỳ Bắc Triều Tiên chứ không phải một cờ Bắc Triều Tiên và một cờ Hàn Quốc (Hình 2). Người dân Bắc Triều Tiên hân hoan và nồng nhiệt vẫy chào ông Moon Jae-in hai bên đường đều mang cờ Bắc Triều Tiên và cờ chung cho bán đảo Triều Tiên mà không có lá cờ Hàn Quốc nào (Hình 3). 

 Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều diễn ngày 27/4 tại Bàn Môn Điếm Ảnh: hk01.com 

Lễ đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại sân bay quốc tế Sunan. Ảnh MoneyS 

Người dân Bình Nhưỡng chào đón Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh koreatimes 

Theo thông lệ, khi đón khách, nước chủ nhà đều dùng 2 quốc kỳ biểu tượng cho hai quốc gia. Thậm chí khi đón khách Trung Quốc, VN còn thêm cả một ngôi sao nhỏ vào cờ Trung Quốc cho khách hài lòng. 

Trường hợp Nam, Bắc Triều Tiên, nếu không dùng cờ riêng của mỗi bên để bày tỏ nguyện vọng thống nhất thì chỉ nên dùng cờ chung cho bán đảo. Nhưng ở Bình Nhưỡng, ngoài cờ chung cho bán đảo Triều Tiên còn dùng cờ của riêng mình chứ không dùng song song với cờ Hàn Quốc. Điều này hẳn là phía Bắc Triều Tiên có sự tính toán kỹ càng và có lẽ qua đó họ muốn gửi đi một thông điệp ngầm nào đó cho phía Hàn Quốc. 

21/9/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét