Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Ký sự Miến Điện: Đi tìm anh em lạc loài (3)

Tác giả là Nguyễn Gia Quốc (Hoa Kỳ). Ông quê gốc Hà Nội, di cư vào Nam 1954, năm nay 74 tuổi, nguyên trung úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa, từng ở tù 11 năm dưới chế độ hiện nay ở Việt Nam.

Ông là Hội viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Đây là một trong loạt bài ký viết trong chuyến đi một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Miến Điện mà ông đang thực hiện.

========


Hôm nay chúng tôi rời khỏi bản. Một cái bản mà ngay cả những người Mông Tin lành, gốc Việt Nam đang lẩn trốn ở đó, tại miền bắc tiếu bang Shun,Miến Điện, nơi rừng sâu thẳm, giáp ranh biên giới Hoa, Việt, cũng không biết tên. Chúng tôi phải chia tay những người vừa mới quen mà đã thân thương.

Tôi thức dậy, những người chung quanh vẫn còn ngủ ngon, rón rén bước trên tấm ni lông trải làm chiếu trên nền đất nện bazan lởm chởm đá, tránh tiếng động làm cho họ thức giấc.

Đồng hồ của chiếc điện thoại chỉ 4 giờ, tôi ra sân, ngồi trên chiếc võng ngoài hiên. Hơi sương lạnh làm tỉnh cơn ngái ngủ. Chung quanh một màu đen thăm thẳm, những ngôi sao trên trời có vẻ như to hơn, sáng hơn.

Một người đàn ông từ trong nhà ra, kéo ghế ngồi xuống bên cạnh tôi.

- Thầy không ngủ được sao?

Giọng của ông ta không khác gì giọng người Kinh. Tối qua ông đã nói với tôi, mười mấy năm rồi ông không được nói tiếng Kinh. Ông thèm được nghe, nói tiếng Kinh.

Không trả lời câu hỏi của ông. Tôi hỏi lại.

- Không ngủ được sao?

- Không. Nhớ Việt Nam quá.

Tôi yên lặng. Một lát ông ta thì thào như nói cho một mình.

- Quê hương tôi mà.

Tôi yên lặng, ông cũng yên lặng. Tôi tin cả hai chúng tôi cùng đang nghĩ đến một nơi chúng tôi đều muốn về.

Lặng thinh.

Chung quanh chỉ nghe tiếng côn trùng nỉ non.

- Thôi em đi đây. Ông nắm chặt lấy tay tôi, giọng nghèn nghẹn.

Ông ở xa bản, đến rất trễ. Tôi không hỏi ông từ đâu đến, tôi cũng không hỏi ông đi về đâu. Khi ông đến, trời đã tối, ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi không nhận rõ mặt ông qua ánh đèn led.

Ông đi xuống dốc, bóng áo trắng nhờ nhờ buồn bã lẫn vào màn đêm rừng già.



Những người dậy sau đến, kéo ghế ngồi gần tôi. Chúng tôi thành một nhóm im lặng. Đám thanh niên mấy chục người không bia rượu, thuốc lá, nghiện ngập, chửi bậy như thanh niên người Kinh tôi thấy đầy rẫy mỗi khi về VN. Qua một đêm tâm tình, sự sợ hãi nghi ngờ người Kinh, trong vài em tôi thấy, không còn nữa. Họ đã gần gũi với tôi hơn. Hầu hết họ đến vì nghe nhiều về người đi với tôi. 

Một người đứng dậy ôm lấy tôi:

- Con đi nhé bố!

Lần lượt những người khác cũng chào tôi đi theo cách này.

Đó là đám thanh niên từ vùng Miến Điện Mới, một vùng chính phủ Liên bang Miến gọi là thuộc quân phiến loạn. Họ cũng đến rất trễ, ngủ lại với chúng tôi, dậy sớm, bỏ đi khi người trong bản còn ngủ.

Còn lại một mình giữa đêm chưa sáng, tôi lại tự hỏi tại sao họ phải bỏ tất cả để lưu lạc nơi này và tương lai họ,con cháu họ sẽ ra sao.

Hàng trăm năm trước, những người Pilgrim Anh bị chính quyền đàn áp vì sự thờ phượng Thượng Đế khác nhau, đã tìm đường trốn qua thuộc địa của họ và rồi lập nên một quốc gia Hoa Kỳ hùng mạnh nhất thế giới. Cuộc hành hương của những người Pilgrim có đích đến. Cuộc trốn chạy của những người Mông tại Việt Nam bị đàn áp tôn giáo không có nơi đến. Họ tan tác như bầy nai bị sói dữ tấn công chỉ biết chạy, mỗi người một hướng, để giữ lấy mạng sống, giữ lấy đức tin. Người dân tộc thiểu số VN từng cam chịu bị đối xử bất công trên ngay chính quê hương mình đã bao nhiêu năm, nay phải nhổ gốc ra đi vì niềm tin bị đe dọa .

Tôi đã gặp những người dân tộc Ễ đê,Jarai.. phải trốn khỏi nơi cha sanh mẹ đẻ vì lý do tôn giáo. Tôi cũng từng nghe những người đó thì thào tiếng nhớ Việt Nam, nhớ quê hương. Tôi cũng như họ, nhớ Việt Nam, nhớ quê tôi như dân Do Thái nhớ Giêrusalem.

Những người Mông hiền lành gốc rễ từ Vân Nam, hàng trăm năm trước bị người Tàu đánh tan tác, chạy xuống các vùng Việt Nam,Lào, Miến Điện và Thái Lan trở thành công dân của những nước sở tại. Họ sống trên những đỉnh núi cao, nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi (làm gì có muối, đắt như vàng trên cao, cho gà ăn?)

Từ thời xa xưa lắm, tổ tiên họ gốc từ Vân Nam, Trung Quốc đã chọn sống xa cách trên mãi đỉnh non cao như để tránh đụng chạm, không tranh giành quyền lợi, không tranh giành đất đai với các dân tộc khác. Họ sống như nai, như thỏ. Hình như chạy trốn là phương thế họ chọn lựa khi không chịu đựng nổi sự đàn áp lấn chiếm của kẻ mạnh hơn. Họ sống ở đâu cũng chỉ cầu xin có sự bao dung. Đơn giản chỉ thế thôi,đói khổ dần cũng quen, quên đi rồi qua đi. Những người con của rừng núi đã từng chịu đựng, mọc rễ sống còn dưới nhiều chế độ hà chánh mãnh ư hổ, nhưng đến lúc bị ép buộc từ bỏ niềm tin tôn giáo thì họ đành bỏ mồ mả tổ tiên, nơi chôn rau cắt rốn trốn đi.

Báo Biên Phòng tỉnh Nghệ An Việt Nam ngày 29 tháng 7 2018 [https://bit.ly/2Psn20s] nói những người Mông Việt Nam theo đạo Tin Lành bị lôi kéo sang Lào tham gia các tổ chức phản động bạo loạn cướp chính quyền để đón vua lập nhà nước vương quốc Mông tự trị

Lê xuân Trinh, người viết bài Cảnh giác với hoạt động truyền đạo trái pháp luật vào vùng dân tộc Mông của tờ báo Biên Phòng này,nếu muốn, tôi có thể dẫn ông đi đến những vùng dân tộc Mông Việt Nam đang ẩn náu trong rừng Lào, Thái, Miến, chỉ cho ông thấy họ sống như thế nào để ông nhìn ra cái ác tâm, cái ý đồ thâm độc của chính quyền Việt Nam, mà ông chỉ lập lại như cái băng thâu âm. Chính quyền Việt Nam dồn người Tin Lành Mông Việt Nam đến bước đường cùng khi quàng cái tội gọi là thành lập Vương quốc Mông, khiến ngay dưới con mắt của chính quyền sở tại họ cũng bị nghi ngờ. Tôi thách ông Lê xuân Trinh và chính phủ VN chỉ ra nơi nào người Mông Tin Lành VN, đang sống vất vưởng vì phải bảo vệ tín ngưỡng của họ, có dấu vết của cái gọi là Vương quốc Mông.

Vô thần là quyền của bất cứ ai muốn, nhưng nghi ngờ, đàn áp người có niềm tin, nhất là đàn áp họ bằng cách quàng lên cổ họ những tội như chia rẻ dân tộc, ly khai v..v thì hiển nhiên không chấp nhận được

Từ ngày theo đạo Tin Lành, nhận Thượng Đế là Cha Chung của Nhân Loại, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc, cuộc sống ma mị, mê tín dị đoan, kềm hãm sự phát triển cả về tâm linh và tâm trí của người Mông Việt Nam đã hoàn toàn bị phá bỏ, họ ý thức được con người có tự do và bình đẳng, một thứ ý thức mới của người bị đàn áp mà kẻ đàn áp người luôn sợ hãi. Họ đã bị chính quyền Việt Nam gọi là bọn theo tà đạo, bọn theo đạo Vàng Chú, tà đạo Giê Xù (!), bắt phải trở về với đạo ông bà cha mẹ, hay ngớ ngẩn hơn nữa là bắt người Mông phải theo phong tục tập quán xưa. Họ bị gán ghép những cái tội mà chính họ không hiểu nghĩa là gì. 

Báo Biên Phòng lại cho rằng sự trốn chạy của họ “muốn thoát khỏi sự bế tắc về tinh thần khi đã tin, theo đạo Tin Lành”.

Dưới chế độ vô thần mà tôn giáo bị coi như một thứ thuốc phiện, bị nghi ngờ, bị đàn áp, thậm chí bị giết thì những con người hiền hòa như chim, như nai, như thỏ chỉ biết trốn chạy khỏi nơi trú ẩn khi bị tấn công. Từ hàng trăm năm trước họ đã phải trốn sự đàn áp, tiêu diệt dã man của chính quyền phong kiến Trung Quốc, chạy xuống các vùng phía nam như Việt Nam, Lào, Miến Điện, Thái Lan và không hề có một ý tưởng lập bất kỳ một vương quốc Mông. 

Những người Mông đi đến đâu cắm rễ đến đó, nhận đó là quốc gia của họ. Và rồi thế hệ này qua thế hệ khác, quốc gia cưu mang họ trở thành quê cha, đất tổ, là nơi chôn rau cắt rốn của họ. Sống ở đâu họ yêu quê hương đó của họ.

Trải qua hàng trăm năm được bao bọc bởi sự khoan dung của các chính quyền phong kiến Việt Nam. Đến bây giờ họ phải ra đi để bảo vệ một niềm tin mới. Nhưng số phận không mỉm cười với những người chạy trốn loanh quanh trong vùng Đông Nam Á.

Tôi đã từng nghe nhiều người Mông đang lưu lạc ngay cả trên đất Hoa Kỳ, hay tha hương cầu thực ở Lào, ẩn trốn ở Thái Lan thì thầm nói với tôi “ Nhớ Việt Nam quá, quê hương của tôi”. Câu nói đó, tâm tình đó phát xuất từ con tim của họ như từ con tim của tôi. Bạo lực nào đã bắt những người Mông hiền hòa, theo đạo Tin Lành phải nhổ rễ của họ, bắt họ phải lưu vong, trốn chạy đến các vùng đất lạ, bỏ lại mồ mả tổ tiên? Khi người thân yêu nằm xuống, không đất chôn, phải bỏ xác trôi theo dòng suối. Số phận họ cũng vậy, đang trôi theo dòng nước, không biết về đâu!





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét