Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

NÊN ĐẶC XÁ TRẦN HUỲNH DUY THỨC

Cho đến nay, một cựu lãnh đạo Cục An ninh kinh tế (A17 cũ) vẫn cho rằng, vụ Trần Huỳnh Duy Thức đã bị chính trị hoá. Hành vi "chống phá" đáng kể nhất của anh là lập ra hai blogs: Change We Need - nói những chuyện khuất tất trong gia tộc Nguyễn Tấn Dũng; Trần Đông Chấn - chỉ trích các chính sách của Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Giờ đây, nhiều bài viết từ trước 2009 của anh, đọc lại, chúng ta vẫn thấy rất là tâm đắc.

Từ Công ty tin học Duy Việt (1994) cho tới công ty cổ phần Công nghệ thông tin EIS (EIS, Inc. 2000), Trần Huỳnh Duy Thức và cộng sự đã chứng minh các anh đủ năng lực và khát vọng để "Tiến công mạnh mẽ vào thị trường CNTT quốc tế, chuyển tri thức Việt Nam thành những giá trị cao trong nền kinh tế tri thức thế giới."

Chỉ sau 2 năm, nhóm của anh đã có 3 công ty: One-Connection Singapore, One-Connection USA và One-Connection Vietnam có mặt ở San Jose (California, Mỹ), Sài Gòn và Singapore. Nhiều năm trước khi bị bắt, One Connection Singapore đã được coi là "nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên môi trường Internet toàn cầu".

Tháng 3-2009, Lê Mạnh Hà - con trai tướng Lê Đức Anh, người luôn hậu thuẫn mạnh mẽ cho Nguyễn Tấn Dũng - ra quyết định buộc One-Connection Việt Nam ngừng cung cấp dịch vụ, tịch thu các máy móc thiết bị. Cũng trong tháng 3, Trần Huỳnh Duy Thức & Lê Công Định "bị dụ" sáng Phu Khét, Thái Lan... tháng 5 họ bị bắt. Vụ án không đơn giản chỉ là "chống phản động" mà còn nhắm tới hai thành viên trong "Top Five".

"Âm mưu chính trị" của nhóm Trần Huỳnh Duy Thức nếu có chỉ là khát khao canh tân đất nước. Họ nôn nóng và nhanh chóng bị đàn áp bởi chống độc tài mà vừa không có chút kinh nghiệm đối phó nào với các mẹo vặt của đám tay chân của các nhà độc tài; vừa quá lãng mạn cách mạng; lại vừa thuộc vào rất ít các "nhà chính trị" tin vào "Trạng", vào "Sấm" vào "chân mệnh" của những người họ nghĩ sẽ trở thành "Thiên tử".

Trần Huỳnh Duy Thức vừa là một trí thức tầm cỡ, có tư duy, có khát vọng; vừa là một doanh nhân tài ba. Lẽ ra giờ đây, chúng ta đã có một người VN có chỗ đứng trong nền kinh tế tri thức ở bên ngoài Biên giới. Họ sa cơ trong một tình huống mang nhiều màu sắc của động cơ cá nhân.

Bây giờ là lúc không nên trễ hơn nữa để Chủ tịch Nước ký lệnh đặc xá anh. Tôi tin, cho dù Trần Huỳnh Duy Thức có rất nhiều quần chúng, việc trả tự do cho anh không những không hề đe doạ Chế độ mà còn tăng thêm nhiều thiện cảm hơn cho Chế độ.

FB Trương Huy San

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét