Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Giới ngoại giao nước ngoài đọc tuyên ngôn nhân quyền LHQ ở Hà Nội


'Chúng tôi tôn vinh các quyền phổ quát'

21 đại sứ và phó đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đọc bản tuyên ngôn nhân quyền vào ngày Nhân quyền Quốc tế hôm 10/12/2018.

Trên trang Facebook của mình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink kêu gọi việc cùng chia sẻ video được đưa lên cùng ngày "để cùng chúng tôi tôn vinh các quyền phổ quát, vĩnh cửu và không thể tách rời".




Thước đo chung cho tất cả các nước

Trong 'Lời nói đầu' của Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, được Đại hội đồng LHQ thông qua vào năm 1948, Đại sứ Kritenbrink đọc đoạn sau:

"Bản tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền này là thước đo chung cho tất cả các nước và tất cả các dân tộc đánh giá việc thực hiện mục tiêu mà mọi cá nhân và mọi tổ chức trong xã hội, trên cơ sở luôn ghi nhớ Bản tuyên ngôn này..."

'Lời nói đầu' của tuyên ngôn cũng được Đại sứ Anh, New Zealand và Canada cùng đọc.

Image captionĐại sứ Vương Quốc Anh Gareth Ward dùng mạng xã hội khá thường xuyên để kết nối với bạn đọc tiếng Việt.

"Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền đã dẫn đến những hành động tàn bạo xâm phạm tới lương tâm của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận và tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và cùng cực được coi là nguyện vọng cao cả nhất của loài người,

"Nhân quyền phải được pháp luật bảo vệ để mỗi người không buộc phải nổi loạn như là biện pháp cuối cùng để chống lại chế độ cường quyền và áp bức,..." Đại sứ Vương Quốc Anh Gareth Ward đọc trong video dài hơn 12 phút và có 30 Điều trong tuyên ngôn.

Image captionHôm 10/12/2018 là ngày Nhân quyền Quốc tế và cũng là 70 năm ngày thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.

Điều 5 nói "Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm" được bà Caít Morgan, Đại sứ Cộng hòa Ireland, đọc.

Điều 10 và 11 về quyền được một toà án độc lập và vô tư phân xử công bằng và công khai để xác định quyền, nghĩa vụ hoặc bất cứ một lời buộc tội và nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai được Đại sứ Đan Mạch Kim Hojlund Christensen đọc trong video này.

Ông Wojciech Gerwel, Đại sứ Cộng hòa Ba Lan, nước từng thuộc khối XHCN Đông Âu, thì đọc phần nói về quyền của công nhân viên, nghiệp đoàn.

Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng nói về quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia và mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình.

Bản quyền hình ảnh FBImage caption Đại sứ New Zealand nói về nhân quyền trong video

Điểm đáng chú ý là tuyên ngôn trong khi nói mọi người đều có quyền tìm kiếm và được lánh nạn ở những nước khác khi bị ngược đãi thì quyền này không được áp dụng trong trường hợp đương sự bị truy tố vì những tội không mang tính chất chính trị hay vì những hành vi đi ngược lại mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, theo những gì các nhà ngoại giao nước ngoài đọc và phát hành trên video có phụ đề tiếng Việt.

Người xem video có thể thấy các nhà ngoại giao đọc trong phòng làm việc, có nơi nhìn ra cửa sổ là đường phố Hà Nội.

Riêng đại sứ Pháp, Bertrand Lortholary, ghi hình phần ông đọc bằng tiếng Pháp trong khuôn viên tòa đại sứ, với cây xanh đằng sau.
Khác biệt về diễn giải

Tại Việt Nam, bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền có thể đọc được công khai trên trang Thuvienphapluat.

Các trang báo chính thống như tờ Nhân Dân cũng thường có bài kỷ niệm ngày nhân quyền quốc tế.

Điều khác biệt với thế giới chỉ là ở chỗ các tờ báo này nhấn mạnh đến phần "tự do, độc lập dân tộc", và lồng nội dung này vào việc "phát huy dân chủ, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người vốn được coi là bản chất của chế độ chính trị xã hội và sự nghiệp cách mạng của Ðảng Cộng sản và Nhà nước XHCN" ở Việt Nam.

Trong khi đó, các nước theo chế độ đa đảng, dân chủ đại nghị và giới vận động thì nhấn mạnh vào quyền con người cụ thể như tự do cá nhân và các định chế của xã hội dân sự.

Xem thêm về nhân quyền:





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét