Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện: Không có con đường cho dân oan ở Việt Nam

Nguyễn Tường Thụy

Dân oan bảo vệ bà Cấn Thị Thêu. Ảnh Fb Trịnh Bá Phương - rfa
Sau nhiều chục năm lao đao trong kinh doanh, bị tịch thu tài sản, chịu tù tội và theo kiện, ông Trịnh Vĩnh Bình đã giành thắng lợi bằng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Ngoài số tiền 37.518.596 đô la Mỹ phải bồi thường cho ông Bình, phía Việt Nam phải chịu 7.897.843,65 đô la án phí, chi phí pháp lý, luật sư.
Chia sẻ với VOA về thắng lợi này, ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết “ông hy vọng vụ kiện của ông sẽ mở ra một con đường cho những người dân khác mất đất đai, tài sản tại Việt Nam muốn giành lại công lý” (theo VOA).
Trước hy vọng của ông Trịnh Vĩnh Bình về những khả quan cho người dân mất đất đai, tài sản, theo tôi, chỉ nên chúc mừng thắng lợi của ông, và nếu có hy vọng thì hy vọng cho những người như ông, tức là những doanh nhân nước ngoài đầu tư vào VN, chứ không hy vọng điều gì sáng sủa cho những người dân trong nước bị cướp đất đai, tài sản.
Phải khẳng định rằng, nếu ông không phải là công dân Hà Lan thì ông không thể thắng kiện mà phải chịu mất tài sản và chịu tù đày cho hết án. Ông nói, có lúc ông từng nghĩ đến chuyện tự tử. Nếu từng có ý nghĩ ấy, mà ông chỉ ở vị thế một người VN bình thường, có lẽ ông đã tự tử thật. Nhưng vì ông là công dân Hà Lan nên ông còn nuôi hy vọng. Dù sao thì sự kiên trì, gan góc của ông phải nói là hiếm thấy. Sự kiên trì ấy cộng với yếu tố Việt Kiều cuối cùng đã đem lại cho ông thắng lợi.
Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng phía VN “đã không tính đến, không tôn trọng các quy định pháp luật ở trong nước, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài. Lúc bấy giờ, người ta coi ông Trịnh Vĩnh Bình là người Việt Nam, một Việt Kiều quay trở về nước đầu tư hơn là một nhà đầu tư nước ngoài. Chính sự nhầm lẫn đó dẫn đến các quyết định không phù hợp dẫn đến các diễn biến và các hệ quả đáng tiếc”. (VOA)
Nhận định của ông Lê Đăng Doanh là có cơ sở. Trong vụ việc này, phía VN vừa nhầm lẫn, vừa chủ quan và vừa đánh giá sai đối phương. Họ chủ quan tới mức, phớt lờ cả thỏa thuận bồi thường cho ông Bình 15 triệu đô la Mỹ và trả lại tài sản đã tịch thu của ông để ông rút đơn kiện, theo kiểu “tao không trả làm gì được tao”. Nếu không chầy cối như thế, làm gì có kết cục thua bẽ bàng như vậy. Đương nhiên, về mặt pháp lý thì dù là người Việt hay là người nước ngoài đều phải được đối xử theo đúng qui định của luật pháp, nhưng ở đây, ông Doanh nói là căn cứ vào tình hình thực tế về thực thi pháp luật ở VN. Họ giải quyết việc đối với ông Bình quen theo kiểu ở VN nên mới dẫn đến thua kiện. Người dân thường bị oan ức không kêu được ai nhưng với ông Trịnh Vĩnh Bình thì khác.
Vì vậy, việc thắng kiện của ông Bình có thể đem lại sự cổ vũ cho các nhà đầu tư nước ngoài nếu bị đối xử tùy tiện, trái luật. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có kinh nghiệm từ vụ kiện của ông Bình còn phía VN cũng phải cẩn thận hơn, tôn trọng họ hơn. Cái đau của phía VN là cái đau về tinh thần, là sự bẽ bàng, là hình ảnh không mấy hay ho trong con mắt quốc tế. Chứ còn 45 triệu đô la với họ cũng chỉ là số tiền rơi vãi.
Nhưng đấy là chuyện của ông Trịnh Vĩnh Bình. Còn với dân oan ở VN thì sao? Việc ông Bình thắng kiện chẳng đem lại hy vọng gì cho họ. Có chăng là họ vui thích vì có người đã chiến thắng kẻ đã gây ra bao nỗi oan khiên cho họ.
Ở VN, không có sở hữu tư nhân về đất đai và luật đất đai vẫn tiếp tục bị lợi dụng để cướp đất phá nhà của người dân một cách trắng trợn, đẩy hàng vạn nông dân vào cảnh cùng quẫn. Người nông dân có thể bị mất đất bất cứ lúc nào, dưới danh nghĩa “thu hồi” đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng thực chất là cướp để thỏa mãn cơn khát làm giàu của những nhóm lợi ích. Nhiều vụ “thu hồi” đất trái luật và tàn bạo như đánh đập, đẩy người dân vào vòng tù tội.
Lẽ thường, bị oan sai thì khiếu kiện. VN cũng có đủ luật về khiếu nại tố cáo, cũng qui định thời hạn, trình tự giải quyết. Nhưng vấn đề ở chỗ, chẳng ai giải quyết đơn thư của họ. Việc làm sai trái của nhà cầm quyền được bảo kê chặt chẽ, từ cấp cơ sở đến trung ương. Vì thế chúng rất tự tin thách thức: “Tôi giải quyết thế đấy, muốn kiện đâu thì kiện”.
Nếu sòng phẳng về pháp luật, sẽ không có chuyện dân oan VN ngày càng đông hơn, kêu kiện từ năm này qua năm khác, từ chục năm này đến chục năm khác. Khác với các nhà đầu tư nước ngoài, dân oan bị cướp đất đai tài sản vẫn là thân phận con sau cái kiến, bị đối xử sao phải chịu vậy. Nói không ngoa rằng, VN là cường quốc dân oan. Vấn đề dân oan ở VN đang bế tắc khi hệ thống chính trị ngày càng trở nên thối nát, cản trở sự phát triển của xã hội.
Cho nên việc ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, tôi cũng chỉ biết chúc mừng ông. Tuyệt nhiên tôi không hy vọng sự kiện này sẽ mở ra một con đường cho những người dân oan ở Việt Nam muốn giành lại công lý.  

17/4/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét