Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Bác sĩ Hoàng Công Lương nhận tội: Thất bại của công lý trước quyền lực

NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên toà sơ thẩm. Ảnh Dân trí

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm 12/6/2019, bác sĩ Hoàng Công Lương rút 2 trong 3 đơn kháng cáo, thừa nhận mình phạm tội vô ý làm chết người.
Đọc thông tin này mà thấy đau xót. Hoàng Công Lương đã phải khuất phục trước quyền lực.
Việc nhận tội của Bs Hoàng Công Lương nói lên anh đã quá mệt mỏi phải “buông vũ khí đầu hàng”. Điều này đồng nghĩa với việc công lý đã thua quyền lực.
Một vụ án mà dư luận đều đứng về phía bị cáo. Nhiều người đã phân tích, chỉ ra rằng, bất kể ai ở vào vị trí của vị bác sĩ này cũng sẽ làm y như vậy. Đây là lỗi quy trình.
Một vụ án mà 18 gia đình nạn nhân đều ký đơn xin trả tự do cho Hoàng Công Lương. Điều này nói lên, các gia đình bị tổn thất về nhân mạng hay sức khỏe cũng đều cho rằng Hoàng Công Lương vô tội.
Một người nhà có con thiệt mạng nói về Bs HCL sau: "Người nhà chúng tôi một năm 12 tháng thì 6 tháng ở bệnh viện đã nhận được sự chăm sóc tận tình của bác sĩ Hoàng Công Lương. Bác sĩ Lương là người có y đức, năng lực, gia đình người nhà chúng tôi không quên ơn bác sĩ Lương" (theo soha.vn)
Bộ y tế cũng khẳng định Bs Hoàng Công Lương vô tội và ‘cho rằng trường hợp tòa phúc thẩm vẫn xác định tội danh này với bác sĩ Lương sẽ là "tiền lệ vô cùng nguy hiểm, rất xấu" và tạo ra tâm lý bất an cho các nhân viên y tế trong cả nước’.
Theo trang “pháp luật” thì sau khi Bs Hoàng Công Lương nhận tội, Đại biểu QH Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội vẫn cho rằng BS Hoàng Công Lương vô tội.
Ông Tuấn nhận định “áp lực về tinh thần, khủng bố về tinh thần có thể làm cho BS Lương không còn kiên định nữa”.
Qua 2 phiên sơ thẩm, sức tự bảo vệ của Hoàng Công Lương yếu dần và và tới phiên phúc thẩm thì buộc phải nhận tội để xin giảm nhẹ hình phạt. Có lẽ anh nghĩ, thà nhận tội còn hơn là sẽ hóa điên vì áp lực tinh thần.
Một vụ án có đến 3 lần thay đổi tội danh từ "Vi phạm quy định khám chữa bệnh" sang “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” rồi đến “Vô ý làm chết người” nói lên cơ quan tư pháp lúng túng trong việc xác định tội danh và tìm mọi cách để buộc Bs Hoàng Công Lương nhận tội.
Việc bằng mọi cách ép bị cáo nhận tội là mục tiêu của các cơ quan tư pháp. Tâm lý không chịu thua đã gây ra rất nhiều vụ án oan sai. Đã bắt là phải có tội. Nhiều khi tội được bật ra từ các đòn tra tấn. Điển hình phải kể đến vụ án xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn.
Với các vụ xử tù nhân lương tâm, không ép được các bị cáo nhận tội thì họ vẫn tuyên theo án bỏ túi. Họ bỏ qua những lời bào chữa của luật sư mặc dù không bác bỏ được.
Chưa hết, tuyên án rồi, họ vẫn còn ép tù nhân lương tâm đang thi hành án ở các trại giam nhận tội bằng mọi cách khủng bố tinh thần. Không ép được thì họ trả thù bằng sự ngược đãi, tạo ra những điều kiện sinh hoạt tồi tệ hoặc bố trí cho những phạm nhân thường phạm đánh.
Việc xét xử phải căn cứ vào các chứng lý. Lời khai hay sự nhận tội chỉ có giá trị tham khảo. Nhưng các cơ quan tư pháp không quen làm thế mà  bằng các quy kết chủ quan họ chỉ lăm le làm sao cho bị cáo nhận tội.
Sau khi Bs Hoàng Công Lương nhận tội, dư luận và các tổ chức vẫn tiếp tục bảo vệ anh. Có thể anh sẽ được giảm án nhưng dù sao đấy cũng là một thất bại của công lý trước quyền lực.
14/6/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét