Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

Báo chí nhà nước đưa tin biểu tình Hong Kong với mục đích gì?

Diễm Thi, RFA
2019-06-12


Cảnh sát chống bạo động tại cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào ngày 12 tháng 6 năm 2019.  AFP


Người dân Hong Kong vừa có hai đợt biểu tình rất lớn chống lại dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc để xét xử. Lý do vì vi phạm qui chế ‘một quốc gia, hai chế độ’ hiện nay của đặc khu hành chánh Hong Kong. Người dân Hong Kong lo ngại dự luật dẫn độ nếu được thông qua sẽ khiến quyền tự trị của Hong Kong bị suy yếu và mở đường cho Bắc Kinh đàn áp mạnh tay hơn những người bất đồng quan điểm chính trị.

Điều khiến một số người chú ý là báo chí Việt Nam đưa tin một cách rầm rộ, thoải mái về hoạt động biểu tình mới nhất ở Hong Kong. Trong khi đó tại Venezuela cũng nổ ra biểu tình kéo dài mà truyền thông Việt Nam hầu như hoàn toàn im tiếng.

Ngay tại Việt Nam, cách đây tròn một năm đợt biểu tình chống dự luật đặc khu nổ ra tại nhiều thành phố của Việt Nam cũng không được báo chí Nhà nước loan tải trung thực.

Báo chí đưa tin rộng rãi

Báo chí Việt Nam đưa tin từ những cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra ngày 9 và đợt biểu tình trong ngày 12/6/2019. Tin tức được loan đi một cách chi tiết với số lượng người tham gia, cảnh báo của cảnh sát rằng sẽ dùng vũ lực để giải tán biểu tình.

Nhà báo Minh Hải cho biết từ trước đến nay báo chí trong nước vẫn đưa tin chuyện biểu tình ở nước ngoài theo dạng tin tức quốc tế, nhưng đưa tin theo một chiều hướng khác, không phải đả kích, gây kích động. Còn việc đưa tin những vụ biểu tình trong nước thì khác:

“Nên nhớ báo Việt Nam là báo chí cách mạng thì làm sao mà đi ngược lại chủ trương đường lối của lãnh đạo được. Đâu phải như báo chí tự do ở nước ngoài đâu.

Những vụ biểu tình trong nước đưa tin hay không thì cũng tùy. Những vụ biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam hay tàu Trung Quốc trấn áp ngư dân ở Hoàng Sa thì báo chí trong nước vẫn đưa tin, bởi phản đối chuyện Trung Quốc ngang ngược thì không phải làm mất an ninh trật tự ở Việt Nam.”

Nhà báo Minh Hải nói thêm rằng ở Việt Nam thì có những tin đã đưa lên nhưng rồi lại bị gỡ xuống, chẳng hạn như tin về biểu tình phản đối Formosa cách đây vài năm.

Thông điệp cho người dân

Nhà báo Lê Trung Khoa từ Đức thì nhận định từ sau ngày 14/4/2019, khi TBT Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ ở Kiên Giang thì ông không còn nắm hoàn toàn quyền lực trong tay và những người phụ tá của ông cũng thế. Khi quyền lực bị buông bớt thì những người khác sẽ nắm lấy ngay và họ sẽ tận dụng để làm sao cho đất nước, dân tộc Việt Nam thay đổi vì đường lối điều hành đất nước hiện nay đang sai và mâu thuẫn trong nước quá lớn. Ông nói:

“Đây là một tín hiệu tốt. Đối với những thông tin liên quan đến Trung Quốc thì gần đây phía Việt Nam đã đưa tin rất nhiều, không phải chỉ biển đảo, không phải chỉ hợp tác với Hoa Kỳ mà bây giờ họ bắt đầu đưa tin về những thay đổi chính trị, về những hoạt động biểu tình ở những nước có liên quan đến nhà cầm quyền Bắc Kinh. Có lẽ Việt Nam cũng đã tính toán và mong muốn thông tin này được mở rộng trong nước, nên họ cho phép đăng tải.”

Nhà báo Lê Trung Khoa dẫn chứng thêm rằng thời gian vừa qua, thoibao.de phỏng vấn rất nhiều người Việt Nam liên tục biểu tình trước Quốc hội Việt Nam, trước nhà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước nhà Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Theo ông thì đây có vẻ là sự cởi mở hơn của chính quyền Việt Nam đối với thế giới bên ngoài và tự do biểu đạt của người dân.

Trong việc đưa tin của báo chí nhà nước Việt Nam về việc người dân biểu tình ở Hong Kong chống dự luật dẫn độ, nhà báo tự do Nguyễn Ngọc Già nhận xét:

“Theo ý kiến của tôi thì cách đưa tin của báo chí Việt Nam ở góc độ tiêu cực về việc người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ về Đại Lục. Nó như một thông điệp chuyển tới cho người dân Việt Nam chuyện biểu tình như gây mất ổn định và gần như là bạo loạn với mục đích đe dọa người dân.”

Ông cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn rất an tâm khi đưa tin biểu tình ở Hong Kong mà không sợ người dân ‘học theo’, bởi đợt biểu tình hồi tháng 6 năm ngoái phản đối dự luật đặc khu, nhà cầm quyền xử rất nặng và rất nhiều người, đồng thời Việt Nam vẫn chưa có luật biểu tình, luật về hội, nên người dân rất dễ bị kết tội nếu biểu tình.

Ngày 10 tháng 6 năm 2018, một đợt biểu tình với hàng ngàn người tham gia nổ ra tại một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và Sài Gòn phản đối Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế và Dự thảo Luật An ninh mạng. Hàng trăm người bị bắt, bị đánh đập dã man và ít nhất 127 người đã bị kết tù với các tội như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng chính quyền Việt Nam muốn gửi một thông điệp đến người dân Việt Nam khi cho phép báo chí loan những bản tin chi tiết về biểu tình gần nhất ở Hong Kong:

“Tôi tin một trong những thông điệp mà nhà cầm quyền Việt Nam muốn chuyển đến cho người dân là họ sẵn sàng đàn áp và có thể mạnh tay hơn so với chuyện bắn hơi cay. Điều đó hoàn toàn khả tín.”
Tôi tin một trong những thông điệp mà nhà cầm quyền Việt Nam muốn chuyển đến cho người dân là họ sẵn sàng đàn áp và có thể mạnh tay hơn so với chuyện bắn hơi cay. Điều đó hoàn toàn khả tín. - Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Nhà báo Lê Trung Khoa thì nhận định rằng đối với thể chế độc đảng như ở Việt Nam thì họ sẵn sàng làm mọi việc để có thể giữ được chế độ bởi ‘còn đảng còn mình’.

“Khi có bất cứ sự đe dọa nào đến chế độ thì họ sẵn sàng đàn áp người dân từ mềm mỏng tới vũ lực, tới thuê xã hội đen. Tuy nhiên khi người dân thức tỉnh thì việc đàn áp sẽ bị hạn chế, thậm chí bị phản tác dụng.”

Một nhà báo có thâm niên hơn 10 năm ở Việt Nam chia sẻ với RFA qua email rằng “Ở trong nước báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng nên phải đưa tin phục vụ cho đảng, nhà nước trước, sau đó mới đến dân. Nếu không đưa tin theo chỉ đạo, hoặc theo đúng định hướng, nhà báo sẽ bị nhắc nhở, khiển trách, kỷ luật, hoặc tù tội. Nói tóm lại, ở Việt Nam không có tự do báo chí.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét