NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Ngày 29/10, ANTV (truyền hình An ninh TV) làm chương trình đấu tố Lê Dũng và kênh CHTV để chứng minh “Lê Dũngvova - Kẻ mạo danh dân chủ”.
Chương trình này dùng “biện pháp nghiệp vụ” quen thuộc là vu cáo và bịa đặt trong suốt thời lượng 12 phút nhưng vẫn xưng là “Góc nhìn SỰ THẬT” (tôi nhấn mạnh bằng chữ in hoa).
Ai mới là nhà báo?
Nhiều năm nay CHTV thu hút được rất nhiều độc giả và sự quan tâm của dân oan trên cả nước. Có lẽ cho đấy là lý do động tác đầu tiên của ANTV là đem ra bàn thế nào là nhà báo, thế nào là đài truyền hình rồi cho rằng Đài CHTV không phải là đài truyền hình và những người làm kênh này không phải là nhà báo rồi đòi dẹp bỏ CHTV. Ý họ rằng, chúng tôi là nhà báo được nhà nước cấp thẻ thì mới được gọi là nhà báo!?
Tuy nhiên trong hệ thống luật pháp hiện nay, chẳng có qui định thế nào là đài truyền hình, thế nào là nhà báo, người làm báo tự do có được gọi là nhà báo không. Vì thế, không thể nói tôi có thẻ do bộ Thông tin và truyền thông cấp thì tôi mới là nhà báo. Cũng chẳng có gì đáng tự hào khi kẻ ký thẻ nhà báo cho mình đang... ngồi tù, ví dụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. Nhưng nói gì thì nói, yêu cầu đầu tiên của người làm báo là thông tin và bình luận phải trung thực khách quan, phải có đạo đức nghề nghiệp. ANTV không đáp ứng được những tiêu chuẩn ấy.
Hiện nay báo chí không phải là độc quyền của nhà nước dù nhà nước muốn độc quyền. Họ không thể cấm được tiếng nói phản biện. Nhà báo là người làm báo chuyên nghiệp và khi tác nghiệp phải đảm bảo được các yêu cầu như tôi vừa nhắc. Hiện nay, có rất nhiều người làm báo tự do, có khả năng viết và đưa tin trung thực, đứng về phía bị áp bức được độc giả tin cậy gọi là nhà báo. Ngược lại những người có thẻ nhà báo do bộ thông tin và truyền thông cấp nhưng non tay nghề, thiếu đạo đức nghề nghiệp thì những kẻ đó đâu phải là nhà báo.
Lê Dũng và CHTV bị đấu tố như thế nào?
Để đấu tố Lê Dũng, chương trình này không khó để mời những người gọi là thiếu tướng, tiến sĩ và vài người dân khác như Trần Kim Tuyến, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Văn Dừng, Nguyễn Thị Mi, có lối tư duy bảo thủ, cũ kỹ vào phe. Ngoài những nhà báo của CHTV ra (Lê Dũng, Lê Trọng Hùng, Vũ Mạnh Tuấn, Trần Thị Mỹ Linh), họ còn lôi cả một số tên tuổi chẳng liên quan gì đến CHTV như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Tường Thụy mà họ cho rằng với những người này, Lê Dũng đã “tụ tập gặp gỡ” “tìm kiếm sự ủng hộ”. Cần phải nói rõ rằng, Cù Huy Hà Vũ bị bắt từ năm 2010 sau đó từ nhà tù sang thẳng Mỹ nên chưa bao giờ gặp Lê Dũng. Còn tôi - Nguyễn Tường Thụy với Lê Dũng mỗi người một việc, sao cho có ích cho dân, cho đất nước. Anh em có khi vài năm mới ngẫu nhiên gặp nhau, ví dụ ở một đám cưới chẳng hạn và khi gặp chỉ kịp chào nhau 1 câu chứ làm gì có thời gian bàn về CHTV... Tôi nói thế không phải là để thanh minh mà để nói lên lối ăn nói bừa bãi nói lấy được của ANTV mà họ cho chỉ có họ mới là nhà báo chân chính. Với những người khác, tôi không rõ nhưng nếu các anh ấy có hợp tác với CHTV, có đóng góp công sức và trí tuệ cho CHTV thì tôi xin chúc mừng các anh và cảm thấy ghen tị vì tôi không làm được như các anh.
Trở lại vụ đấu tố Lê Dũng, ANTV qui kết cho anh những gì:
Ngoài việc la lối rằng Lê Dũng mạo nhận nhà báo, mạo nhận đài truyền hình và đi “tìm kiếm” những người mà tôi nhắc ở trên, ANTV nói rằng anh tìm cách tiếp cận lôi kéo người dân đến nhà để phỏng vấn, đăng đàn, bình luận với nội dung bôi nhọ chính quyền bôi đen sự thật gây nhiễu loạn thông tin làm chệch hướng dư luận lợi dụng tình hình nói xấu chế độ. Tức là Lê Dũng đã phạm tội “bôi đen đít chảo”.
ANTV còn cao giọng qui kết cho Lê Dũng tham gia hoạt động chống đảng, nhà nước, cơ hội chính trị, xuyên tạc chủ trương đường lối chính sách của đảng, vu cáo chính quyền, được thế lực thù địch phản động người việt lưu vong ủng hộ...
Tại sao dân oan tìm đến CHTV
Tạm bỏ qua những qui kết hồ đồ khác, xin nói về việc ANTV la lên rằng Lê Dũng tìm cách tiếp cận lôi kéo người dân đến nhà để phỏng vấn.
Ngày 31/10, CHTV đã làm chương trình phát trực tiếp để đáp trả, vạch mặt ANTV tuyên truyền sai sự thật. Khi ấy, 12 dân oan ở Bắc Giang và Sóc Trăng có mặt trong Văn phòng CHTV, ngoài ra còn nhiều bà con đứng ngoài ngõ. Đây là những người dân oan đến gặp CHTV để nhờ giúp đỡ, đó là chuyện thường ngày tại văn phòng CHTV. Chương trình xoay quanh câu hỏi, vì sao họ đến CHTV, có ai xúi giục lôi kéo không?
Bà Châu Hoàng Hoa sinh năm 1961, quê ở Sóc Trăng cho viết bà bức xúc chính quyền cướp đất dân áp bức dân, cướp tài sản của dân. Bà đã kiện tụng khắp nơi nhưng tòa án viện kiểm sát, chính quyền công an áp bức dân, không có ngành nào có uy tín. Bà đến để yêu cầu ông Lê Dũng vova lên tiếng để cứu dân, giúp dân
Bà biết tới Lê Dũng vì xem trên mạng và thấy nhà báo Lê Dũng nói đúng, nói những gì người dân có thể nghe được. Bà cho biết bà bệnh hoạn nhưng cố gắng tìm được, đi cả ngày mới tìm được đến đây.
Khi Cát Linh hỏi: “Đây có phải là cơ quan chức năng để giải quyết đâu sao bà lại đến đây?”, bà Ngô Thị Mùi Bắc Giang trả lời: Tôi nghe tin anh Dũng vova nắm được luật thì tôi tìm đến nhờ anh ấy tư vấn để giúp. Tôi biết anh Dũng khi xem qua mạng, tôi đi từ 4 giờ sáng, đến đây là 8 giờ.
Bà Vũ Thị Họa nói chẳng ai phải mách cả, tôi xem trên mạng biết ông Dũng hay tư vấn cho mọi người. Tôi biết đường thì đến đây để nhờ ông tư vấn.
Ông Hoàng Văn Bắc cho biết tôi xem chương trình CHTV tìm bao nhiêu ngày tháng mới về đến đây, không có ai dẫn đường chỉ lối cả. Tôi xem CHTV thấy anh Lê Dũng vova tư vấn cho một số vấn đề. Tôi đến để nhờ anh Dũng tư vấn cho.
Còn ông Thân Văn Viết ở cũng ở Bắc Giang nói, tôi xem CHTV thấy chương trình giúp được rất nhiều bà con, đem lợi ích chính đáng cho bà con. Chương trình tư vấn cho rất nhiều người dân oan vùng sâu vùng xa như chúng tôi. UB huyện Sơn Động không có quyết định thu hồi mà vẫn ra quyết định cưỡng chế.
Trường hợp oan ức của những người dân này, CHTV đã đưa lên sóng trong các chương trình tiếp theo của CHTV. Qua tìm hiểu lý do dân oan tìm đến CHTV, hoàn toàn không có cái gọi là Lê Dũng hay bất cứ nhà báo nào khác của CHTV “lợi dụng các vấn đề khiếu kiện của người tìm cách tiếp cận lôi kéo người dân đến nhà để phỏng vấn đăng đàn, bình luận” như ANTV lu loa. Trong chương trình này, anh Lê Dũng cũng “yêu cầu ông Tô Lâm, bộ trưởng công an và ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng thông tin và truyền thông chỉ đạo thanh tra và xử lý đối với tổng biên tập truyền hình ANTV bởi hành vi bôi nhọ công dân, bôi nhọ nhà báo”. Đây là chương trình rất thú vị, mời các bạn xem TẠI ĐÂY.
Ý kiến của những người dân oan nói trên trên là một cái “tác động” vào mặt ANTV.
Kết
Qui kết cho Lê Dũng và CHTV đủ mọi thứ mà không có một minh chứng nào, thế mà ANTV dám đòi thay mặt các cơ quan tư pháp để luận tội họ, cho rằng họ vi phạm pháp luật. Nó nói lên thái độ ngạo ngược, lối làm việc võ đoán của ANTV. Họ thiếu hẳn sự trung thực khách quan và đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, ANTV đừng thắc mắc tại sao bị độc giả chửi, tại sao người dân bị oan ức lại tìm đến CHTV của Lê Dũng mà không tìm đến ANTV.
Những người làm việc ở CHTV hoàn toàn xứng đáng là nhà báo của dân. Trong khi đó, rất nhiều kẻ ở các cơ quan báo chí nhà nước, trong đó có ANTV lạc giọng với nỗi thống khổ của nhân dân. Họ chỉ biết giữ niêu cơm của mình. Vì vậy không thể gọi họ là nhà báo chân chính.
ANTV là công cụ của một nhóm lợi ích, sử dụng phương pháp qui chụp, bịa đặt, đe dọa nhắm trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, tung dư luận để triệt hạ uy tín của người nào họ muốn. Và vì vậy, nó không phải là một cơ quan báo chí. Nhưng hiệu quả ra sao còn tùy thuộc bản lĩnh của đối tượng họ nhắm tới. Với Lê Dũng và CHTV thì điều đó không hề dễ dàng.
2/11/2019
Trời ạ, sao bác cứ phải tranh luận với mấy cái tờ báo đảng làm gì. Ai chả biết nếu gió đổi chiều, chúng quay lại chửi CS còn giỏi hơn các bác nhiều. Bọn cơ hội mới thế chứ người chính trực sao có thể uốn lưỡi cú diều như chúng nó
Trả lờiXóa