Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Dư luận viên: Từ “chuyên gia bút chiến” đến bị coi là bò đỏ (kỳ 1)

NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Dư luận viên là ai?
Khái niệm dư luận viên (DLV) lần đầu được biết tới tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012 tổ chức vào thứ Tư 9/1/2013 ở Hà Nội. Tại đây, Ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nêu kinh nghiệm "tổ chức nhóm chuyên gia" đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet trong việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Ông Lợi cho biết, Hà Nội, đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng.
Cho đến nay, 7 năm đã qua, hẳn lực lượng DLV đã phát triển với con số đông hơn nhiều.
Được thành lập chính thức nên lực lượng này chắc phải có chế độ. Không rõ thù lao của lực lượng này ra sao, nhưng theo nhiều facebooker thì thù lao là 3 triệu đồng/tháng. Vì thế cư dân mạng còn gọi chung DLV là lực lượng “ba củ”, có lẽ bây giờ cao hơn do trượt giá.
Ba năm sau thì xuất hiện lực lượng 47, hay trung đoàn 47 được thành lập ngày 1/1/2016. Sở dĩ gọi là lực lượng 47 vì lực lượng này thành lập theo chỉ thị 47 của Tổng cục chính trị bên quân đội. Nhiệm vụ của lực lượng này cũng là đấu tranh (với “phản động”) trên không gian mạng. Cuối năm 2017, lực lượng này đã lên tới 10 nghìn người. Có thể xem lực lượng 47 là phiên bản của DLV, chỉ khác là một bên tuyên giáo quản lý còn một bên do quân đội quản lý.
Nhiệm vụ của lược lượng 47 và DLV là tương tự nhau, tức là cùng đấu tranh với “thế lực thù địch” và bảo vệ chế độ. Hai lực lượng này hợp thành hai mũi tiến công nhằm vào cái gọi là “thế lực thù địch”. Đến nay, quân số của hai lực lượng này có thể lên tới vài chục nghìn người.
Theo dõi trên mạng khó có thể phân biệt được đâu là DLV, đâu là lực lượng 47. Tuy nhiên, do tính chất của hai lực lượng này khá giống nhau về trình độ, nhận thức, cách “phản biện” và tư cách nên cư dân mạng gọi chung là dư luận viên. Có lẽ gọi thế nó dễ hiểu hơn: cái tên dư luận viên phản ánh được phần nào tính chất của nó, chứ tên gọi 47 không nói lên được điều gì.
Sau đây gọi chung là dư luận viên.
Đó là những DLV được tổ chức chính thức. Không biết DLV có phải là mô hình nhập từ Trung Cộng không. Chỉ biết bên Trung Quốc (đại lục) có lực lượng gọi là "đội quân 50 cent" chuyên bảo vệ chế độ cộng sản.  Song song với đội quân 50 cent còn có đội quân khác là Tiểu hồng, đa phần là nữ ở độ tuổi rất trẻ (18-24) hoạt động rất hăng hái. Tại sao gọi là 50 cent? Điều này được giải thích là chúng được trả cho mỗi comment là 50 cent. Vừa qua do đại dịch Vũ Hán, giá này nghe nói mới được nâng lên 70 cent để nâng cao chất lượng “phản biện”.
Ngoài DLV chính thức còn có những người vô trình trở thành DLV. Đó là thành phần mà quyền lợi của họ gắn chặt với chế độ hoặc bị truyên truyền một chiều, không tiếp xúc với thông tin đa chiều nên hiểu biết chính trị rất đơn giản. Họ phát ngôn tùy hứng tùy lúc chứ không coi đó là nhiệm vụ tuyên truyền. Vì vậy, họ ít có giọng chửi bới, mạt sát, kích động mà chỉ thể hiện nhận thức của mình và cũng thuyết phục hay khiêu khích những ai khác ý kiến với họ. Ta có thể gặp những người này trong gia đình, họ mạc, bạn bè, trong khối cựu chiến binh, cán bộ về hưu....
Dư luận viên “bút chiến” như thế nào?
Khi giới thiệu lực lượng DLV, ông Hồ Quang Lợi quảng cáo về lực lượng này nghe rất kinh. Ông gọi lực lượng này là những “chuyên gia” đấu tranh trực diện, tham gia "bút chiến" trên Internet. Ông còn khoe có cả lực lượng “phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh”. Nghe mà rùng mình. Tuy vậy, các blogger, các “còm sĩ” khi đó rất hào hứng và tuyên bố sẵn sàng “nghênh chiến”.
Bảy năm qua, DLV đã bộc lộ hết những nhược điểm của nó. Cái gọi là bút chiến của lực lượng này thực ra chỉ là chửi bới, xuyên tạc. Tạm chia DLV thành 2 bộ phận:
Bộ phận “còm” (comment) dạo: Tuyệt đại đa số tài khoản của DLV là nick ảo. Những tài khoản này do rất ít người đọc nên thường chia nhau ra tràn vào các trang mà chúng cho là phản động để comment.  Bộ phận này đa số văn hóa rất thấp, chính tả, câu cú chưa thạo, hành văn lủng củng, tối nghĩa. Chúng có thể xưng hô thằng, con, mày, tao với bất cứ ai.
Khi “bút chiến”, chủ yếu chúng dùng những “nghiệp vụ” như chép lại những câu đã được học, như là những câu mẫu. ví dụ:
- Không có bác làm sao có chúng mày.
- Không có đảng làm sao đất nước này được như ngày nay.
- Đất nước đang ổn định, chúng mày cứ làm rối lên.
- Bao nhiêu xương máu của cha ông đổ ra mới được như ngày hôm nay.
- Dân chủ là sản phẩm của nước ngoài không thể áp dụng cho VN.
- Ở VN hiện nay không lực lượng nào chính trị nào có thể thay thế được đảng CSVN.
- Có dám ra Trường Sa không?
- Nhượng đất cho Trung Quốc là đổi đất lấy hòa bình.
- Kêu gọi bảo vệ chủ quyền, biển đảo là cổ động chiến tranh.
- V.v...
Nói chung đó là những câu vỡ lòng mà ai cũng dễ dàng bác bỏ. Không có một lý lẽ nào để được coi là phản biện. Bí quá thì đám này “phản biện” bằng cách: “Đồ phản động!” “Đm mày!”, “Muốn đi tù hả!”.
Riêng trang facebook của tôi đã có khoảng 1200 DLV vào chửi bới thóa mạ, còn nếu tính lượt thì con số gấp hơn nhiều lần. Do tính chầy cối và tư duy thấp kém của DLV nên trên mạng xuất hiện một số “cẩm nang” dành cho dư luận viên mang tính giễu cợt. Những “cẩm nang” này căn cứ vào những “phản biện” của DLV mà đúc kết thành. Mời xem một ví dụ vui vui TẠI ĐÂY
Bộ phận viết blog: Một số có chút chữ nghĩa thì lập các trang blog để chửi bới những người đấu tranh. Cũng như số đi “còm” dạo, những trang này cũng không biết ai lập ra. Bài viết thường ký bằng những bút danh vu vơ nào đó và tên chủ blog hay người biên tập cũng không có nốt.
Thủ đoạn của chúng là vào các trang mà chúng cho là phản động lấy hình ảnh hoặc bài viết của họ đem về xuyên tạc, cắt xén câu văn, photoshop hình ảnh với giọng lưỡi qui chụp rất bừa bãi. Vì vậy, những bài “phản biện” như thế này không bao giờ chúng dám dẫn đường link bài viết gốc vì sợ bị lật tẩy.
Tôi là một nhân chứng của sự bịa đặt, xuyên tạc ấy. Chẳng hạn chúng lấy hình ảnh tôi chụp chung với vợ để đem về xuyên tạc rằng tôi quan hệ bất chính với “gái dân chủ”, đặt chuyện tôi là giáo viên bị đuổi việc mặc dù tôi về hưu từ quân đội. Thậm chí chúng còn không nhớ được tên Trịnh Bá Khiêm nên gọi anh là Trịnh Bá Khá. Ngay cả trang thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có bài mà toàn bộ nội dung xuyên tạc về tôi, photoshop hình ảnh để bôi nhọ. Ngay sau khi tôi viết bài “Bài viết xuyên tạc bôi nhọ cá nhân trên trang Nguyễn Xuân Phúc” để phản ứng thì trang này lặng rẽ rút xuống
Người hiểu biết không ai đọc những bài “phản biện” của chúng mà không thấy ghê tởm, khinh bỉ.
Đôi khi có những cây bút “khôn khéo” hơn. Số này cũng chỉ trích những mặt trái của chế độ mà ai cũng biết nhằm tạo vỏ bọc. Tuy vậy, những vấn đề về bản chất chế độ, vấn đề đa nguyên hoặc động đến lãnh đạo cấp cao nhất họ đều lảng tránh. Khi có vẻ tạo được vỏ bọc là người phản biện rồi thì họ thường cài vào những comment hay bài viết khéo léo khen ngợi chế độ hoặc dọa dẫm làm nản chí người đấu tranh, gây chia rẽ giữa những người đấu tranh nhưng rồi cũng bị vạch mặt. Khi bị chỉ mặt, thì họ không còn giấu giếm nữa. Đó là kết cục tất yếu. Cái này gọi là Cao Biền dậy non.

15/4/2019

1 nhận xét:

  1. những người hiểu biết sẽ biết ngay được nội dung nào không trung thực

    Trả lờiXóa