Nguyễn Trí Dũng
"Bao giờ thì bố về vậy?" - Con bé Bi (bé Yến) lại nhấp nhỏm
hỏi giữa bữa cơm tối. Tôi ngồi ăn không nói, còn mẹ thì xoay sang bật tivi để
nghe thời sự. Chẳng biết câu hỏi này của nó đã lặp lại lần bao nhiêu từ dạo bố
bị bắt từ tháng 4 năm 2008. Cũng chẳng nhớ mẹ và tôi đã trả lời nó bằng sự im
lặng bao nhiêu lần... Bữa cơm ba người và một con chó vẫn thường văng vẳng
tiếng tivi nói cười như vậy.
Những
ngày trước phiên xử 24 tháng 9 công an liên tục đến hỏi thăm và gửi những giấy
mời với nội dung vô lý. Những người "vô gia cư" sau đó cứ lam lũ đến
trước cửa nhà trông ngóng, ăn, ngủ, nằm ngồi vô tội vạ trên xe và vỉa hè. Chỉ
cần bước xuống nhà là nghe tiếng hô hoán, vẫy gọi nhau để đón đường hoặc kè xe.
Có xe ép sát đến nỗi có thể ngửi thấy hơi thở hôi hám của những cỗ máy sống
bằng thuốc lá này. Tôi và mẹ đã có thể đoán được bản án sẽ vô cùng bất công qua
cách công an bật đèn xanh thậm chí hỗ trợ cho những tên côn đồ đánh đập mẹ tôi
tại Bạc Liêu, cũng như tìm cách ép xe tôi. Công khai thể hiện sự đe dọa.
Năm giờ sáng ngày xử bố 24 tháng 9:
Trước
cánh cổng chung cư còn chưa mở, vài công an, dân phòng và hơn năm người mặc
thường phục chễm chệ trên xe bán tải chuyên dụng đã ngồi cười nói và chia nhau
điếu thuốc từ bao giờ. Đường còn vắng nên tiếng họ cười nói vang vang dù ở ban
công cũng có thể nghe thấy. Nhưng thay vì tò mò nghe xem họ nói gì vui thế, tôi
bắt đầu suy nghĩ xem họ sẽ bắt tôi và em tôi như thế nào...
Sáu giờ rưỡi sáng:
Tôi
và em gái đã sửa soạn xong để em đến trường còn anh lên tòa án. Tôi nghĩ đơn
giản "Chuyện học là quan trọng, tôi là người tự do và không phạm pháp. Bản
thân tôi đã bị ngăn cấm chuyện học, không lẽ họ mất hết tính người ngăn cản cả
em tôi. Chuyện tôi chở em đến trường là không phải e ngại". Nhưng tôi sai!
Bọn họ không cần lý lẽ. Khi tôi vừa đi xuống, một người mặc áo sơ mi chạy ra
gọi hơn bảy người cả sắc phục lẫn thường phục ùa vào chặn bắt. Tên mặc áo thun
vàng chặn đầu xe tìm cách giật chìa khóa ra và hỏi "mày đi đâu...?
Mặc áo đen là vi phạm... Vi phạm thì đi lên phường." Chắc ai cũng
đoán được tôi sẽ quẳng vào họ những câu hỏi ngây ngô như "mặc áo
đen có gì sai?" và "tôi vi phạm cái gì?"; "các
người là ai?"... Nhưng thay cho việc trả lời, họ đồng loạt lao vào bẻ
tay lôi tôi ra trong khi một người mặc thường phục vẻ mặt thách thức cầm điện
thoại quay lại.
Bé
Bi bật khóc. Tên mặc áo sơ mi liền đưa tay vẫy người mặc sắc phục dân phòng
đang chặn xe máy ngang cổng chung cư chạy vào. Người này đề nghị "em
đi với anh". Thấy chuyện không tốt lành tôi ngoái lại dặn em "phải
lên nhà tự bảo vệ mình" trong lúc những người vô danh tự xưng
công an bẻ tay tôi ra sau lưng và đạp vào cẳng chân tôi như bắt một con thú
hoang... Chẳng biết con Bi có còn nghe tôi dặn dò gì giữa tiếng la hét vô nghĩa
của những con người méo mó kia không? Chỉ nhớ đến đầu ngõ tôi ngoái thấy nó vẫn
đứng khóc ở chân cầu thang. Những người hàng xóm trong chung cư "chẳng
may" được chứng kiến cũng vội vàng lướt qua đám đông sừng sộ.
Sát
đến mé đường, bị ép chặt vào thành sắt chiếc bán tải. Tôi la to "tôi
làm gì sai?" nhiều lần, như là một phép thử cho mức độ bàng quan
của người qua đường. Bàng quan hay sợ hãi?! Có lẽ đều giống nhau trước sự
chuyên nghiệp và máy móc của những con người không mặc sắc phục, không tên
tuổi, và trên hết là họ không phải chịu trách nhiệm bất cứ việc gì họ làm. Một
thân một mình, tôi vẫn hồn nhiên hét bốn chữ đó cho đến khi bị nắm đầu vào
trong chiếc bán tải. Những người vô danh vội vã trả lời bằng cả ngôn ngữ cơ thể
lẫn lời nói. Họ vừa đấm đá túi bụi vừa nói "Đ* M*! có tội gì hả.
có tội gì hả!?"...
Công
an khu vực, công an phường, và dân phòng quen mặt của khu phố tôi sống đều có
mặt. Họ cẩn thận không tham gia trực tiếp đánh đập tôi, nhưng rất nhiệt tình hỗ
trợ chặn đường và đuổi những bà con hiếu kỳ.
Tôi, Nguyễn
Trí Dũng. Người không những có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án mà
còn là thân nhân ruột thịt của bố tôi. Người mà lẽ ra phải có giấy mời triệu
tập đến tòa án để tham dự và chứng thực những bằng chứng buộc tội khi cần
thiết. Người lẽ ra không thể vắng mặt tại phiên tòa "công khai" này
lại bị "bắt cóc" trong cuộc chặn bắt có thể xem là đầu tiên của ngày
24 tháng 9.
Chưa đầy 3 phút sau:
Chiếc
xe bắt tôi hụ còi lao đến phường như bay, hai người mặc thường phục thở phì
phào ghì chặt tôi xuống ghế sau. Tôi bất chợt nghĩ đến bố tôi những ngày ông đã
phải lên phường theo cùng một cách này suốt đầu năm 2008 đến khi ông bỏ đi Đà
Lạt để chữa bệnh và bị bắt khẩn cấp ngày 19 tháng 4 năm 2008, đúng 9 ngày sau
khi ngọn đuốc Bắc Kinh qua Sài Gòn.
Tôi
bước xuống xe thấy bốn bề là công an phường, dân phòng và những người mặc
thường phục vô danh. Trong gió đã khét khói thuốc và cả sự chờ đợi của họ dành
cho màu áo đen tôi từ bao giờ. Tôi đứng thẳng để họ được ngắm cho kỹ trước khi
ông Trần Song Nam
chỉ đạo hai người vô danh lôi tôi vào phòng "họp". Hai người vô danh
đó tôi biết, vì đã mòn mặt ngồi trước cổng nhà tôi mỗi khi có bất kỳ nhà báo,
tổ chức bảo vệ nhân quyền, quan chức chính trị ngoại quốc... đến Việt Nam và có
khả năng gặp gỡ gia đình tôi. Mòn mặt đến nỗi tôi đã tự ý chuyển đổi chức năng
của các anh thành cái chuông báo, mỗi khi thấy xuất hiện là chắc rằng có gì đó
tôi cần phải biết.
Hai
người này vào ngồi đối diện và hỏi thăm tôi những câu hỏi vu vơ. Tôi trả lời
câu hỏi bằng câu hỏi "tôi làm gì sai?" thì hai người
này ngừng nói. Chỉ lấy điện thoại ra chụp hình tôi rồi cười khẩy.
Tiếng
điện đàm Motorola dắt trên túi áo vang vang cắt ngang cuộc nói chuyện không
tên: "A2 báo cáo, có bảy người mặc đồ đen đi ra từ hướng Kỳ Đồng",
một người vội lấy tay kéo volume của máy xuống. Nhưng tiếng một người tôi không
thấy mặt đứng ngoài song sắt trả lời vọng lại đã cho tôi nốt phần còn lại của
đoạn hội thoại "Nhớ bắt ngay ở những chỗ chờ, cố gắng đừng kéo
hàng rào..." Vội vã đi ra, nhưng hai người vô danh không quên
phẩy tay gọi một dân phòng của phường ra chốt cánh cửa lại và bắt ghế ngồi
trông "thằng tù" tôi. Để thỏa trí tò mò tôi gióng tai qua song sắt
cửa sổ để nghe diễn biến cuộc vây bắt đang diễn ra qua tiếng điện đàm vang
vang. Như đứa trẻ nấp sau cánh gà nghe lậu vở cải lương, tôi nghe được màu áo
đen đã đổ về từ mọi hướng, rồi lần lượt mỗi người được mời về phường hoặc tống
tiễn về nhà."Bảo nó lên phường hay về nhà"; "Bắt vì tội lấn
chiếm lòng lề đường, cản trở giao thông"; "Bắt để kiểm tra hành
chính"... một giọng nam đứng tuổi liến thoắng chỉ đạo qua điện
đàm...
Tám giờ hai mươi phút:
Bất
chợt trụ sở công an Phường 6 Quận 3 trở nên ồn ào, từ song sắt cửa sổ tôi thấy
nhiều hơn một chiếc bán tải lao vào trong phường. Tôi nhác thấy mẹ tôi bị bốn
người đàn ông thường phục kéo từ xe ra rồi bẻ tay xốc bổng lên. Bà phản kháng
mãnh liệt vì họ đã bắt bà vô lý cớ, còn một người đứng tuổi mặc áo sơ mi trắng
liên tục văng tục chỉ đạo những tay chân vô danh lao vào, người này lớn tiếng
dọa "đánh chết m*" mẹ tôi và những người mặc áo đen
đang kêu gào. Blogger Thục Vi, hai chị em cô Tạ Minh Tú và Tạ Khởi Phụng lần
lượt bị lao vào giằng kéo, rồi cha Thanh của Dòng Chúa Cứu Thế tay đang bế con
trai cô Tú bị hai cảnh sát giao thông áp tải vào trong sân của trụ sở. Tôi la
hét chán rồi nín thở nhìn từng người bị lôi ngang qua sân. Mỗi người một phòng.
Tiếng lầm rầm lắng lại. Cứ cách quãng lại có tiếng la hét hay đạp cửa khiến cho
trí tưởng tượng của tôi phải nhảy múa...
Mẹ
có đau không? Các cô các chú có sao không?...
Có
một công an mặc sắc phục đầu đinh đi vào, vừa lấy vai áo lau mồ hôi ở cằm, anh
này nhìn anh dân phòng đang ngồi canh "tù" mà rằng "Đ*
M*, y như đánh trận".
Chín giờ kém (từ phía sau song sắt):
Điện
thoại của phường đổ chuông liên hồi làm ông trung tá công an Vũ Văn Hiển phát
cáu "sao không đứa nào nhấc máy". Tiếng một phụ nữ
tôi không thấy mặt trả lời "có thằng cha nào đó cứ đòi gặp ông Nam, hỏi tại
sao bắt người". Rồi như không cần suy nghĩ, ông Hiển nhấc máy lên vài
giây rồi nói "ở đây không bắt ai hết" và cúp máy.
(Sau này tình cờ một người bạn mới hỏi thăm tôi và nói cho tôi biết một người
có nickname "anh năm anh bảy" dù đang phải đi làm nhưng đã gọi liên
tục để yêu cầu thả người, tôi rất lấy làm cảm ơn mọi người đã quan tâm và có
hành động kịp thời đến như vậy).
Có
lẽ công an phường rất tâm lý khi biết tôi buồn chán nên đã cho một công an
phường không có bảng tên vào hỏi thăm tôi hai lần. Lần thứ nhất người này đem
theo giấy bút quăng ra bàn nói"viết tường trình đi". Tôi
hỏi "tường trình gì chú? tôi làm sai cái gì?" thì
được chọc cười bằng câu trả lời sau "tại sao mày bị bắt lên đây
thì ghi lại! Những người bắt mày không phải công an phường, tao không biết. Bây
giờ công an phường hỏi mày thì mày trả lời". Tôi nói rõ "xe
công an và công an khu vực đã hỗ trợ bắt tôi, tôi đang yêu cầu cho biết tại sao
bị bắt. Giờ chú hỏi ngược lại vậy, tôi bó tay". Lặng im vài giây người
này liền bỏ đi. Lúc quay lưng đi ra chú công an vô danh không quên bỏ lại vài
câu "giờ không làm tường trình gì hết thì cứ ngồi, ngồi chán thì
về". Rồi phẩy tay cho anh dân phòng chốt cửa và bưng cái ghế sắt chèn
cửa lại. Lần thứ hai là lúc ông Hiển đứng ngoài song sắt cửa sổ ra lệnh "thu
áo lập biên bản", vẫn người công an phường này lại vào bảo "mặc
áo này là vi phạm, mày tự cởi áo ra", nhưng rồi vẫn không trả lời được
là "mặc áo thun đen vi phạm chỗ nào" nên người này
lại đi ra. Vẫn không quên thị uy người này nói "không cởi thì tiến
hành cưỡng chế..."
Hai giờ chiều:
Nói
là làm. Ông Vũ Văn Hiển cùng năm dân phòng và vài người mặc thường phục đã tiến
đến trước cửa phòng "họp". Mẹ tôi bị giam ở phòng bên đã được thả ra
và được yêu cầu về nhà ngay. Biết tôi còn ở bên trong nên bà đã lao sang và bị
ông Hiển cùng vài dân phòng chặn lại. Ngay khi dân phòng mở chốt và kéo cái ghế
sắt đang chèn cửa ra, một người mặc áo thun xanh lao vào giọng đe dọa "bây
giờ anh nói nhỏ nhẹ mày tự cởi áo ra, không ai muốn phải làm theo cách khó
hết". Tôi bảo "mặc áo thun có gì sai?" thì
được trả lời "án đã tuyên rồi bây giờ mày mặc áo thun này là vi
phạm pháp luật". Tôi thẳng thừng "muốn cưỡng chế thì anh
cứ làm, tôi không làm gì sai tôi không phải tự cởi". Một dân phòng
nhảy vào kéo áo tôi ra, lạ ở chỗ là người này vừa cởi áo tôi vừa nói "đúng
rồi, mày tự cởi áo vậy có phải dễ không". Tôi đoán rằng họ ghi âm để
ngụy tạo bằng chứng họ không cưỡng chế tôi nên tôi nói lớn "tôi
không tự cởi". Lúc này ông Vũ Văn Hiển đang chặn mẹ tôi quay sang văng
tục "mày có tin tao bẻ cổ chết m* mày không, tự do con
c*t..." và thúc những người khác cũng xông vào cưỡng chế, lập tức
khi áo đen bị kéo ra. Người mặc áo thun xanh nhảy vào ghì cổ tôi xuống để cưỡng
chế tôi lần thứ hai. Cưỡng chế tôi mặc áo sơ mi của họ chuẩn bị sẵn. Thấy họ
đánh vật mà không mặc được áo vào cho tôi, ông Hiển quát "kệ mẹ nó cởi
trần đi về" và đó cũng là câu cuối cùng mà tôi được nghe trước
khi rời trụ sở công an phường 6 quận 3 ngày 24 tháng 9 đầy kỷ niệm...
Nguyễn Trí Dũng sau khi bị lột áo
Tôi
và mẹ đi bộ về, bà cho tôi biết họ đã vội vã tuyên án bố tôi 12 năm tù và 5 năm
quản chế trong sự phẫn nộ. Như vậy, sau một thời lượng tạm giam và điều tra dài
kỷ lục, là một phiên xét xử ngắn kỷ lục, kết lại bằng một bản án cũng bất công
kỷ lục.
Luật
sư đã cập nhật cho tôi và mẹ biết qua những dòng súc tích sau:
-
Không có đối đáp giữa luật sư và nhân chứng, càng không có đối đáp giữa nhân
chứng và bị cáo.
-
Tất cả luật sư đều bị cắt ngang khi đang đọc bài bào chữa, bị cáo bị cắt lời
khi đang nói.
-
Nhân chứng (thứ duy nhất được dùng để buộc tội) có mặt 3/10 người, và thẩm phán
đã không thể trưng ra những giấy "xin vắng mặt" của các nhân chứng
còn lại khi LS yêu cầu.
-
Bằng chứng "tuyên truyền" hay việc "gây tổn hại nghiêm
trọng" đã không được trưng ra dù nhiều lần cả bố tôi và luật sư yêu
cầu...
-
Phiên tòa năm tiếng rưỡi cho một bản án được tính toán là sẽ đẩy bố tôi đến
ngưỡng "tuổi thọ trung bình của người Việt Nam" là 70 tuổi.
Quá
nhiều suy nghĩ trong đầu, thay vì tức giận tôi lặng im bước đi. Người dưng trên
phố giờ như đã tìm lại được chút quan tâm, họ chỉ trỏ rồi nói cười. Tôi ở trần
về nhà với mẹ trong lúc trời bắt đầu âm u cơn mưa chiều.
NTD
NTD
Tôi là một "người dưng" chưa gặp cháu bao giờ. Tôi luôn cảm phục, ngưỡng mộ bố cháu. Giờ đọc bài viết này, tôi xấu hổ với cháu. Chao ôi, chỉ vì hèn nhát, muốn yên thân mà những kẻ như tôi thành đồng loã với cái ác, cái xấu xa... Hiểu thế, âm thầm xỉ vả mình... nhưng chẳng biết trước khi nhắm mắt xuôi tay, có dám đứng lên không? Thôi thì đành chỉ biết gửi đến gia đình cháu lời cảm tạ và lời xin lỗi... Cám ơn cháu rất nhiều... Mong và tin gia đình cháu sẽ được bình an vì tôi vẫn tin còn có lẽ trời...
Trả lờiXóa