NGUYỄN TƯỜNG THỤY
.
Mặc dù có thời gian sống và làm việc khá lâu ở Xuân Mai - Hòa
Bình, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thực sự lên Tây Bắc. Chúng tôi đi thăm thú nhiều nơi, thưởng ngoạn phong cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc nhưng để lại nhiều ấn tượng nhất là chuyến đi thăm Chiềng Ân.
Chiềng Ân là một xã thuộc huyện Mường La tỉnh Sơn La. Thị trấn Ít Ong (huyện lỵ huyện Mường La) cách thành phố Sơn La 40 km, còn muốn lên Chiềng An thì đi tiếp 40 km nữa.
Chiềng Ân ở độ cao chừng 1500 mét, so với độ cao trung bình 500 - 700 mét của huyện Mường La. Các bản Hơ Mông nằm cheo leo trên
đỉnh núi quanh năm sương mù bao phủ vì vậy con đường lên đây rất hiểm trở và đầy nguy hiểm.
Chúng tôi xuất phát từ thị trấn Ít Ong. Một nửa đoạn đầu từ thị trấn là dường đất đá lổn nhổn, xe phải qua nhiều ngầm khá vất vả. Nửa cuối về phía Chiềng Ân là đường đã rải nhựa cách đây chừng 2 năm. Cũng
không hiểu tại sao đường lên Chiềng Ân 40 cây số mà lại chỉ rải nhựa phần ngọn chứ không làm từ phần gốc, tức là phía thị trấn Ít Ong. Lòng đường nhựa hẹp, chỉ đủ cho một xe lưu thông, nếu có xe ngược chiều thì phải nép vào một bên vách núi chờ nhau. Mặc dù vậy, trên đường đi, chúng tôi chỉ gặp một chiếc xe tải thu mua ngô
và một chiếc com măng ca theo chiều ngược lại.
Hai bên đường nhìn qua các trái núi bạt ngàn những ngô. Những nương ngô trải lên khắp sườn núi, bất kể chỗ nào cây ngô có
thể sống được. Ngô đã đến kỳ thu hoach nhưng người ta cứ để tại cây phơi cho khô.
Toàn bộ phần đường nhựa là đường bám núi. Phía ta luy dương là những vỉa đá chênh vênh
xếp chéo nhau, những bụi tre hoặc cây rừng đã trơ gốc, chỉ chờ tới độ nào đó sẽ rơi bất thình lình xuống đường mà không báo trước. Nhìn xuống ta luy âm thấy thăm thẳm, những mái nhà dưới thung lũng nhìn chỉ còn bé tẹo. Đã thế, đa phần con đường không có rào
chắn. Nỗi nguy hiểm từ hai phía trên cao, dưới vực luôn luôn rình rập. Liên tục gặp những đống đá rơi xuống choán hết lòng đường, người ta phải san gạt tạm để thông đường. Lại có đoạn đường nhựa bị sụt lở, xe tải không thể qua được. Nếu sụt thên chút nữa thì chỉ còn lưu thông được xe máy.
Tôi buột miệng:
- 5 km thôi nhé
Lập tức JB Nguyễn Hửu Vinh chặn ngay lại:
- Không được nói gì hết.
Mọi người im lặng, phó mặc cho lái xe. Chỉ cần sơ sẩy, thiếu tập trung hoặc thiếu may mắn một tí là mọi chuyện đều có thể xảy ra. Được cái, lái xe là một tay lái giàu kinh nghiệm, đã nhiều lần đi qua con đường này.
Hữu Vinh trấn an:
- Bây giờ như thế này chứ trước đây khi chưa rải nhựa còn nguy hiểm, gian khổ thế nào, anh không
tưởng tượng được đâu.
Cách Chiềng Ân chừng 5 km thì có một đoàn thanh niên Hơ Mông đi xe máy mang cuốc xuống trợ giúp. Một tốp đón cha bằng xe máy lên bản trước để chuẩn bị làm lễ, một tốp đi trước đoàn thấy đống đất đá nào rơi xuống đường thì dừng lại san gạt cho xe qua.
Càng lên cao, sương mù càng dày đặc. Tại sao người Hơ Mông lại ở cao như thế? Tôi đặt câu hỏi và mọi người giải thích người Mông là dân tộc hay nhường nhịn. Trong
quá trình khai thác, cải tạo thiên nhiên, các dân tộc khác muốn lấn đến đâu thì họ lùi lên cao đến đấy. Vì thế, nơi cao nhất, cũng có
nghĩa là khó kiếm sống nhất còn lại là dành cho người Mông. Cách lý giải này không rõ thực hư thế nào.
Chúng tôi đến bản đã thấy gần một trăm người ra đón. Không
khí vui như ngày hội. Ai cũng mặc bộ quần áo đẹp nhất, từ trẻ nhỏ đến người già, từ nữ đến nam. Rực rỡ nhất là những bộ xiêm áo của các thiếu nữ và bé gái Hơ Mông. Không
khí lành lạnh, sương khói mờ ảo, những gương mặt tươi vui, những bộ quần áo sặc sỡ khiến cho ta có cảm giác như xuân đang đến với Chiềng Ân
Tôi đã từng cùng ăn, cùng ở với đồng bào các dân tộc ít người. Nhưng đây là lần đầu tiên, tôi đến một bản Hơ Mông, tiếp xúc với người Mông. Người Mông thật thân thiện, gần gũi. Họ hồ hởi chủ động bắt tay chúng tôi như đón những người thân đi xa trở về.
Người Hơ Mông rất thích chụp ảnh. Họ rất vui khi được chụp với người dưới xuôi lên, khi được chúng tôi chụp cho họ. Nét mặt ai cũng vui. Đặc biệt, trẻ em Hơ Mông có đôi mắt mở to và sáng.
Sau khi làm lễ tại nhà nguyện xong, chúng
tôi được tiếp đãi bữa trưa với nghi thức và tình cảm đối với khách quí, trong ngôi nhà sàn khá rộng của già làng Cứ A Ký. Nhìn mâm
thức ăn, biết được cuộc sống của người Hơ Mông nơi đây đã văn minh lắm. Những chiếc bát ăn tráng
men còn đẹp hơn bát ăn hàng ngày của nhà mình. Chủ khách cùng ngồi xuống sàn. Mâm ăn
được gắn lên một vành nhôm hình trụ. Dùng mâm ăn này tiện và sang hơn hẳn các quán nhà
sàn ở Hà Nội.
Khoản tiếp rượu của người Mông thì khỏi phải nói. Khó từ đã đành nhưng đặc biệt không khí thân thiện làm anh em chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Chúng tôi lần lượt phải cụng ly với tất cả những người có mặt. Một cô gái Mông
nhất định bắt tôi phải thay cái cốc thủy tinh bằng chiếc cốc sứ màu xanh ngọc cho giống chiếc cốc của cô.
Cuộc vui mấy rồi cũng phải tàn. Chúng
tôi bịn rịn chia tay với bà con giáo dân Hơ Mông. Những cánh tay vẫy mãi, vẫy mãi làm cho cậu lái xe chỉ dám đi thật chậm cho đến khi khuất tầm nhìn của chủ và khách.
Tạm biệt Chiềng Ân. Dù đã từng dọc ngang, xuôi ngược nhưng tôi dễ bị chinh phục bởi sự tử tế, và cao hơn là những điều thánh thiện. Sau này có dịp, nhất định tôi sẽ lại đến với bà con giáo dân Chiềng Ân mà không
băn khoăn gì con đường hiểm trở và nguy hiểm. Sẽ uống rượu thật nhiều để mừng cho bà con giáo dân đã thoát khỏi cuộc sống lạc hậu, nhiều hủ tục mà khi hỏi, họ đều trả lời là nhờ làm theo lời Chúa.
Các nương ngô trải khắp sườn núi
Thu mua ngô
Qua ngầm
Những phiến đá xếp chéo đã rời nhau, đã rơi và tiếp tục rơi xuống bất kể lúc nào.
Nhìn xuống dưới vực
Thanh niên Chiềng An dọn đường cho xe vượt qua. Những đống đá từ vách núi rơi xuống như thế này rất nhiều.
Gặp gỡ
Trẻ em Hơ Mông
Chuẩn bị đãi khách
Chúc nhau
Với già bản Cứ A Ký
Nhất định chú sẽ trở lại Chiềng Ân
Chia tay
10/10/2012
NTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét