Thời phong kiến, cách quản lý xã hội của
Nhà nước quan liêu không tránh khỏi tình trạng nhiều người dân và cả một số
quan lại bị oan ức. Để góp phần “giải oan” cho dân, Nhà nước các thời đã có
những biện pháp cho dân được kêu oan.
- Năm Nhâm Thìn, niên hiệu Sùng Hưng Đại
Bảo (1052), Vua Lý Nhân Tông cho đặt một quả chuông lớn ở sân rồng để ai bị oan
ức điều gì được đến đánh chuông. Vua ra nhận đơn và xét xử.
- Năm Mậu Dần, niên hiệu Đại Định (1158),
theo lời tâu của Nguyễn Quốc vừa đi sứ ở nước Tống về, Vua Lý Anh Tông cho đặt
một cái hòm ở sân rồng để ai muốn bày tỏ việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy. Chỉ
trong một tháng, thư kêu oan đã đầy hòm. Tuy nhiên, trong số thư ấy có cả thư
tố cáo quan đại thần Đỗ Anh Vũ lộng quyền, nên sau đó, hòm thư bị bỏ.
- Năm Ất Tỵ, niên hiệu Bảo Thái (1725),
Chúa Trịnh Cương cho yết bảng ở các lỵ sở, ngã ba đường để dân chúng phản ánh
điều hay dở, thiện ác của các quan trong địa hạt và nỗi oan của mình.
- Năm Nhâm Tý, niên hiệu Vĩnh Khánh (1732),
Chúa Trịnh Giang lại cho đặt hòm ở phủ chúa để nhận đơn kêu oan của dân.
- Năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng (1747),
Chúa Trịnh Doanh cho đặt chuông, mõ ở cổng phủ đường để người nào thấy mình có
tài, muốn tự tiến cử thì đánh chuông và người bị oan ức thì đánh mõ kêu lên.
Các khiếu nại phải được ghi thành văn bản và phong kín để chuyển lên phủ chúa
xem xét.
- Năm Tân Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng (1751),
Chúa Trịnh cho phép nhân dân cả nước được phép viết thư trình bày nỗi oan ức,
dán kín dâng lên.
- Ở Đàng Trong, vào năm Mậu Thân (1788),
Chúa Nguyễn Ánh cũng cho đặt một hòm ở cửa phủ chúa để ai có oan khuất hay bị
người khác hãm hại thì viết đơn trình bày rõ sự việc, ghi rõ họ tên quê quán bỏ
vào hòm để tiện tra xét, người nào bỏ thư nặc danh, vu tội cho người khác thì
bị trị tội nặng.
- Năm Quý Hợi (1803), Vua Gia Long cho dân
từ các trấn Nghệ An ra Bắc ai có oan khuất thì đến công đường sở tại tâu bày.
Đơn thư kêu oan được chuyển lên vua và
văn thần xét đoán, kẻ nào vu cáo, thêu dệt thì bị tội. Năm sau (Giáp Tý,
1804), theo lời tâu của các quan trấn Bắc Thành, Vua Gia Long cho dựng nhà coi
việc ở cửa Nam thành Thăng Long, cứ năm ngày một lần, họp quan lại để bàn vịêc;
ai có việc gì bị oan ức đã qua ba nha trấn, phủ, huyện mà chưa được phục tình
thì cho đầu đơn để xét cho rõ lý.
Từ thời Vua Minh Mạng (1820 - 1841), tại Ty
Tam pháp (cơ quan pháp luật cao nhất của triều đình - gồm ba cơ quan tương
đương Viện Kiểm sát, Tòa án và Bộ Tư pháp hiện nay) có đặt một trống Đăng văn,
vào các ngày 6, 16, và 26 hàng tháng cho phép ai có oan ức được đến đánh trống
kêu oan. Quan Pháp ty ra nhận đơn và xét xử. Còn các ngày khác, ai tự tiện đánh
trống thì coi như phạm tội, dù có bị oan ức đến mấy.
Song một ngày, không phải là ngày tiếp dân
mà bỗng nhiên tại Ty Tam pháp vang lên những tiếng trống đánh gấp đến “nẫu
lòng”. Viên quan trực của Ty vội chạy ra, thấy một người phụ nữ nước mắt đầm
đìa. Theo luật, người phụ nữ đó bị trói và xét hỏi. Bà ta khai tên là Nguyễn
Thị Tồn - vợ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1) vừa chèo thuyền từ Nam Bộ ra để xin
minh oan cho chồng. Đơn kêu oan của bà được đưa ngay lên Vua Tự Đức.
Vua đọc đơn, thấy lời kêu oan rất thống
thiết, nên phê ngay vào đơn và lệnh cho Ty Tam pháp điều tra ngay và xét nghị.
Điều mà bà Nguyễn Thị Tồn kêu oan lên triều đình là chồng bà, ông Bùi Hữu Nghĩa
là Tri phủ phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa, vốn là người cương trực, đã thẳng tay
trừng trị bọn hào cường ở địa phương ức hiếp dân lành, nên bị chúng trả thù.
Bọn cường hào đã ỷ thế vào viên Tổng đốc Biên Hòa để hòng cướp của những người
dân nghèo một con lạch đã được Vua Gia
Long cho phép khai thác, không phải nộp thuế từ khi Vua mới lên ngôi.
Bùi Hữu Nghĩa đã đứng về phía những người
dân nghèo. Giữa những người dân và bọn cường hào đã xảy ra xô xát dẫn đến chết
người. Một số người bị bắt vì quá lo sợ nên sau đó đã khai rằng, sở dĩ có
chuyện tranh chấp dẫn đến chết người đó là do Tri phủ Bùi Hữu Nghĩa. Bọn cường
hào đã xúi bẩy viên Tổng đốc sai lính đóng gông Bùi Hữu Nghĩa và cho giải ra
Kinh đô Huế; đồng thời làm Sớ khép ông vào tội “xui dân làm loạn dẫn đến chết
người”.
Trước nỗi oan ức của chồng, bà Nguyễn Thị
Tồn không quản “thân gái dặm trường”, chèo thuyền từ Biên Hòa ra Huế xin được
minh xét cho chồng. Mặc dù không phải ngày trực của Ty Tam pháp, bà vẫn can đảm
đến Ty để “đánh trống Đăng Văn”. Sau đó, sự thật vụ việc được làm sáng tỏ, Vua
Tự Đức đã phê “Tha tội cho Bùi Hữu Nghĩa, nhưng phải tiền quân hiệu lực, lập
công chuộc tội”.; đồng thời, buộc bọn cường hào địa phương phải để yên cho dân
cày cấy trên đất mà Vua Gia Long đã cho.
Lời bàn:
Tiếng trống Đăng Văn thời Nguyễn,
tiếng chuông, mõ, treo bảng, đặt hòm nhận đơn… thời Lê - Trịnh, tiếng chuông
sân rồng thời Lý v. v. là những hình thức thích hợp để thần dân và quan lại bị
oan ức “kêu trời”, phải chăng vẫn là những điều có giá trị tham khảo trong việc
giải quyết đơn thư khiếu tố của nhân dân trong xã hội ta ngày nay.
(1) Bùi Hữu Nghĩa : người làng Bình Thủy,
huyện Vĩnh Định, huyện này giữa thế kỷ XIX thuộc tỉnh An Giang, nay chưa rõ là
huyện nào, thuộc tỉnh nào. Ông đỗ đầu khoa thi Hương năm Ất Mùi, đời Vua Minh
Mạng (1835), tại trường thi Gia Định.
* Bài đăng trong tập sách Những câu chuyện
pháp luật thời phong kiến (sách riêng của tác giả), Nxb. Tư pháp, 2005. Bài có
tiêu đề “Những tiếng chuông, tiếng trống kêu oan”, nhân vụ Tiên Lãng, tác giả đổi
lại tiêu đề như trên để mọi người cùng suy ngẫm.
Nguồn: Tễu
Cả một bọn đui, điếc, câm cả rồi. Dân khổ chúng không thấy, dân kêu chúng không nghe, dân hỏi chúng không trả lời...Nói hoài nghe/đọc thêm ngao ngán. Than ôi "cái đất nước mình nó vậy"
Trả lờiXóa