Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Bài tham gia cuộc “thi” dịch văn xuôi ra thơ Đường luật (phần 3)

Nguyễn Tường Thụy

Đến bây giờ, sau 4 ngày phát động, "cuộc thi" đã nhận được 20 bài thơ Đường luật hưởng ứng. Đây là con số không ngờ. Thoạt đầu, nhà cháu cũng chỉ nghĩ tếu táo cho vui vẻ chứ không dám nghĩ đến sự ủng hộ nhiệt tình của các bác. Và bây giờ là bài viết thứ 3, nhà cháu hầu chuyện các bác. Nhà cháu sợ để dồn cục lại, nhỡ ra bài thì bình, bài lại vội mà bỏ qua. Bác nào nhà cháu đều quí trọng vả.

15. Bác Hà Văn Thịnh ở Đại học khoa học Huế cũng gửi bài ra tham gia. Quả nhiên danh bất hư truyền. 
Yên Trung tạo hóa tạc cơ đồ
Trác hạ ai người thích họa thơ
Mênh mông biển nước thông vờn nguyệt
Sóng sánh trời mây cá giỡn hồ
Suối nguồn khe đẫm, đôi bồng đảo
Trăng núi gió lùa, mấy tiếng cu
Nghe thấy chim gù không có bướm
Nghĩ nàng công chúa vẫn say mơ?

Câu câu 4, câu 6, mỗi câu có 3 chữ cùng dấu: lỗi chánh nữu (trong một câu, không được dùng nhiều chữ cùng âm hoặc chữ cái đầu).

Câu 3 có 3 chữ thanh bằng. Nhà cháu thấy với thanh bằng (không dấu và dáu huyền) thì 3 chữ cùng dấu không ảnh hưởng lắm nên không tính, tuy khi làm tránh được là tốt.
Chữ dùng của bác Thịnh rất có hồn, Cụm "sóng sánh trời mây" quả là tuyệt. Câu 7 và 8 thì tuyệt vời, đầy thâm ý và đọc lên không khỏi bật cười thú vị như ta ăn một miếng ngon, cái dư vị cứ còn mãi đầu lưỡi.

Hai cặp đối chỉnh.

Bác Nhật Lệ có góp ý với bác Thịnh nên đảo cặp đối thứ nhất thành:

Biển nước mênh mông thông vờn nguyệt
Trời mây sóng sánh cá giỡn hồ

Nếu đổi đi như thế, bài này sẽ bị thất niêm. Nhưng nhà cháu bỏ riêng hai câu này ra khỏi bài để bàn.

Bác Lệ đề nghị đổi lại như thế, nhà cháu thấy thuận vầ ngữ pháp hơn. Nhưng nhà cháu lại tính khác. Xin cho phép nhà cháu lan man một chút:

Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, có cặp đối như sau, ông lấy làm đắc ý lắm:

Tử năng thừa phụ nghiệp 
Thần khả báo quân ân

(con nối nghiệp cha, tôi đền ơn vua)

Cao Bá Quát sửa lại như sau:

Quân ân thần khả báo 
Phụ nghiệp tử năng thừa

(Có tài liệu nói là vua Minh Mạng và Nguyễn Hàm Ninh)

Lý do Cao Bá Quát đưa ra là con không thể đặt trước cha, tôi không thể đặt trước vua và đạo cha con không thể đặt trước đạo quân thần. Ông sửa lại như vậy là vẹn cả mọi đằng.

Nhưng nhà cháu lại không để ý đến mấy lý do đó mà lại đề cập đến nghệ thuật đặt câu.

Tử năng thừa phụ nghiệp/Thần khả báo quân ân: ý cảu câu đối thuận. Khi đảo lại thì có vẻ hơi ngược tuy vẫn có cấu trúc câu kiểu như thế, vẫn đúng cú pháp.

Quân ân: thần khả báo/Phụ nghiệp: tử năng thừa

(đúng là khi đảo lại phải dùng những dấu hai chấm như vậy, còn nếu để nguyên câu của vua Tự Đức thì không cần)

Như vậy, có phải là câu đối khỏe khoắn và sinh động hơn hẳn lên phải không các bác.

Bài "Cây sáo trúc" của nhà thơ Huy Trụ, có đoạn, ban đầu ông viết là:

Nếu tính chiều âm vang 
Nó dài hơn dòng sông 
Rộng hơn cánh đồng 
Cao hơn ngọn núi 
Mặc dù thân sáo tính bằng gang.

Sau ông sửa lại:

Nếu tính chiều âm vang 
Có chiều dài: dòng sông 
Chiều rộng: cánh đồng 
Chiều cao: ngọn núi 
Mặc dù thân sáo tính bằng gang.

Làm cho đoạn thơ gọn và hay hơn hẳn (nhà cháu có thể nhớ nhầm một hai chữ)

Vì vậy cặp đối của bác Thịnh:

Mênh mông biển nước thông vờn nguyệt
Sóng sánh trời mây cá giỡn hồ


Nhà cháu thấy để nguyên như thế hay hơn
Hình như bài của thầy Thịnh làm nhà cháu tốn thời gian hơn cả. He he.

16. Bài của bác Bun Thoong:

Bồng đảo hai gò trên sườn núi
Thông dựng cột buồm trảng vô phong
Công chúa ngủ rừng mơ hỗn hợp
Mân mê hoàng tử thả đòng đong
Bao giờ YÊN ở TRONG khe nhỉ
Để lũ le le khỏi díu đàn
Để cá lững lờ rêu lún phún
Sư thiền yên vị chốn cung tiên

Bài của Bác Thoong thì nhà cháu chịu rồi. Không biết bác í làm theo thể loại nào, thôi thì cứ gọi là thất ngôn bát cú phi đường luật. Hihi.

17. Thơ của bác Nhà Lơ Thơ

Yên Trung giữa núi nứt ra hồ
Nước lọt khe dồn sóng nhấp nhô
Đảo bé trồi lên thò núm vú
Cá to ngụp xuống ngập chuôi vồ
Hữu tình sơn thủy ru công ngủ
Vô ý vịt le quậy chúa thơ
Tạo hóa sinh thành nàng tuyệt tác
Sao thằng Thuận dám đạo văn hờ?

Bác Thơ làm đúng niêm luật. Hai cặp đối chỉnh. Tuy vậy bác mắc nhiều lỗi nhưng đều là những lỗi nhẹ:

Câu 1: tiểu vận (chữ thứ 2 và chữ thứ 6 của câu vần không được cùng vần)

Câu 3,7,8: phong yêu (chữ thứ 2 và chữ thứ 7 của câu không được cùng dấu)

Câu 5,6: hạc tất (chữ thứ 4 và thứ 7 của câu không được cùng dấu.

Bác nên sửa ý của câu 8.

18. Bác Du Nhi gửi hai bài. Theo cách xưng hô thì bác Nhi còn ít tuổi lắm. Nhà cháu biết trong số tham gia có bác cao niên, 70, 80 tuổi, cũng có bác kém nhà cháu 1 thế hệ. Nhưng khi bình thơ, nhà cháu cứ xưng hô thống nhất, điều này không có nghĩa là bắt các bác thanh niên phải già đi :)

Trước hết nhà cháu bình bài sau đây:
Mảnh nước long lanh giữa đất trời
Núi xanh, thông biếc, khói chơi vơi
Bồng đảo dập dềnh đôi ngọn nhú
Đào nguyên róc rách một ngòi khơi
Giỡn sóng, loi choi bầy cá lội
vui trăng đủng đỉnh lũ cò bơi
Khách thơ dừng bước miên man hứng
Ông tạo cao tay khéo vẽ vời

Bài thơ khá hay. Chữ mảnh mước rất mới, rất hiếm người dùng. Nhưng cũng là mặt bằng như nhau, ta gọi mảnh ruộng được thì sao không gọi mảnh nước được nhỉ?

Rất tiếc là cặp đối thứ nhất bác Nhi lại lạc sang luật bằng. Giá bác đảo lại và sửa thêm một chút thì tốt biết mấy, ví dụ:

Dập dềnh bồng đảo đôi gò nhú
Róc rách đào nguyên một dải khơi

Câu 3 chánh nữu (trong một câu, không được dùng nhiều chữ cùng âm hoặc chữ cái đầu).

Câu 4: phong yêu.

19. Bài thứ hai của bác Du Nhi như sau:

Ở xã Phương Đông có cái hồ
Nước biếc, thông reo, đá nhấp nhô
Cá lội loi choi, kia một lạch
Chim bay xớn xác, nọ hai gò
Thi nhân xướng vận, bao la ý
Mặc khách họa đề, tuyệt diệu thơ
Trộm đọc dăm bài, hoan hỷ thốt:
Ồ!!!

Thơ Đường luật có nhiều thể loại, trong đó có thể Yết hậu. Câu cuối của thể này chỉ có một chữ.

Thơ yết hậu thường dùng trong thể 4 câu, nhưng nếu dùng trong thể 8 câu cũng không sao.

Thực ra, ý nhà cháu khi ra đề là chỉ nói đến thể thơ Đường luật cơ bản (phổ biến nhất) nhưng nhà cháu quên không nói cụ thể. Nhưng bác Nhi đã đưa ra bài thơ Yết hậu thì nhà cháu vẫn cứ bình.

Hai cặp đối của bác Nhi hoàn chỉnh về mặt đối. Về ý thì cặp đối 2 hay hơn, còn câu 2 của cặp 1 thì "chim bay xớn xác" với "nọ hai gò" không ăn nhập gì với nhau.

Chỉ tiếc rằng bài này bác Nhi làm theo luật bằng nhưng lại mở đầu bằng câu luật trắc, câu này lại văn xuôi quá.

Nếu không vì câu mở đầu thì đây là một bài thơ hay.

20. Bài của bác Lý:

Yên Trung thấp thoáng phủ sương lam
Khẽ động cành thông, gió lướt thầm
Bồng đảo đôi gò, soi nước biếc
Cô hằng một bóng, ngắm non xanh
Xa xa cá quẫy đùa theo sóng
Chốc chốc le kêu, gọi với đàn
Ngắm cảnh se lòng non với nước
Ai người chẳng động chút tâm can

Thơ bác Lý có hồn. Hai câu kết hay. Chữ "chút" nếu thay được thì tốt.

Bác không nên dùng chữ Yên Trung vì Yên Trung có thể là tên hồ, có thể là tên địa danh. Nếu dùng chữ "mặt hồ" thì ổn hơn. Khi đó, còn ba chữ cùng thanh không sẽ nhẹ đi lỗi chánh nữu.

Chữ "xanh" bị lạc vận.

Chữ "lam" thông vận với chữ "thầm" và chữ "đàn" (lam/thầm, lam/đàn) nhưng chữ "thầm" lại không thông vận với chữ "đàn". Ấy cái chuyện thông vận nó lại rắc rối như thế. Ví dụ bác hợp với bác A và bác B, nhưng có khi hai bác í lại không hợp nhau, thậm chí còn ghét nhau là đằng khác.

Như vậy có thể 5 chữ vần không nhất thiết phải thông vận hoàn toàn với nhau. Cái khéo của người làm thơ là rê dắt sao cho nó liên tiếp vào vần. Ví dụ vị trí chữ xanh là chữ "cam" thì nó được rê dắt theo kiểu "lam>thầm>cam>đàn>can". Chữ "thầm" chẳng có họ hàng gì với chữ "đàn" nhưng lại được chữ "cam" làm trung gian chuyển hóa nên cả bài thơ lại vần.

"Bồng đảo" và "Cô Hằng" không chỉnh. "Bồng đảo" là từ Hán - Việt, "cô" là từ Việt. Sao bác không dùng chữ "Hằng Nga" có hơn không, cho dù "bồng đảo" đối với Hằng Nga không chỉnh lắm nhưng vẫn hơn là đối với "cô Hằng".

Chữ "đôi gò" đối với "một bóng" là chỉnh rồi, "đôi/một" mà. Nhưng phải nhà cháu thì nhà cháu sẽ dùng chữ "lẻ bóng". Nếu gọi là đối chan chát thì "lẻ" đối với "chẵn", nhưng trong trường hợp này, "lẻ" đối với "đôi" lại rất tuyệt, chữ "lẻ" đặt vào ngữ cảnh này rất gợi cảnh, gợi tình.

Bác bị trùng hai chữ "non" và hai chữ "nước"

*****

Trước tình hình thơ còn mắc nhiều lỗi, nhật là hay bị thất niêm, nhưng vì nhà cháu không định phổ biến cách làm thơ Đường luật nên chỉ gợi ý bác nào chưa rành hoặc đã quên thì nên truy cập vào công cụ tìm kiếm google để ngâm kíu thêm:

- Các bảng luật của thơ Đường luật
- Thế nào là luật bất luận
- Thế nào là niêm trong thơ Đường luật
- Các lỗi thường gặp khi làm thơ Đường luật (8 bệnh)
- Đối trong thơ Đường luật
- Các hình thức họa thơ
- Bố cục một bài thơ Đường luật.

21/11/2012

NTT

NÓI LẠI:

Bác Đất có phản hồi lại để bảo vệ ý kiến của bác Lệ về việc góp ý cho 2 câu của bác Thịnh. Quả thật là nhà cháu bị nhầm khi bảo vệ cho bác Thịnh. Như nhà cháu đã nói, khi bị thất niêm, đọc lên rất khó nhận ra nếu không rà soát tỉ mỉ.

Như vậy là phát hiện của bác Lệ đúng. Bác Thịnh làm thơ theo bảng luật bằng nhưng hai câu:

Mênh mông biển nước thông vờn nguyệt
Sóng sánh trời mây cá giỡn hồ

lại bị lạc sang bảng luật trắc. Thế mà nhà cháu lại âm mưu đem bài này đi ứng cử giải Nobel. Hu hu.

Thường là khi chữa câu bị thất niêm, ta hay đảo lại như bác Lệ đã góp ý. Nhưng đảo lại vẫn chưa ổn mà còn phải đảo tiếp thanh chữ thứ 6

Biển nước mênh mông thông vờn nguyệt
Trời mây sóng sánh cá giỡn hồ

Ví dụ:

Biển nước mênh mông thông giỡn nguyệt
Trời mây sóng sánh cá vờn hồ

Chữ vờn thay bằng chữ nào đó không dấu đọc nghe êm hơn.

Xin lỗi bác Lệ và bác Đất nha.

22/7/2012

NTT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét